b. Từ đường họ Vũ
2.2.3.3. Gía trị cộng đồng
Vùng đảo Hà Nam là nơi diễn ra các hoạt động tụ cư rất sớm, trước môi trường khí hậu khắc nghiệt lúc bấy giờ đòi hỏi cư dân phải có sự đoàn kết, cố kết cộng đồng rất cao để chống chọi lại với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, để giúp đỡ nhau cùng tồn tại. Tính cộng đồng của cư dân được thể hiện rõ nét nhất qua các di tích và lễ hội. Người dân nơi đây coi di tích là biểu tượng cao nhất, linh thiêng nhất của cộng đồng. Việc xây dựng các công trình di tích đòi hỏi phải có kinh phí lớn, nếu như không có sự chung vai góp sức của cộng đồng sẽ không thể xây dựng các di tích đó. Việc xây dựng thành công các di
tích đã là một khó khăn lớn nhưng việc bảo quản và tu bổ di tích ngày nay cũng là một vấn đề rất đáng quan tâm. Nó đòi hỏi ý thức cộng đồng rất cao, đòi hỏi mọi người dân phải chung sức đóng góp.
Đối với các cộng đồng làng xã thì các di tích, lễ hội và cả những phong tục tập quán trong cuộc sống đời thường không chỉ là môi trường cộng cảm văn hoá, mà còn là môi trường để giáo dục cho các thế hệ con cháu mai sau tiếp thu những giá trị văn hoá từ ngàn xưa để lại. Hoạt động lễ hội gắn với các thành viên trong cộng đồng trên cơ sở có sự thống nhất về văn hoá giữa các thế hệ này với thế hệ khác. Ngày lễ hội ở bất cứ địa phương nào cũng mang tính cộng đồng rất cao, đặc biệt là các lễ hội dân gian truyền thống thì tính cộng đồng càng được thể hiện rõ rệt.
Đây chính là biểu tượng cao nhất của cộng đồng. Lễ hội cũng đem lại cho con người sự bình đẳng. Trong lễ hội, trong các tín ngưỡng thờ thần không có sự phân biệt đẳng cấp sang hèn, mọi người đều tham gia và hưởng thụ như nhau, họ bình đẳng trước cộng đồng và trước thần linh. Chính yếu tố này đã tạo nên sự gắn kết cộng đồng với nhau, làm cho con người đoàn kết gần gũi nhau hơn, từ đó làm nên một cộng đồng lớn, một quần thể gắn bó tràn đầy sức mạnh.