- Nhà Vua mất nước khiến tôi không được đi bán thịt dê, nay vua lấy lại được nước, tôi lại được làm nghề bán thịt dê như cũ, tước lộc thế là đủ, còn mong thưởng thêm gì nữa?
4, CÔNG CHÚA AN TƯ
Công chúa An Tư là con út của Trần Thái Tông, em út của Trần Thánh Tông và là cô ruột của Trần Nhân Tông. Năm 1285, quân Nguyên tràn sang xâm lược nước ta lần thứ hai, vận nước bị đe dọa một cách nghiêm trọng. Giặc có quân số áp đảo, lại đã tạo được thế tấn công từ hai phía Nam và Bắc, nên rất hung hăng. Khi Trần Kiện bỏ đi đầu hàng, tình hình càng trở nên căng thẳng hơn nữa. Bấy giờ, vua Trần Nhân Tông và Thượng Hoàng Trần Thánh Tông đã có hai quyết định rất đặc biệt. Một là cử sứ giả đến doanh trại của Ô-Mã-Nhi để dò xét thực lực cụ thể của giặc và hai là tìm cách hạn chế bớt sự hung hăng của chủ tướng giặc là Thoát-Hoan. Việc đi dò xét thực lực cụ thể của Ô-Mã-Nhi được trao phó cho Đỗ Khắc Chung, còn việc tìm cách hạn chế bớt sự hung hăng của chủ tướng giặc là Thoát-Hoan thì được trao phó cho Công Chúa An Tư.
Tháng 2 năm 1285, Công Chúa An Tư được vua Trần sai người mang đến cho Thoát-Hoan. Công Chúa An Tư ra đi với nhiệm vụ kết hợp giữa do thám tình hình với việc làm sao cho Thoát-Hoan say đắm, để rồi sao lãng bớt việc đánh phá ta. Sử cũ chép rằng:
“Sai người đem Công Chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông đến cho Thoát-Hoan là muốn làm thư giãn nạn nước vậy”3.
Thoát-Hoan là một tên cáo già, không có gì có thể làm cho hắn mê muội được, nhưng, việc Công Chúa An Tư dám vì nước mà ra đi, qủa là đáng cho đời đời trân trọng. Trong chiến tranh, có những người đánh giặc bằng đại dũng, có những người đánh giặc bằng đại trí, có những người đánh giặc bằng đại nghĩa, nhưng cũng có những người đánh giặc bằng tấm thân ngàn vàng của mình. Công Chúa An Tư quả là đã đánh giặc bằng tấm thân ngàn vàng của chính mình vậy
Sau, tung tích của Công Chúa An Tư không rõ ra sao