Không chỉ bằng giá, bằng chất lượng sản phẩm, giờ đây các doanh nghiệp còn có thể cạnh tranh bằng những cam kết chăm lo đời sống, môi trường làm việc cho công nhân. Khái niệm trách nhiệm xã hội với nhiều doanh nghiệp tuy còn khá mới mẻ nhưng đã thật sự là một đòi hỏi của hội nhập, là vũ khí mới của cạnh tranh.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR - corporate social responsibility) là một trong những ''luật chơi'' mới mà doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải đối đầu trong xu thế hội nhập. Cần xác định CSR là chi phí mang tính đầu tư của doanh nghiệp trước và trong khi làm ra sản phẩm, chứ không phải chi phí lấy từ lợi nhuận của doanh nghiệp sau khi bán sản phẩm. Việc thực hiện CSR chính là một việc làm mà các bên đều có lợi: uy tín và tính cạnh tranh của doanh nghiệp được tăng lên; quyền lợi và nhân phẩm của người lao động được đảm bảo tốt hơn và việc thực hiện
luật pháp của quốc gia đó cũng được tốt hơn. Điều này kéo theo tính cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng cao hơn, tạo ra môi trường đầu tư tốt hơn.
Tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội (SA8000) tạo môi trường thuận lợi cho người lao động. Khách hàng sẽ không chấp nhận sản phẩm của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp vi phạm Bộ luật lao động, sử dụng lao động trẻ em, để công nhân lao động trong môi trường thiếu an toàn, có biện pháp kỷ luật khắt khe với công nhân lao động hay trả lương không công bằng... Doanh nghiệp thực hiện SA8000 để được năng suất lao động cao và môi trường làm việc thuận lợi cho mọi người lao động.
Sự rủi ro, khả năng cạnh tranh kém, danh tiếng bị ảnh hưởng và rất khó khôi phục một khi doanh nghiệp nào đó không áp dụng các tiêu chuẩn liên quan đến CSR.