Phân loại ontology

Một phần của tài liệu ứng dụng agent phần mềm trong tích hợp thông tin về phương tiện giao thông (Trang 47 - 49)

Có nhiều cách khác nhau để phân loại ontology, tiếp sau đây luận văn xin trình bày một số cách phân loại ontology:

Ontology ứng dụng: định nghĩa các khái niệm cần thiết cho việc biểu diễn tri thức trong một ứng dụng cụ thể. Thông thường, chúng cụ thể hóa các thuật ngữ trong các ontology chung hoặc ontology miền. Các ontology này rất khó sử dụng lại.

Ontology lĩnh vực: định nghĩa các khái niệm và các quan hệ trong một lĩnh vực cụ thể nào đó. Các ontology này có thể sử dụng lại được trong một lĩnh vực cho trước (xe ô tô, kỹ nghệ, y học,…).

Ontology chung: định nghĩa các khái niệm độc lập trong một lĩnh vực chung. Các tri thức biểu diễn trong ontology này có thể dùng lại được trong các lĩnh vực khác. Chúng định nghĩa các khái niệm như các sự kiện, thời gian, không gian, nguyên nhân, hành vi, v.v…

Ontology biểu diễn: dùng các từ gốc dùng để hình thức hóa tri thức trong một mẫu biểu diễn tri thức cho trước. Chúng cung cấp các định nghĩa hình thức về các từ gốc đại diện thường được dùng trong các ngôn ngữ dựa theo cấu trúc và cho phép xây dựng các ontology khác bằng các quy ước dựa cấu trúc.

Uschold và Gruninger [53] phân loại ontology tùy theo mức độ hình thức của các thuật ngữ, tri thức biểu diễn ontology có thể giống nhau nhưng cách giải thích tri thức khác nhau, các tác giả phân chia ontology thành bốn loại sau:

Không hình thức: khi biểu diễn trong các ngôn ngữ tự nhiên. Ontology này có lẽ khá tối nghĩa và mơ hồ do tính nhập nhằng nội tại của ngôn ngữ tự nhiên.

Bán không hình thức: khi biểu diễn trong các dạng thu hẹp và có cấu trúc của ngôn ngữ tự nhiên. Dạng ontology này đã có cải thiện trong việc giảm thiểu tính nhập nhằng.

Bán hình thức: khi biểu diễn trong các ngôn ngữ nhân tạo (đã được định nghĩa một cách hình thức).

Hình thức hoàn toàn: khi định nghĩa chính xác với các ngữ nghĩa hình thức, các định lý và các thuộc tính.

Guarino [18] phân chia ontology thành bốn loại dựa theo mức độ tổng quát như sau:

Ontology mức đỉnh: thường mô tả các khái niệm rất chung chung hoặc các tri thức chung không phụ thuộc vào một lĩnh vực hay một bài toán cụ thể nào.

Ontology miền: đưa ra các từ vựng về một lĩnh vực chung.

Ontology tác vụ: định nghĩa các khái niệm liên quan đến việc thực thi một công việc hay một hoạt động cụ thể.

Ontology ứng dụng: mô tả các khái niệm phụ thuộc vào một lĩnh vực hay một công việc riêng biệt nào đó. Các ontology này thường mở rộng và chuyên biệt hóa các ontology miền và ontology tác vụ.

Thường thì ontology của một hệ thống sẽ phối hợp nhiều kiểu ontology chứ không chỉ có một kiểu ontology nhất định nào đó.

Một phần của tài liệu ứng dụng agent phần mềm trong tích hợp thông tin về phương tiện giao thông (Trang 47 - 49)