Chương 2 CHỨNG KHOÁN
2.2.2.2 Phân loại cổ phiếu
● Theo các quyền lợi mà cổ phiếu mang lại cho cổ đông, cổ phiếu bao gồm: cổ phiếu thường và cổ phiếu ưu đãi.
► Cổ phiếu thường (Common/Ordinary shares/stocks)
* Khái niệm cổ phiếu thường:
Cổ phiếu thường (còn gọi là cổ phiếu phổ thông) là loại cổ phiếu mà người sở hữu nó có các quyền thông thường của một cổ đông.
* Đặc điểm của cổ phiếu thường:
+ Cổ đông nắm giữ cổ phiếu thường được hưởng các quyền và lợi ích cơ bản sau: - Hưởng cổ tức theo tuyên bố trả cổ tức của hội đồng quản trị ( HĐQT).
Đặc điểm cơ bản nhất của loại cổ phiếu thường là có thu nhập (cổ tức) không được xác định trước, mức cổ tức và phương thức chi trả (bằng tiền hay chứng khoán) phụ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và chính sách phân phối cổ tức của công ty phát hành. Cổ tức (hay lợi tức cổ phần ) là thu nhập hàng năm của cổ phiếu. Cổ tức thường được xác định và chia theo năm tài chính, nhưng cũng không ít công ty cổ phần quyết toán cổ tức theo năm tài chính và chia cho cổ đông theo hai, hoặc bốn kỳ trong một năm (6 hoặc 3 tháng chia cổ tức một lần).
- Có quyền sở hữu tài sản của công ty theo tỷ lệ % cổ phiếu nắm giữ.
- Có quyền tham gia đại hội cổ đông và bỏ phiếu bầu hội đồng quản trị. Được quyền ứng cử và đề cử các chức vụ quản lý theo qui chế. Có quyền bỏ phiếu biểu quyết (voting right) các vấn đề liên quan đến toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty trong đại hội cổ đông theo chính sách bỏ phiếu của công ty và tỉ lệ cổ phiếu mà cổ đông đang nắm giữ. Nếu không tham gia được họ có thể ủy quyền cho người khác thay mặt biểu quyết.
- Kiểm tra sổ sách của công ty khi có lí do chính đáng, phù hợp với quy định của pháp luật và điều lệ của công ty.
- Được quyền chuyển nhượng cổ phiếu cho người khác.
- Được mua cổ phiếu mới do công ty phát hành theo chính sách ưu đãi của công ty. - Không được ưu tiên chia vốn khi công ty bị giải thể hay phá sản, có nghĩa là việc chia phần tài sản cho cổ đông thường chỉ được thực hiện sau khi công ty trang trải xong các nghĩa vụ đối với các chủ nợ và cổ đông ưu đãi .
+ Trên cổ phiếu chỉ ghi mệnh giá, không ghi cổ tức.
* Giá trị của cổ phiếu thường:
- Mệnh giá cổ phiếu: Hầu hết các công ty cổ phần đều ấn định mệnh giá cho mỗi cổ phiếu thường. Mệnh giá này được in trên tờ cổ phiếu hoặc ghi trong sổ sách kế toán, trong điều lệ của công ty phát hành. Mệnh giá cổ phiếu không liên quan trực tiếp đến giá trị thị trường của cổ phiếu đó. Mệnh giá thể hiện tầm quan trọng nhất của nó vào thời điểm phát hành, là căn cứ để xác định số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành và tính tỉ suất cổ tức danh nghĩa. Tuy nhiên, một công ty cổ phần cũng có thể phát hành cổ phiếu không có mệnh giá, chẳng hạn như các cổ phiếu đặc biệt dành cho các sáng lập viên của công ty. Cổ phiếu này có đặc điểm là nó chỉ được hưởng lời sau khi tiền lời thuần tuý đã chia cho các cổ đông (người chủ sở hữu cổ phiếu, đồng sở hữu công ty cổ phần).
- Thị giá cổ phiếu (Market Price): Do cổ phiếu thường có lợi tức không cố định mà phụ thuộc vào mức lợi nhuận thu được của công ty cổ phần và chính sách chi trả cổ tức của công ty, nên nó là loại chứng khoán có độ rủi ro cao. Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho giá cổ phiếu trên thị trường thường biến động mạnh hơn so với các loại chứng khoán khác. Giá hay thị giá cổ phiếu là giá giao dịch, mua bán cổ phiếu trên thị trường vào một thời điểm xác định. Thị giá cổ phiếu có thể bằng, thấp hơn, hoặc cao hơn mệnh giá và giá trị sổ sách của cổ phiếu. Thị giá cổ phiếu biến động theo thời gian và phụ thuộc vào tác động tổng hợp của nhiều yếu tố như: sự tăng trưởng hoặc suy thoái của công ty cổ phần, tình hình kinh tế vĩ mô, tình hình chính trị, lãi suất thị trường… Sau đây là một số nhân tố cơ bản:
+ Những nhân tố bên trong tổ chức phát hành.
Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau nhưng có thể thấy về cơ bản và lâu dài các nhân tố thuộc về nội tại tổ chức phát hành là nhân tố có tác động lớn đến thị giá cổ phiếu. Nhân tố cơ bản nhất gây nên sự dao động thị giá cổ phiếu nằm trong sự thay đổi mức thu nhập hiện tại (tỉ lệ cổ tức - divident rate, giá trị sổ sách của cổ phiếu hay giá trị doanh nghiệp) và triển vọng phát triển trong tương lai của doanh nghiệp. Kết quả kinh doanh hiện tại và tương lai của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: trình độ trang thiết bị máy móc và công nghệ, khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường, tiềm lực tài chính, trình độ quản lí của ban lãnh đạo, trình độ chuyên môn và kĩ năng nghề nghiệp của người lao động…
+ Những nhân tố bên ngoài tổ chức phát hành: có thể chia thành 2 nhóm nhân tố cơ bản: (1) Những thay đổi trong điều kiện chính trị xã hội như chiến tranh, những thay đổi trong bộ máy quản lí, sự tác động của điều kiện tự nhiên, điều kiện văn hóa, khoa học kĩ thuật…, (2) Những nhân tố về kinh tế, tiền tệ… Kinh tế trong nước và thế giới tăng trưởng, khả năng kinh doanh có triển vọng là điều kiện tốt cho hoạt động đầu tư làm cho giá cổ phiếu có xu hướng gia tăng và ngược lại. Giá cổ phiếu trên thị trường cũng rất nhạy cảm với sự thay đổi của lãi suất và tốc độ lạm phát. Lãi suất và lạm phát gia tăng thường kéo theo sự giảm giá của cổ phiếu…
- Giá trị sổ sách - Book Value (hay thư giá, giá trị tài sản ròng - Net Asset Value) của cổ phiếu thường (CPT): là giá trị cổ phiếu tính theo số liệu trong sổ kế toán của công ty vào một thời điểm xác định. Thư giá cổ phiếu không cố định mà thay đổi theo thời gian tùy thuộc vào giá phát hành, kết quả kinh doanh, chính sách chi trả cổ tức, chính sách phân phối thu nhập giữ lại, số lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty cổ phần...
Giá trị sổ sách của 1CPT (NAV) = Tổng vốn CPT / Số CPT đang lưu hành
Số cổ phiếu đang lưu hành: là số cổ phiếu công ty đã bán ra cho nhà đầu tư và công ty đã thu về được 1 phần hoặc toàn bộ số tiền bán số cổ phiếu đó. Đây chính là tổng số cổ phiếu do các nhà đầu tư vào công ty đang nắm giữ. Tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại một thời điểm nhất định phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Số cổ phiếu được phép phát hành lần đầu và phát hành bổ sung trong quá trình kinh doanh, số cổ phiếu công ty mua lại, số cổ phiếu quỹ công ty đã bán ra, số cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông, tình hình tách, gộp cổ phiếu của công ty, tình hình chi trả cổ tức bằng cổ phiếu...
Khi một công ty đăng ký vốn điều lệ (lúc thành lập) hoặc đăng ký phát hành cổ phiếu bổ sung, sẽ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép phát hành một lượng cổ phiếu nhất định. Đó là số cổ phiếu được phép phát hành. Các công ty có thể không phát hành hết ngay số cổ phiếu được phép phát hành, họ để lại một số để sử dụng về sau (để chi trả cổ tức, để phát hành tiếp khi cần thiết…). Lượng cổ phiếu đã bán ra gọi là cổ phiếu đã phát hành. Số cổ phiếu đã phát hành nhưng được công ty mua lại và hiện đang do công ty nắm giữ gọi là cổ phiếu quỹ. Số cổ phiếu này không có quyền nhận cổ tức, và không được
hưởng các quyền lợi khác (như tham gia ứng cử, bầu cử, biểu quyết…) như các cổ phiếu đang lưu hành.
Số cổ phiếu đã phát hành = Số cổ phiếu đang lưu hành + số cổ phiếu quỹ
► Cổ phiếu ưu đãi (Preferred shares/stocks)
* Khái niệm cổ phiếu ưu đãi:
Cổ phiếu ưu đãi là loại cổ phiếu cho phép người nắm giữ nó được hưởng một số quyền lợi ưu đãi so với cổ đông thường.
Có nhiều loại cổ phiếu ưu đãi như ưu đãi về cổ tức, ưu đãi về quyền biểu quyết… trong đó ưu đãi về cổ tức là loại phổ biến hơn cả.
* Cổ phiếu ưu đãi cổ tức có một số đặc điểm chủ yếu sau:
- Quyền ưu tiên về cổ tức và thanh toán khi thanh lý công ty. Khác với cổ phiếu thường, cổ phiếu ưu đãi cổ tức mang lại cho người nắm giữ nó được hưởng một khoản lợi tức cổ phần cố định, được xác định trước mà không phụ thuộc vào kết quả hoạt động của công ty. Mặt khác cổ đông ưu đãi cũng được nhận cổ tức trước cổ đông thường. Khi giải thể hay thanh lý công ty, cổ đông ưu đãi được thanh toán giá trị cổ phiếu của họ trước các cổ đông thường. - Sự tích lũy cổ tức: Phần lớn cổ phiếu ưu đãi của các công ty phát hành đều là cổ phiếu ưu đãi tích lũy. Điều đó có nghĩa là, nếu một năm nào đó công ty gặp khó khăn trong kinh doanh thì có thể tuyên bố hoãn trả lợi tức cổ phần ưu đãi. Số cổ tức đó được tích lũy lại, chuyển sang kỳ kế tiếp và được trả trước khi công ty công bố trả cổ tức cho cổ đông thường. Các quy định này được coi là một biện pháp bảo vệ cổ đông ưu đãi.
- Không được hưởng quyền bỏ phiếu: không giống với các cổ đông thường, các cổ đông ưu đãi không được hưởng quyền bỏ phiếu để bầu ra Hội đồng quản trị và biểu quyết quyết định các vấn đề về quản lý công ty. Ngoài ra, một số công ty cổ phần ở các nước, khi phát hành cổ phiếu ưu đãi có điều khoản quy định cổ đông ưu đãi có quyền biểu quyết nếu công ty không trả được lợi tức cổ phiếu ưu đãi trong một thời kỳ nhất định, ví dụ: ở Pháp thường quy định nếu 3 tài khóa liền mà công ty không chi trả được lợi tức cổ phiếu ưu đãi thì cổ đông ưu đãi được quyền biểu quyết, và quyền này sẽ hết hiệu lực khi lợi tức cổ phần nợ những năm trước đã được thanh toán đủ.
- Trên cổ phiếu có ghi cổ tức và mệnh giá.
* Các loại cổ phiếu ưu đãi cổ tức:
- Cổ phiếu ưu đãi tích luỹ (Cumulative Preferred Stocks)
Là loại cổ phiếu mà nếu một năm nào đó công ty không có lãi để chi trả cổ tức và cổ tức đó được nợ lại trong năm tới và sẽ được trả gộp luôn cùng với cổ tức năm tới hay sẽ được trả vảo một năm nào đó mà công ty có đủ tiền để trả.
- Cổ phiếu ưu đãi không tích luỹ (Non-Cumulative Preferred Stocks)
Là loại cổ phiếu mà trong trường hợp công ty làm ăn thua lỗ, công ty không có tiền để trả cổ tức cho cổ phiếu ưu đãi loại này thì khoản cổ tức đó sẽ bị mất luôn. Kỳ hoạt động tiếp theo, dù công ty làm ăn rất hiệu quả, khoản cổ tức chưa chi trả của kì trước cũng không được truy lĩnh mà chỉ chi trả khoản cổ tức của kì hiện hành.
- Cổ phiếu ưu đãi tham dự (Participating Preferred Stocks)
Là loại cổ phiếu ưu đãi mà ngoài việc nhận cổ tức theo mức đã công bố trước người chủ sở hữu nó còn được nhận thêm khoản cổ tức đặc biệt nếu năm đó công ty hoạt động kinh doanh có hiệu quả cao vượt ngưỡng theo quy định.
- Cổ phiếu ưu đãi không tham dự (Non-Participating Preferred Stocks)
Là loại cổ phiếu ưu đãi mà người chủ sở hữu chỉ được nhận cổ tức theo mức đã công bố trước, ngoài ra không được nhận thêm khoản cổ tức nào vào những năm công ty hoạt động kinh doanh có hiệu quả cao.
- Cổ phiếu ưu đãi có thể chuyển đổi (Convertible Preferred Stocks)
Là loại cổ phiếu mà khi phát hành có ghi kèm điều khoản cho phép người chủ sở hữu chuyển đổi nó thành một số lượng nhất định cổ phiếu thường. Giá cả loại cổ phiếu ưu đãi được chuyển đổi dao động nhiều hơn các loại cổ phiếu ưu đãi khác vì nó gắn liền với cổ phiếu thường. Nếu công ty thành đạt, giá trị cổ phiếu thường trên thị trường tăng lên thì giá cổ phiếu ưu đãi được chuyển đổi cũng gia tăng tương ứng.
- Cổ phiếu ưu đãi có thể thu hồi (Redeemable Preferred Stocks)
Là loại cổ phiếu ưu đãi mà khi phát hành có ghi kèm điều khoản là công ty có thể thu hồi bằng cách bồi hoàn một số tiền, cộng thêm một khoản thưởng nhất định cho người chủ sở hữu. Thường thì các công ty sử dụng quyền thu hồi này để thu hồi các cổ phiếu có lãi suất cổ phần cao và thay thế bằng những cổ phiếu có lãi suất thấp hơn nhằm cải thiện tình hình tài chính của công ty.
* Ở Việt Nam, theo Luật doanh nghiệp, công ty cổ phần có thể phát hành các loại cổ phiếu ưu đãi sau:
- Cổ phiếu ưu đãi biểu quyết: loại cổ phiếu này chỉ phát hành cho tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập. Thời gian hiệu lực của cổ phiếu là 3 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, sau đó chuyển thành cổ phiếu thường.
- Cổ phiếu ưu đãi về cổ tức. - Cổ phiếu ưu đãi hoàn lại.
- Cổ phiếu ưu đãi khác (do điều lệ công ty quy định).
● Theo khả năng thu nhập và trạng thái công ty phát hành
- Cổ phiếu thượng hạng (blue chip stocks)
Cổ phiếu thượng hạng là cổ phiếu do các công ty lớn, có tình hình sản xuất kinh doanh ổn định, có uy tín tên tuổi trên thị trường phát hành và giao dịch. Do vậy, đây là loại cổ phiếu có tính thanh khoản cao. Vì thế, giá loại cổ phiếu này thường ổn định và sẽ có xu hướng gia tăng khi lãi suất vay vốn trên thị trường giảm.
- Cổ phiếu tăng trưởng (Growth stocks)
Cổ phiếu tăng trưởng do các công ty cổ phần đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh phát hành. Đây là những công ty cổ phần có tốc độ tăng thị phần và thu nhập công ty nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Ngược lại với cổ phiếu thượng hạng, cổ phiếu tăng trưởng có tỷ lệ cổ tức thấp, thậm chí có năm không có cổ tức. Lý do của đặc trưng này bắt nguồn từ quan điểm tái đầu tư của công ty phát hành muốn giành phần lớn lợi nhuận để tài trợ cho chiến lược phát triển kinh doanh .
- Cổ phiếu phòng vệ
Cổ phiếu phòng vệ là cổ phiếu của những công ty mà sự ổn định của chúng hầu như không phụ thuộc vào sự suy thoái của nền kinh tế. Đó là những công ty sản xuất kinh doanh các hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu sinh hoạt như thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát… Trong khi các loại cổ phiếu khác bị giảm giá mạnh khi nền kinh tế suy thoái, thì cổ phiếu phòng vệ thường vẫn giữ giá vì có mức cổ tức ổn định. Ngược lại, khi nền kinh tế phát triển, cổ phiếu phòng vệ cũng khó có cơ hội tăng giá như các loại cổ phiếu thông thường khác.
- Cổ phiếu thu nhập (Income stocks)
Cổ phiếu thu nhập có mức cổ tức cao hơn mức trung bình. Đây là các lọai cổ phiếu do các công ty thuộc lĩnh vực công ích phát hành và thường phát hành cho những người già và những người về hưu.
- Cổ phiếu chu kì (Cylical stocks)
Cổ phiếu chu kỳ là cổ phiếu của những công ty có lợi nhuận không ổn định mà phụ thuộc vào chu kỳ sống sản phẩm của công ty trên thị trường. Điển hình là cổ phiếu của các
công ty thuộc lĩnh vực kinh doanh sắt thép, xi măng, ô tô, máy công cụ,...
- Cổ phiếu thời vụ (Seasonal stocks)
Cổ phiếu thời vụ là cổ phiếu của các công ty cổ phần có tính mùa vụ trong họat động