- Nhà Vua mất nước khiến tôi không được đi bán thịt dê, nay vua lấy lại được nước, tôi lại được làm nghề bán thịt dê như cũ, tước lộc thế là đủ, còn mong thưởng thêm gì nữa?
d) Người thắng trận chung kết tuyệt vời với quân Nguyên ở Bạch Đằng Giang.
Để bảo đảm đánh nhanh, diệt gọn toàn bộ đạo thủy binh của Ô-Mã-Nhi, Trần Hưng Đạo hạ lệnh triệt phá cầu đường dọc theo hướng rút lui của đạo quân này, đồng thời tổ chức nhiều trận tập kích quyết liệt, buộc lực lượng kị binh đi hộ tống phải quay lại, cùng về với Thoát-Hoan. Ngoài ra, Trần Hưng Đạo cũng còn cho quân sĩ đánh nhiều trận lớn nhỏ khác, khiến Ô-Mã-Nhi phải đi theo hướng định sẵn của ta để rồi ra vào ổ mai phục do chính Trần Hưng Đạo sắp đặt.
Nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược là khu vực đầu nguồn của sông Bạch Đằng, vì thế, sử vẫn gọi đấy là trận quyết chiến chiến lược Bạch Đằng. Đây là nơi hợp lưu của sông Đá Bạc, sông Giá, sông Chanh, sông Rút, sông Kênh và sông Bạch Đằng, đó là chưa kể nhiều sông nhỏ và các kênh rạch khác, vì thế, lòng sông rất rộng, rất thuận tiện cho việc bố trí một trận thấy chiến. Đây là nơi mà năm 938, Ngô Quyền đã cả phá quân Nam Hán và năm 981, Lê Hoàn đã đánh tan quân Tống xâm lăng. Kế thừa kinh nghiệm của Ngô Quyền và Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo đã bố trí một trận địa mai phục hết sức công phu. Hàng loạt cọc gỗ vạt nhọn và bịt sắt được cắm xuống, tạo ra bãi chướng ngại vật hết sức lợi hại đối với chiến thuyền của giặc. Những cánh quân chủ lực tinh nhuệ nhất của triều đình, đông đảo các đơn vị quân đội của vương hầu quý tộc cùng rất nhiều đội dân binh đã được huy động tham gia trận đánh lịch sử này. Trong bộ chỉ huy trận đánh, ngoài Trần Hưng Đạo, còn có cả Thượng Hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông, các danh tướng khác như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái... v.v.
Thuỷ binh và bộ binh nhà Trần được Trần Hưng Đạo bố trí mai phục sẵn, chủ yếu ở khu vực tả và hữu ngạn sông Giá (nay thuộc huyện Thủy Nguyên), tả và hữu ngạn sông Chanh (nay thuộc huyện Yên Hưng) ở nơi hợp lưu của sông Bạch Đằng với sông Rút, sông Bạch Đằng với sông Kênh. Tuy có sự tham gia của đông đảo bộ binh, nhưng tính chất căn bản của trận Bạch Đằng vân là một trận thủy chiến, một trận thủy chiến kết hợp chặt chẽ giữa mai phục với bao vây tiêu diệt.
Trần Hưng Đạo đã nghiên cứu rất kĩ chế độ thủy văn của sông Bạch Đằng, dự kiến rất chính xác mực nước lên xuống của ngày diễn ra trận đánh. Điều này đã khiến cho bãi cọc gỗ thực sự phát huy được tác dụng lợi hại nhất, khiến cho đạo quân của Ô-Mã-Nhi hốt hoảng vì hoàn toàn bất ngờ và không cách gì có thể thoát được.
Ngày 30 tháng 3 năm 1288, từ Vạn Kiếp, Ô-Mã-Nhi bắt đầu rút quân. Đây cũng là lúc mà ở Bạch Đằng, trận địa mai phục của Trần Hưng Đạo đã bố trí xong.
Ngày 8 tháng 4 năm 1288, đội tiền vệ của Ô-Mã-Nhi do tướng Lưu Khuê cầm đầu bị đánh tới tấp ở Trúc Động (một địa điểm nằm men sông Giá, nay thuộc xã Lưu Kiếm, huyện Thủy Nguyên). Bị đại bại ở đây, Lưu Khuê buộc phải quay lại, theo sông Đá Bạc mà ra Bạch Đằng.
Mờ sáng ngày 9 tháng 4 năm 1288, binh thuyền của Ô-Mã-Nhi từ sông Đá Bạc, tiến vào sông Bạch Đằng. Trần Hưng Đạo lập tức cho một đội chiến thuyền nhẹ, ra khiêu chiến rồi giả vờ thua chạy. Tướng giặc là Phàn Tiếp đem quân đuổi theo, nhưng khi chúng vừa tiến đến khu vực núi Tràng Kênh thì bị phục binh của ta bắt đầu đổ ra đánh.
sông Bạch Đằng rút với một tốc độ rất nhanh, chiến thuyền của giặc số thì vỡ nát do đâm phải bãi cọc gỗ, số thì bị tắc nghẽn lại, không sao tiến lên phía trước được. Và, đó cũng là lúc Trần Hưng Đạo hạ lệnh cho quân sĩ ồ ạt tấn công. Trận ác chiến diễn ra vào trưa ngày 9 tháng 4 năm 1288. Sử cũ cho hay, quân Nguyên như bị chìm trong trận mưa tên thuốc độc từ nhiều hướng bắn ra. Chúng hốt hoảng chưa tìm được cách đối phó thì hàng chục chiếc thuyền chứa lửa do Trần Hưng Đao hạ lệnh thả từ thượng nguồn ồ ạt lao thẳng vào, Ô-Mã-Nhi cùng các tướng lĩnh cao cấp của giặc tìm đường chạy trốn nhưng lại bị quân ta bắt sống. Đạo thủy binh của Ô-Mã-Nhi hoàn toàn bị tiêu diệt.
Sơ đồ trận quyết chiến chiến lược Bạch Đằng (4-1288)
(Sao lại của các tác giả sách: Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỉ XIII).
Đây là chiến công lừng lẫy nhất của quân dân ta trong sự nghiệp chống xâm lăng ở thế kỉ thứ XIII và đây cũng là một trong những trận quyết chiến chiến lược lừng lẫy nhất của lịch sử dàn tộc. Trận Bạch Đằng là trận góp phần quan trọng nhất vào việc đè bẹp hoàn toàn ý chí xâm lược của quân Nguyên đối với nước ta, trận để nhục muôn đời cho quân xâm lược:
Đến nay, nước sông vẫn chảy hoài Mà nhục quân thù không rửa hết
(Trương Hán Siêu – Bạch Đằng giang phú).
Như trên đã nói, đồng thời với việc tổ chức trận mai phục ở Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo còn bố trí kế hoạch đánh mạnh vào đạo quân của Thoát-Hoan. Ngày 11 tháng 4 năm 1288, Thoát-Hoan lọt vào ổ mai phục của quân đội nhà Trần tại Nội Bàng khiến Thoát-Hoan phải hạ lệnh mở đường máu mới thoát được. Ngày 19 tháng 4 năm 1288, sau nhiều phen bị đánh tới tấp, Thoát-Hoan mới về đến Tư Minh (Trung Quốc) và giải tán đám tàn quân của hắn. Hắn bị vua cha là Hố-Tất-Liệt đuổi đi, không thèm nhìn mặt nữa. Sau trận Bạch Đằng, nếu Thoát-Hoan và một loạt những tên bại tướng của nhà Nguyên phải nhục nhã ê chề, thì ngược lại, tên tuổi của Trần Hưng Đạo trở nên lừng lẫy hơn bao giờ hết. Đôi câu đối (hiện chưa rõ là của ai) dưới đây, thật chẳng có gì là quá lời:
Địa chuyển ngã Việt chủng cư Bắc phương, Âu châu cảnh nội vô Mông kỵ tung hoàng thiên vạn lý, Thiên sinh thử lương tài ư Tống thất, Trung Quốc sử tiền miễn Nguyên triền đô hộ nhất bách niên.
Dịch nghĩa:
Nếu dân Việt mà sinh ở phương Bắc thì các nước châu Âu đâu đến nỗi bị vó ngựa Mông Cổ chà đạp hàng ngàn dặm,
Ví thử trời sinh bậc thiên tài này ở nhà Tống thì lịch sử Trung Quốc trước đây làm gì có chuyện bị nhà Nguyên đô hộ một trăm năm.
__________________________________
1. Dẫn lại của các tác giả Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc. Nxb QĐND, Hà Nội, 1976, trang 90.2. Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 51 a-b). 2. Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 51 a-b).