2. HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT NÔNG DÂN
2.2. NGƯỜI NÔNG DÂN KHỔ CỰC GIAN NAN NHƯNG BIẾT KHÁT KHAO HẠNH PHÚC, DÁM ĐẤU TRANH CHO TÌNH YÊU
TRANH CHO TÌNH YÊU
“Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” (Lời trong một ca khúc của Trịnh Công Sơn) – nói lên sự cần có nhau, khát khao tình yêu cháy bỏng của đôi lứa. Tình yêu là đề tài của muôn vàn cung bậc và kết quả cuối cùng của nó là mái ấm gia đình hạnh phúc vợ chồng vĩnh kết đồng tâm. Những người trí thức nếu đa sầu đa cảm và lãng mạn trong tình yêu thì những người nông dân lại có một tình yêu giản dị nhưng mặn mà, họ yêu nhau và hi sinh cho nhau một cách thầm lặng chứ không thiên về biểu lộ. Và lẽ dĩ nhiên là phải tìm được tình yêu đích thực thì mới có hạnh phúc đúng nghĩa trên nền tảng hết lòng vì nhau. Nhưng trên hành trình tìm kiếm ấy không phải dễ dàng và đơn giản. Có người đi cả suốt cuộc đời cũng không tìm thấy được cái kết quả của lí lẽ
con tim mà mình mong chờ; và có người đã phải trải qua biết bao cay đắng khổ đau, đã yêu hết lòng, đã hi sinh hết dạ nhưng tình yêu chân chính vẫn như đùa cợt con người, nó không hề lộ diện mà đến khi xác định được thì lại rơi vào bi kịch quá trái ngang. Nhân vật Hắc Thị trong truyện ngắn cùng tên của Giả Bình Ao thuộc trường hợp thứ hai. Hắc Thị là hình tượng người dân khổ cực gian nan nhưng biết khát khao hạnh phúc, luôn mong muốn tìm ra được lối đi riêng cho mình. Không phải chị đòi hỏi quá trọn vẹn, quá cầu toàn trong tình yêu mà chị chỉ khát khao hạnh phúc đích thực, muốn được yêu thương thắm thiết – đó âu cũng là nỗi lòng của một người đàn bà bình thường, một nhu cầu rất “nữ tính”. Hắc Thị còn là một phụ nữ mạnh mẽ, độc lập, ở chị lúc nào cũng toát lên sự khỏe mạnh và sức mạnh tiềm tàng, dám đấu tranh cho tình yêu của mình. Tuy mang sự dốt nát của người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” và đôi lúc cam chịu nhưng nhìn chung chị rất dồi dào sức phản kháng, chống trả với những bất công, sự đọa đày lên số phận của những người phụ nữ nơi thôn dã nói chung.
Câu chuyện kể về chuỗi ngày gian truân trong cuộc đời của Hắc Thị. Hắc Thị là một nông dân cần mẫn, chịu thương chịu khó, chị có một nét đẹp khỏe mạnh và chân chất rất tự nhiên. Chồng chị là một người có thân hình bé choắt và là con của một gia đình giàu có nên khi về làm dâu, tuy chị làm lụng vất vả không quản công, nếm đủ mọi cay đắng nhưng gia đình chồng chỉ coi chị là một người ở không hơn không kém. Người chồng bé choắt thì cũng chỉ xem chị như thú vui để thỏa mãn dục vọng, còn bản thân hắn thì phong lưu bên ngoài. Hắc Thị ức lắm nhưng chị chỉ biết khóc thầm và âm thầm chịu đựng. Mộc Độc là một người hàng xóm rất tốt bụng của Hắc Thị, anh tuy nghèo khổ, xấu xí nhưng rất thật thà chăm chỉ, anh phải làm việc cực lực đủ mọi nghề để nuôi người cha già yếu của mình. Anh rất có thiện cảm với Hắc Thị và luôn quan tâm đến chị nhưng anh còn rất e dè, nhút nhát.
Bố chồng của Hắc Thị là một kẻ gian thương, làm nghề tín dụng để bòn rút tiền và đầu tư bất hợp pháp để lấy lời to, vì thế gia đình chồng của chị ngày một phất lên và cũng kênh kiệu “học đòi làm sang” một cách lố bịch. Người chồng bé choắt vì thế cũng ăn chơi sa đọa và ra sức hành hạ Hắc Thị. Chính trong thời gian đau khổ này, chị quen và làm bạn với Lai Thuận, một người rất tốt bụng, nhiệt tình. Cũng như Mộc Độc, anh rất tốt với chị, luôn quan tâm chia sẽ cũng như hết lòng giúp đỡ chị. Gia đình chồng nổi cơn thịnh nộ vì Mộc Độc trong một lúc tức tối đã đến gây chuyện, họ buộc Hắc Thị phải li dị và buộc chị ra khỏi nhà. Hắc Thị tuy lòng bị tổn thương nhưng khi bên ngoài được tự do tự tại chị thấy rất ung dung và thanh thản. Với sự chăm chỉ lao động của một người đàn bà lực điền, chị sống rất thoải mái và tự lo cho thân mình một cách ổn định. Nhưng đêm nằm gối chiếc lạnh lùng chị cũng khát khao một hơi ấm đàn ông, khát khao sự yêu thương. Mộc Độc và Lai Thuận đều có tình ý với chị nên cả hai cùng nhờ người mai mối đến cầu hôn chị. Qua những đêm dài suy nghĩ mông lung, chẳng biết phải chọn ai từ chối ai nhưng lại rất tình cờ và cả sự trùng hợp, chị đã nhận lễ cưới từ người mai mối cho Mộc Độc. Một cuộc sống gia đình khác lại đến với chị, chị đã có một bàn tay chồng ủ ấm đêm đêm và yêu thương chia sẻ mọi việc với chị. Chị thấy phấn chấn
hẳn lên và cùng chồng ra sức làm việc để chăm lo xây dựng gia đình. Nhưng cuộc sống ngày một khó khăn, Mộc Độc nghe theo lời một người bạn cũ đi làm ăn ở nơi hầm lò tối tăm xa xôi, nơi mà người ta phải “làm bạn với ma quỉ, làm khách của Diêm vương”. Mộc Độc đi rồi, Hắc Thị một mình quán xuyến cả gia đình, nuôi người cha đã già lại đau yếu luôn. Thời gian này, Lai Thuận rất hay đến đỡ đần và giúp đỡ chị làm cha chồng của Hắc Thị rất bực tức, chửi bới Lai Thuận tàn nhẫn vì nghi ngờ Lai Thuận có lòng đen tối. Hắc Thị rất buồn nhưng vẫn nghe theo lời cha nên không tiếp xúc với Lai Thuận nữa. Lai Thuận biết rõ nhưng vẫn luôn giúp đỡ chị hết lòng. Một hôm, Mộc Độc trở về, hình hài đã in đậm dấu vết tàn tạ nơi mỏ than và tâm hồn đã phần nào bị chai sạn vì không tiếp xúc với con người suốt một thời gian dài. Anh đã kiếm được một số vốn kha khá nên hai vợ chồng đã mở một hiệu ăn nhỏ, do chí thú làm ăn lại thêm Hắc Thị đã khéo tay lại khéo ăn nói, nên chẳng bao lâu họ đã làm ăn rất phát đạt. Cha chồng của Hắc Thị nay đã tuổi già sức yếu lại thấy con làm ăn khá giả nên ông cũng yên tâm đi về cõi hạc. Hai vợ chồng khóc than thảm thiết và làm đám tang rất linh đình. Thế là Mộc Độc phải về trông nhà, còn Hắc Thị phải ở cửa hàng lo buôn bán nên hai vợ chồng chẳng mấy khi được ở cùng nhau. Nhiều lần Hắc Thị bảo Mộc Độc ở lại cửa tiệm với mình nhưng anh vẫn tìm cách thoái thác để được về nhà nghỉ ngơi thoải mái vì anh cả ngày làm việc đã rất mệt. Lai Thuận lúc này vẫn là bạn thân thiết của gia đình Mộc Độc, nên những lần Mộc Độc bỏ về nhà, Lai Thuận vẫn kiên trì ở lại để trò chuyện và an ủi Hắc Thị. Anh đã làm lòng Hắc Thị ấm lại, nhưng Hắc Thị vẫn luôn giữ khuôn phép đuổi khéo anh về khi trời đã khuya. Lai Thuận vốn yêu Hắc Thị từ lâu, từ khi không lấy được Hắc Thị anh đã vô cùng tiếc nuối, nay thấy Hắc Thị phòng không chiếc bóng, anh lại trỗi dậy tình yêu trong lòng. Anh đã đem tới cho Hắc Thị những rung cảm yêu thương mãnh liệt và cuồng nhiệt nhất. Bẵng đi một thời gian nữa, Hắc Thị biết được tin gia đình chồng cũ tan tác vì tù tội do vi phạm pháp luật. Người chồng bé choắt phải đi lang thang để xin ăn và tìm đến xin ngay ở cửa hàng Hắc Thị, anh ta cảm thấy vô cùng xấu hổ và ân hận. Hắc Thị tuy trong lòng oán hận nhưng giờ chị lại thấy rất xót thương khi thấy người xưa gặp cảnh không may. Chị bàn cùng Mộc Độc lấy tiền trả nợ giúp cho người chồng cũ để cứu vớt danh dự gia đình của anh ta và còn giúp cho anh ta đi làm ăn ở hầm than. Nhưng do không làm được việc nặng nên người chồng bé choắt ấy rất túng quẫn, trong một lần đang làm việc ở hầm than thì hầm bị sập, anh ta đã chết không toàn thây. Hắc Thị rất đau lòng, đưa anh về để mai táng tử tế. Chị thấy mình như đã kết thúc một giấc mơ buồn ảm đạm.
Đất nước ngày càng đổi mới, công việc làm ăn của hai vợ chồng Hắc Thị cũng ngày một khá giả, tuy vậy Hắc Thị vẫn thấy bị ghẻ lạnh về tâm hồn bởi vì Mộc Độc vẫn như một khúc gỗ, anh vẫn chai sạn cảm xúc như thế. Anh yêu vợ nhưng không thể làm cho vợ hạnh phúc thật sự. Vào một đêm Trung Thu rất đẹp trời, Mộc Độc ra tiệm chuẩn bị bánh cùng người làm phá cỗ còn Hắc Thị về nhà dọn dẹp. Tới lúc sắp phá cỗ rước đèn, Mộc Độc sai người làm về gọi Hắc Thị ra họp mặt thì chẳng thấy chị đâu cả. Tưởng rằng chị đi gọi thêm Lai Thuận nhưng đến chỗ Lai Thuận thì cũng chẳng tìm thấy ai. Cùng lúc ấy, ở một thôn nhỏ nằm trên con đường về vùng núi sâu cách đó năm mươi dặm, người ta bắt trói một đôi nam nữ khỏa thân trong
một chiếc lều coi dưa rách nát. Họ được phủ một tấm chăn đơn lại để người trưởng thôn đến thẩm vấn, họ khai là người thôn Tây Xuyên cách đây năm mươi dặm, đang trên đường về sum họp gia đình, có cả giấy tờ mang theo. Trưởng thôn thấy có lý nên thả họ ra, nhưng vẫn trừng phạt họ bằng cách dội nước lạnh từ đầu đến chân vì họ đã mang điềm xấu đến trong đêm Trung Thu sẽ làm ảnh hưởng đến việc làm ăn của làng, họ chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi vội vã bỏ chạy ra đường, người nữ bị vấp ngã, người nam đỡ dậy và họ cùng nhau cố sức chạy để cho cái lạnh không vào xương cốt. Không biết con đường này còn bao xa nơi họ cần đến và cũng không biết cuộc sống đang chờ họ là cay đắng hay ngọt bùi, là nỗi buồn hay niềm vui…?
Mang bản chất của một người nông dân thuần túy, nên bên cạnh việc giỏi giắng đảm đang thì Hắc Thị còn thể hiện ra một phần là dốt nát, cam chịu không biết đến việc bên ngoài xã hội. Nhưng dù sao, thì cuối cùng ở chị vẫn toát lên vẻ đẹp khỏe mạnh, tự nhiên nơi tấm lòng của mình. Hết lòng làm dâu làm vợ, chị chỉ muốn hết lòng vun đắp cho gia đình chồng, nhưng những con người hám lợi tàn nhẫn ấy chỉ biết chà đạp lên cả thân xác và tinh thần của chị, làm chị đau khổ quay quắt trong sự nhẫn nhục chịu đựng. Chị còn là một người phụ nữ biết tự trọng và khuôn phép. Mới vừa li dị chồng, tuy chị luôn khát khao yêu thương, hạnh phúc nhưng không vì thế mà chị suồng sã với những người đang yêu thương mình. Chị là một người phụ nữ thuần nhất ở chỗ chị luôn là người của gia đình, luôn lo cho gia đình, hi sinh tất cả vì hạnh phúc gia đình, nhưng chị cũng là một người phụ nữ dám yêu dám hận, luôn khát khao tình yêu chân chính. Hắc Thị như một bông sen trắng tinh khôi tỏa hương thơm ngát giữa chốn bùn nhơ mà vẫn không hề tanh hôi mùi bùn, bông sen trắng tinh khiết ấy tỏa hương dào dạt giữa cuộc đời thường và luôn gìn giữ hương thơm ấy như con ngươi của mắt mình. Đáng quí chính là ở đấy. Chị tuy cũng có những yêu ghét giận hờn chứ không phải là thánh nhân nhưng dù như thế nào chị cũng không để những hĩ nộ ấy làm vẩn đục tâm hồn. Là một phụ nữ biết yêu thương và khao khát yêu thương, dám đấu tranh cho tình yêu đích thực của mình, nên ta có thể dễ dàng suy đoán được chị là người phụ nữ cuối tác phẩm với mong muốn ra đi tìm hạnh phúc và tình yêu thật sự của mình. Con người ta không sai khi đi tìm tình yêu, tìm hạnh phúc lứa đôi thuộc về mình và vươn lên để tự giải phóng mình. Ở đây ta còn thấy hai hình tượng nhân vật người nông dân nữa, tuy chỉ là nhân vật phụ làm hiện lên hình tượng nhân vật chính là Hắc Thị, nhưng Mộc Độc và Lai Thuận cũng góp phần quan trọng làm nên những chuyển biến, vận động của cuộc đời Hắc Thị.
Mộc Độc có thể coi làm mẫu người nông dân suốt đời lao khổ không biết đến ngày mai, chính vì thế anh có phần nào cứng nhắc và vô cảm trước tình yêu nồng nhiệt của vợ mình, anh chỉ biết thỏa mãn dục tính của mình một cách bản năng mà thôi. Lai Thuận thì đối lập với Mộc Độc, anh là mẫu người nông dân “nổi loạn”, có phần hơn cả Hắc Thị, anh cũng khát khao yêu thương, khát khao có một mái ấm gia đình để dừng chân và xây dựng cuộc sống hạnh phúc, anh phóng túng ngang tàng không
theo khuôn phép, anh chỉ hành động theo tình cảm của mình, dám nghĩ dám làm. Và hành động táo bạo nhất là bỏ trốn cùng Hắc Thị đến một nơi xa lạ để làm lại cuộc đời, gây dựng hạnh phúc trên nền tảng tình yêu đúng nghĩa ở cuối tác phẩm. Dù con đường phía trước có gian lao, có thử thách, nhưng con người ta có gì ngần ngại khi được là chính mình, sống thật với cảm xúc của mình, và khi được sống đúng nghĩa với tình yêu của mình. Hắc Thị và Lai Thuận là trường hợp như thế. Đặt vấn đề là cuộc sống của người nông dân và những tâm tư tình cảm của họ, Giả Bình Ao đã góp thêm một tiếng nói về giải phóng tình cảm con người, giải phóng sự dốt nát tối tăm để được khẳng định mình, hướng về một tương lai tươi sáng do chính mình tạo dựng. Cuộc sống có bất công tàn bạo, có đau khổ trầm luân, có đẩy con người đến bước đường cùng thì niềm tin vào sức mạnh cải tạo tích cực của con người là vô cùng cần thiết để chúng ta xứng đáng với hai chữ CON NGƯỜI. Từ sức mạnh của niềm tin ấy, con người nói chung và người nông dân nói riêng sẽ có thể thay đổi được cuộc sống của mình, cải tạo xã hội tốt hơn. Sự dốt nát, lạc hậu tuy có đeo đẳng những người nông dân khiến cuộc sống của họ tăm tối, lao đao khốn đốn và dẫn đến bi kịch, nhưng tại sao ta lại không tin tưởng vào trái tim chân thành của họ, không tin vào tâm hồn tràn ngập yêu thương của những con người thôn dã. Bằng lòng khát khao yêu thương cùng sức sống tiềm tàng nhưng cháy bỏng, họ sẽ làm được tất cả, họ sẽ giải phóng mình trên con đường tự do phía trước để tiến từng bước thật tự tin
Cuộc đời chìm nổi gian truân của Hắc thị làm chúng ta liên tưởng tới một nhân vật truyền thống với một hoàn cảnh tương tự. Đó cũng là hình tượng người phụ nữ gian truân trong cuộc sống, nhân vật đó chính là chị Tường Lâm trong Lễ cầu phúc của Lỗ Tấn. Nhưng ở đây chị lại mê muội trong nỗi khiếp sợ trước giáo lí và thần quyền phong kiến. Nỗi đau day dứt tâm hồn chị Tường Lâm cho đến khi chết có thể nói là “muốn làm nô lệ mà không được” (Lỗ Tấn). Quả vậy, điều mong ước thấp nhất và cao nhất của chị cũng chỉ có một: sống một cuộc sống tối thiểu, làm một người nô lệ không hơn không kém. Chị bỏ ra rất nhiều để đổi lại rất ít. Được người thuê, chị làm không tiếc sức, hơn thế, còn lấy làm thỏa mãn, bởi vì hi vọng của chị không có gì khác là được chốn yên thân. Cái hi vọng nhỏ nhoi đó, bản thân nó đã mang tính bi kịch, bởi vì nó vốn không có gì đáng là hi vọng. Nhưng cái thòng lọng của lễ giáo phong kiến cũng đã giết chết cái hi vọng ấy. Cuộc đời chị là một chuỗi dài những ngày lăn lóc, đau đớn dưới áp lực tàn khóc của lễ giáo và thần quyền phong kiến. Chính quyền, tộc quyền, nam quyền, và thần