a. Những nguyên nhân từ phía ngân hàng
Một là: Về chính sách tín dụng, chính sách khách hàng
- Chưa thu hút được các khách hàng lớn vay vốn .
- Việc phân loại và đưa ra những tiêu chuẩn đối với khách hàng bị coi nhẹ nên gây lãng phí trong công tác xét duyệt cho vay.
- Khâu thẩm định khách hàng trước khi cho vay còn chưa được quan tâm đúng mức.
Hai là: Về năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức của đội ngũcán bộ tín dụng
Trình độ phân tích của cán bộ thẩm định chưa toàn diện. Khả năng phân tích kỹ thuật của dự án và phân tích thị trường của cán bộ tín dụng còn hạn chế. Việc đánh giá khả năng cạnh tranh, khả năng tiêu thụ sản phẩm của dự án trên thị trường liên quan đến nhiều khía cạnh, đòi hỏi khả năng phân tích, tổng hợp, dự đoán nhạy bén của cán bộ tín dụng. Đây là một yêu cầu khó thực hiện đối với cán bộ tín dụng vì phần lớn không được đào tạo chuyên sâu toàn diện lĩnh vực này.
Công tác phân tích tình hình tài chính của đơn vị vay vốn chưa được coi trọng. Phân tích tính khả thi của dự án chủ yếu dựa vào kết quả phân tích đánh giá trên phương diện kinh tế tài chính của dự án nhưng nguồn số liệu, cơ sở để phân tích chủ yếu được lấy từ các báo cáo của đơn vị vay vốn gửi tới với độ tin cậy không cao, chưa được xác nhận của cơ quan kiểm toán.
Ba là: Quy trình tín dụng
Về công tác thẩm định và xét duyệt cho vay vốn.
Chất lượng công tác thẩm định dự án chưa sâu, các báo cáo thẩm định đôi khi còn dừng lại ở việc hướng dẫn thủ tục hành chính, chưa đi sâu đánh giá về chủng loại, giá thành, thị trường, công suất máy móc thiết bị, công nghệ, các tiêu chí xây dựng giá thành sản phẩm....Đặc biệt là chưa dự đoán tốt các rủi ro có thể xẩy ra đối với khoản cho vay và dự án đầu tư. Chất lượng của công tác thẩm định dự án đầu
tư là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng rủi ro đối với các khoản tín dụng vẫn còn cao.
Việc phân tích, đánh giá kết quả đầu tư còn làm được quá ít, chưa mang tính hệ thống, thường xuyên và kịp thời. Việc tổ chức liên kết, tổng hợp kinh nghiệm và thông tin nghiệp vụ còn chưa tốt, chính điều này đã ảnh hưởng ít nhiều tới việc thực hiện chính sách khách hàng, chính sách tín dụng của sở. Mức độ chủ động tiếp cận, xem xét , đánh giá dự án chưa cao, vai trò của công tác tư vấn đầu tư chưa đạt đúng tầm so với yêu cầu và tiềm năng hiện có.
Hiệu quả, an toàn, chất lượng tín dụng tốt chỉ có được trước hết và bắt đầu từ công tác thẩm định dự án và xét duyệt cho vay. Vì vậy trong thời gian tới, hơn lúc nào hết công tác thẩm định dự án cần phải nâng cao chất lượng hơn nữa, phải đặt đúng vị trí của nó trong xét duyệt cho vay, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ có cơ chế, quy trình công nghệ toàn diện và đồng bộ với quy trình công nghệ của các nghiệp vụ khác, tạo thành một tổng thể giải pháp mang tinh chiến lược trong định hướng phát triển cũng như trong quản trị điều hành nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự án và xét duyệt cho vay.
Về công tác kiểm tra kiểm soát
Công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động tín dụng tuy được tiến hành thường xuyên nhưng chưa phát huy được hiệu quả cao trong việc phát hiện kịp thời và xử lý những vướng mắc trong việc thực hiện quy trình tín dụng cũng như trong việc bố trí sắp xếp cán bộ sao cho đúng người đúng việc. Điều này gắn liền với sự hạn chế trình độ của cán bộ làm công tác này.
Công tác thu nợ và xử lý nợ
Công tác thu nợ và xử lý nợ quá hạn tiến triển chậm, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.Chính sách ưu đãi về lãi xuất chưa có sự linh hoạt đối với từng loại dự án.
Những hạn chế trong chiến lược Marketing: Hoạt động tuyên truyền quảng cáo về ngân hàng thông qua các phương tiện truyền thông còn hạn chế, chưa thực sự gần gũi với quần chúng nhân dân, và nói chung chưa có sự đầu tư đúng mức từ phía chi nhánh.
Ngân hàng chưa coi trọng công tác Marrketing Ngân hàng. Các thông tin về
thị trường và khách hàng còn thiếu và chưa thường xuyên. Ngân hàng chưa có các biện pháp tích cực để lôi kéo khách hàng, đôi khi còn quá tin tưởng vào các khách hàng quen mà quên rằng nếu họ luôn được các Ngân hàng khác chào mời thì Ngân hàng có thể mất khách. Chính vì vậy Ngân hàng cần có những chính sách khuyến khích khách hàng thường xuyên.
Trong những năm qua, Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội đã xây dựng được chiến lược phát triển tín dụng trung và dài hạn rõ ràng: lấy đối tượng khách hàng ngoài quốc doanh là đối tượng khách hàng chính của Ngân hàng. Đây là chiến lược rất đúng đắn vì đối tượng khách hàng này phù hợp với năng lực và quy mô của Ngân hàng. Hơn nữa với tốc độ cổ phần hóa nhanh như hiện nay cùng với sự ra đời của các doanh nghiệp mới thì số lượng khách hàng ngoài quốc doang sẽ tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Như vậy Ngân hàng có cơ hội lựa chọn khách hàng tốt và phân tán được rủi ro.
Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội là Ngân hàng TMCP ra đời sớm nhất ở Việt Nam do đó Ngân hàng đã xây dựng được cho mình hình ảnh và vị trí nhất định trên thương trường. Đây là một thuận lợi không nhỏ của Ngân hàng trong việc phát triển hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động tín dụng trung và dài hạn nói riêng.
Tuy nhiên, Ngân hàng cũng gặp phải nhiều khó khăn trong việc huy động tiền gửi đầu vào so với các Ngân hàng quốc doanh. Thực tế cho thấy chi phí đầu vào của Ngân hàng luôn cao hơn các Ngân hàng quốc doanh khá nhiều nên lãi suất cho vay đầu ra của Ngân hàng kém tính cạnh tranh hơn, điều này gây khó khăn cho Ngân hàng trong công tác Marketing các khách hàng lớn, uy tín. Điều này dẫn đến hệ quả chất lượng tín dụng của Ngân hàng bị ảnh hưởng bất lợi theo
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng nhiều biện pháp để điều hành nền kinh tế, điều hành chính sách tiền tệ quốc gia nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, thị trường tiền tệ diễn biến thất thường, cùng với tác động xấu của khủng hoảng tài chính thế giới và hiệu ứng của tăng trưởng tín dụng nóng, tăng quy mô và mạng lưới hoạt động quá nhanh của những năm trước vẫn ảnh hưởng lớn tới hoạt động của Ngân hàng TMCP. Đến năm 2008, mặc dù một số chỉ tiêu cơ bản của Ngân hàng vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng song tốc độ đã chậm lại. Hoạt động chủ yếu là tập trung huy động vốn để cân đối nguồn và đảm bảo khả năng thanh khoản, đảm bảo an toàn của mình.
b. Những nguyên nhân từ phía khách hàng:
Hiện nay các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn rất cao nhưng họ rất khó đáp ứng được các tiêu chí của Ngân hàng. Một số nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa được vay vốn là:
• Không có các dự án khả thi: khi đi vay vốn Ngân hàng, các doanh nghiệp phải có dự án khả thi được xây dựng trên cơ sở khoa học, thông tin đầy đủ, thẩm định và phân tích một cách chính xác. Nhưng trong thực tế một số doanh nghiệp không thể xây dựng dự án đầu tư trung và dài hạn. Có những doanh nghiệp có ý tưởng làm ăn lớn nhưng không lập được kế hoặch dưới bảng biểu theo yêu cầu của Ngân hàng. Cán bộ tín dụng nhiều khi phải giúp đỡ người vay, tính toán và lập phương án vay vốn trả nợ. Vì vậy nếu trình độ của các cán bộ tín dụng yếu thì chất lượng tín dụng sẽ không tốt.
• Doanh nghiệp không đủ tài sản thế chấp hợp pháp. Đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh muốn đi vay phải có tài sản thế chấp để đảm bảo vốn vay, phòng ngừa rủi ro khi dự án sản xuất kinh doanh gặp khó khăn ngoài dự kiến, dẫn đến hoạt động kinh doanh không có hiệu quả. Hiện nay chủ yếu các doanh nghiệp thế chấp bằng tài sản cố định hoặc bất động sản nhưng việc xác định giá trị thực tế của các tài sản còn gặp nhiều khó khăn, độ chính xác thấp, các văn bản quy định có liên quan còn một số chồng chéo và mâu thuẫn.
- Trình độ năng lực quản lý của của doanh nghiệp yếu kếm, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
- Vốn tự có của doanh nghiệp tham gia rất ít thậm chí không có.
- Các nguồn thông tin về phía người vay thường thiếu chính xác, không đảm bảo tính thường xuyên, kịp thời, và do đó còn thiếu chính xác
- Trình độ chuyên môn kỹ thuật, trình độ phân tích thị trường còn hạn chế ở một số các dự án..
- Bên cạnh đó phẩm chất đạo đức của một số khách hàng xuống thấp do kinh doanh không hiệu quả nên có tâm lý trốn tránh, dây dưa nợ nần.Thậm chí có khách hàng còn âm mưu lừa đảo để chiếm đoạt vốn của chi nhánh.
c. Các nguyên nhân khác:
Môi trường kinh tế:
Xuất phát từ những khó khăn chung của nền kinh tế: 9 tháng đầu năm lạm phát và nhập siêu cao, sang tháng 10 giảm phát. Cung cầu vốn ngoại tệ trên thị trường tiền tệ diễn biến bất thường. Các doanh nghiệp hầu hết ở trong tình trạng khó khăn, làm ăn thua lỗ. Nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm, sức cầu yếu. Sản xuất lưu thông hàng hóa có dấu hiệu trì trệ. Đây là những yếu tố bất lợi cho hoạt động Ngân hàng. Tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn này ở mức cao, khoảng 7-8%/năm. Tăng trưởng kinh tế một mặt thúc đẩy nhu cầu vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, mặt khác nhu cầu về các dịch vụ của Ngân hàng phục vụ cho doanh nghiệp, cá nhân cũng gia tăng. Ngoài ra hoạt động huy động vốn, quay vòng vốn phục vụ doanh nghiệp và cá nhân trong nền kinh tế cũng dễ dàng hơn.
Tuy nhiên việc tăng cung tiền và lạm phát cũng ảnh hưởng không tốt tới hoạt động Ngân hàng. Lạm phát tăng cao gây khó khăn cho toàn bộ nền kinh tế nói chung và hệ thống Ngân hàng nói riêng. Tình trạng khan hiếm vốn xảy ra, gây sức ép gia tăng lãi suất huy động vốn, trong khi đầu ra bị hạn chế bởi các chính sách thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả lợi nhuận của các Ngân hàng.
Theo lộ trình cam kết WTO, lĩnh vực Ngân hàng Việt Nam mở cửa cho phép các Ngân hàng nước ngoài lập Ngân hàng con 100% vốn. Hội nhập kinh tế quốc tế có tác động hai mặt tới sự phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam. Một mặt nó tạo ra môi trường kinh doanh năng động, hoàn hảo hơn; mặt khác lại tạo ra một áp lực lớn tới sự tồn tại và phát triển của các Ngân hàng Thương mại trong nước.
Môi trường xã hội:
Theo thống kê, hiện có khoảng 7 triệu tài khoản mở tại Việt Nam trên tổng số 84 triệu dân (tức là khoảng 8% dân số) trong đó có tới 6 triệu tài khoản chỉ được mở chỉ trong 2 năm 2006 và 2007. Con số này một mặt cho thấy mức độ tiếp cận các dịch vụ Ngân hàng của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới; mặt khác cũng cho thấy tiềm năng của ngành Ngân hàng Việt Nam trong việc phát triển thị trường. Thêm vào đó tiềm năng thị trường của lịnh vực Ngân hàng còn được mở rộng nhờ cơ cấu dân số trẻ với mức thu nhập ngày càng được cải thiện và xu hướng sử dụng dịch vụ Ngân hàng ngày càng trở nên phổ biến.
Cơ chế chính sách:
Các văn bản chế độ của Ngân hàng Nhà nước, tài chính tư pháp còn chưa đồng bộ, chưa bám sát thực tiễn, chưa tạo điều kiện giúp Ngân hàng giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện tại cơ sở. Đặc biệt là về vấn đề xử lý tài sản gán nợ, siết nợ đang gây ách tắc vốn tại Ngân hàng.
Việc quy định về hạch toán thống kê tại các doanh nghiệp chưa thống nhất nên gây khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát chế độ kế toán doanh nghiệp của các Ngân hàng.
Phần 3: Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng trung và dài hạn tại Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội.