BA MƯƠI NĂM, BA LẦN ĐẠI HỌA

Một phần của tài liệu Tài liệu DANH TƯỚNG VIỆT NAM CỦA NG.KHẮC THUẦN - T1 (Trang 53 - 54)

- Nhà Vua mất nước khiến tôi không được đi bán thịt dê, nay vua lấy lại được nước, tôi lại được làm nghề bán thịt dê như cũ, tước lộc thế là đủ, còn mong thưởng thêm gì nữa?

3.BA MƯƠI NĂM, BA LẦN ĐẠI HỌA

Trong vòng ba mươi năm (từ năm 1257 đến năm 1288), đế quốc Mông Cổ khổng lồ đã ba lần ồ ạt cho quân tràn xuống xâm lược nước ta. Lần sau, lực lượng to lớn hơn, chuẩn bị công phu hơn và quyết tâm cũng cao độ hơn, khiến cho thử thách lịch sử đối với quân dân Đại Việt càng trở nên quyết liệt hơn.

Cuộc xâm lăng lần thứ nhất của quân Mông Cổ diễn ra vào cuối năm Đinh Tị (1257). Bấy giờ, quân Mông Cổ đã chiếm được nước Đại Lý và lập tức sử dụng Đại Lý như một bàn đạp lợi hại để đánh xuống nước ta. Tướng giặc là Ngột-lương-hợp-thai trực tiếp chỉ huy cuộc tấn công xâm lược này. Trước đó, chúng đã liên tiếp sai sứ giả sang hù dọa, nhưng triều đình nhà Trần không một chút mảy may lo sợ, ngược lại, còn ra lệnh bắt giam tất cả sứ giả của chúng. Thấy không thể dùng sứ giả để ép triều Trần đầu hàng, Ngột-lương-hợp-thai đã cho ba vạn quân, gồm chủ yếu là kị binh, bắt vua nước Đại Lý là Đoàn Hưng Trí dẫn đường để đi đánh nước ta, nhưng, Đoàn Hưng Trí đã chết khi chưa kịp đến Đại Việt. Đối với một số nước khác, ba vạn quân chưa phải là lực lượng lớn, nhưng đối với Đại Việt đương thời, đó thực sự là đối thủ rất hùng mạnh.

Cuộc xâm lăng lần thứ hai, diễn ra vào năm 1285. Bấy giờ, Hốt-Tất-Liệt đã lên ngôi Hãn được 25 năm và đã đổi quốc hiệu là nhà Nguyên được 14 năm. Cũng bấy giờ, cuộc thôn tính Trung quốc đã hoàn tất, đế quốc Nguyên đang ở vào thời sung mãn nhất. Con trai của Hốt-Tất-Liệt là Thoát Hoan được lệnh đem 500.000 quân tràn sang nước ta. Ngoài ra, đạo quân 100.000 tên do Toa-Đô chỉ huy, trước đó đã có mặt ở Chiêm Thành, cũng được lệnh rời Chiêm Thành để đánh vào mặt Nam của Đại Việt. Sát cánh với Thoát- Hoan và Toa-Đô còn có nhiều tướng lĩnh dày dạn trận mạc khác. Tính ra, cứ khoảng sáu người dân Đại Việt (bất kế già trẻ gái trai), phải đương đầu với một tên giặc Nguyên hung hăng, tàn bạo và thiện chiến. Lịch sử kim cổ đông tây, qua thật là cực kì hiếm có một cuộc đối đầu nào hoàn toàn không cân xứng như vậy.

Cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ ba diễn ra vào cuối năm 1287 đầu năm 1288. Để có thể tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược này, Hốt-Tất-Liệt đã buộc phải ban bố hai quyết định rất quan trọng. Một là đình chỉ cuộc chiến tranh xâm lược Nhật Bản đã được chuẩn bị công phu trước đó, nhằm dốc toàn lực cho cuộc tấn công vào nước ta. Hai là tìm cho bằng được những nguyên nhân thất bại thảm hại của chúng ở nước ta trong các cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ nhất và lần thứ hai. Hốt-Tất-Liệt đã huy động năm mươi vạn quân, giao cho Thoát-Hoan làm tổng chỉ huy. Sát cánh với Thoát Hoan và một loạt những tướng lĩnh khét tiếng như Ô-Mã-Nhi, Áo-lỗ-xích, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ, Trương Văn Hổ...v. v. Điều đáng nói là lần này, bên cạnh lực lượng kị binh và bộ binh hùng hậu, Hốt-Tất-Liệt còn thành lập một đạo thủy binh, giao cho Ô-Mã-Nhi cầm đầu. Thủy binh vừa là một lực lượng tác chiến nguy hiểm, lại vừa là lực lượng hỗ trợ đắc lực cho kị binh và bộ binh vượt sông. Ngoài ra, Hốt-Tất-Liệt còn lập thêm một đoàn thuyền lương, giao cho tướng Trương Văn Hổ chỉ huy. Đây là việc làm tỏ rõ quyết tâm khắc phục nạn thiếu lương thực và các vật dụng rất thiết yếu khác của quân xâm lăng. Cùng tiến vào nước ta lần này, ngoài năm chục vạn

quân Nguyên còn có cả một lực lượng quý tộc và quan lại phản quốc do Trần Ích Tắc cầm đầu. Một lần nữa, vận nước lâm nguy. Xét về quy mô, cuộc đối đầu lần thứ ba không lớn hơn cuộc đối đầu lần thứ hai, nhưng xét về tính chất, đây là cuộc xâm lăng được chuẩn bị công phu và chặt chẽ nhất. Xét về quyết tâm, đây là lần tột độ nhất. Thành bại của cuộc đối đầu lần thứ ba này tác động trực tiếp và vô cùng mạnh mẽ đến sự tồn vong của Đại Việt và đến toàn bộ mưu đồ của nhà Nguyên trong cuộc bành trướng xuống phía Nam.

Ba mươi năm, ba trận đại cuồng phong bởi vó ngựa hung tàn của tổng cộng trên một triệu quân Mông- Nguyên! Đó thực sự là thử thách cam go nhất của lịch sử Đại Việt. Công lao đưa Đại Việt thoát khỏi những cơn binh lửa xâm lăng hiểm nghèo này, mãi mãi thuộc về các thế hệ quân dân kiên cường của thế kỉ XIII, thuộc về các nhà lãnh đạo chiến tranh kiệt xuất thời Trần mà nổi bật hơn cả vẫn là Trần Hưng Đạo.

_________________________

Một phần của tài liệu Tài liệu DANH TƯỚNG VIỆT NAM CỦA NG.KHẮC THUẦN - T1 (Trang 53 - 54)