Ảnh hưởng của một số thói quen sinh hoạt đến chuyển hóa

Một phần của tài liệu Một số yếu tố nguy cơ và hiệu quả của viên tỏi folate đối với tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu (RLCHLPM) trên người 30, 69 tuổi tại Hà Nội (Trang 25 - 32)

Luyện tập thể thao:

Theo Arixtot: “Không có gì làm tổn thương và phá hủy con người bằng sự thiếu

vận động”. Hội nghị Tim mạch Việt Nam tổ chức vào tháng 12/1997 đã kết luận:

“Bệnh tim mạch đang gia tăng ở Việt Nam, không chỉ gặp ở người già mà còn gặp ở

người trẻ tuổi. Ngoài các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến bệnh lý tim mạch như di truyền, giới tính, hút thuốc lá, rối loạn lipid máu, dinh dưỡng không hợp lý…còn có nguyên nhân thiếu vận động”. Nhiều kết quả nghiên cứu trên thế giới cho thấy ít vận

động thể lực thường kèm theo tăng trọng lượng cơ thể và tăng cholesterol máu. Ở những người lao động chân tay hoặc thường xuyên rèn luyện thể lực, cơ tim có khả năng thích ứng tốt hơn khi gắng sức, làm giảm thiểu lượng LDL_C, đồng thời tăng HDL_C, làm tiểu cầu ít bị kết dính nên ít có khả năng đông vón máu [30]. Tập lyện rèn sức bền có tác dụng điều hòa lượng mỡ máu như giảm lượng cholesterol, TG và làm tăng lượng HDL_C, giảm xơ vữa động mạch, giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim. Trên cơ sở theo dõi nhiều năm đối với bệnh nhân thiểu năng mạch vành, một số nhà khoa

học (Selvester, 1997; Gogchia, 1980, Cowan, 1983, K.Cooper,1987…) đã chứng minh

rằng có thể kìm hãm sự phát triển của XVĐM ở các bệnh nhân mạch vành khi tập luyện thường xuyên các bài tập. Các bài tập này có tác dụng hoạt hóa sự trao đổi mỡ trong cơ thể, giảm hàm lượng LDL_C và tăng HDL_C [2]. Một số cơ chế liên quan giữa tập luyện và tình trạng cholesterol huyết thanh đó là, tập luyện kích thích các

enzyme giúp vận chuyển LDL_C từ máu và thành mạch về gan. Từ đó, cholesterol được chuyển vào trong đường mật để tiêu hóa hoặc bài tiết ra ngoài. Tập luyện làm tăng kích thước của các hạt lipoprotein. Trong đó, một số có kích thước nhỏ và dày đặc, một số kích thước lớn hơn. Các lipoprotein có kích thước nhỏ dày đặc nguy hiểm hơn kích thước lớn, do nó có thể dễ dàng chui vào lớp nội mạc của tim và thành mạch máu [49].

Tập luyện thể dục thể thao mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, để việc luyện tập mang lại hiệu quả phòng chống bệnh tật, đặc biệt là bệnh tim mạch, việc thiết lập một chương trình tập luyện là điều hết sức quan trọng [2]. Hiệu quả đối với bệnh tim mạch của một chương trình luyện tập được quy định bởi một loạt các yếu tố như: loại bài tập, cường độ và khối lượng vận động, tần số buổi tập và phương pháp luyện tập. Theo Fábio, tổng số năng lượng tiêu hao trong quá trình tập luyện có thể điều chỉnh quá trình chuyển hóa lipid ở gan [59]. Ferguson và cộng sự cho thấy năng lượng tiêu hao sau mỗi bài tập có mối liên quan với tình trạng lipid máu. Số liệu cho thấy tập luyện ở cường độ trung bình, năng lượng tiêu hao từ 1.100-1.500 kcal, ảnh hưởng nhiều đến nồng độ lipid máu so với tập luyện với mức tiêu hao năng lượng thấp hơn. Do vậy, cường độ tập có thể là yếu tố quan trọng giúp điều chỉnh tình trạng lipid máu [108].

Trong phân tích có hệ thống 31 nghiên cứu thử nghiệm trên 1.833 đối tượng

bình thường và RLCHLPM nhằm xác định hiệu quả của tập luyện (aerobic và bài tập

rèn luyện sức bền), chương trình tập luyện hiệu quả nhất với thời gian, cường độ, tần

số luyện tập để tối ưu hóa tình trạng lipid máu. Kết quả cho thấy, cường độ tập của các chương trình aerobic khác nhau có ảnh hưởng không giống nhau lên các chỉ tiêu lipid máu, nhưng việc tập luyện thường xuyên không mang lại hiệu quả cao hơn so với thời gian tập luyện 3 lần/tuần. Bằng chứng về hiệu quả của các bài tập rèn luyện sức bền vẫn chưa rõ ràng [94]. Tập Aerobic được cho là làm giảm nguy cơ tim mạch thông qua việc tăng HDL_C huyết thanh. Một phân tích khác dựa trên 25 kết quả nghiên cứu cho

thấy hiệu quả thay đổi HDL_C. Để tăng HDL_C, việc tập luyện tiêu hao tối thiểu 900 kcal/tuần với 120 phút/tuần. Kết quả phân tích hồi quy cho thấy trong một lần tập cứ

kéo dài mỗi 10 phút thời gian luyện tập sẽ làm tăng khoảng 1,4mg/dl (0,036mmol/l)

HDL_C. Tác giả đưa ra kết luận, tập aerobic thường xuyên làm tăng đáng kể HDL_C. Thời gian của mỗi lần tập là yếu tố quan trọng nhất khi xây dựng chương trình luyện tập. Tập luyện mang lại hiệu quả hơn đối với những đối tượng có BMI thấp và CT cao [94]. Bên cạnh thời gian của mỗi lần tập, tần xuất tập thì quãng thời gian tập hay việc duy trì tập luyện hết sức quan trọng. Một số công trình nghiên cứu cho thấy trên 60% số người lớn bắt đầu chương trình tập luyện đã bỏ tập ngay trong tháng đầu tiên khi mà hiệu quả rèn luyện đạt chưa đáng kể [2].

Hoạt động thể lực với cường độ thấp (đứng và đi bộ) trong thời gian dài giúp

cải thiện insulin và lipid huyết tương hơn là tập luyện với cường độ trung bình và nặng

(đạp xe), khi mà tiêu hao năng lượng có thể so sánh được. Duvivier tiến hành nghiên

cứu trên 18 đối tượng khỏe mạnh, theo 3 chương trình tập luyện: chương trình (1) ngồi 14 tiếng/ngày; (2) ngồi 13 tiếng và 1 tiếng tập nặng; (3) ngồi 6 tiếng, 4 tiếng đi bộ, 2 tiếng đứng. TG, HDL_C, CT, apolipoprotein B huyết tương cải thiện đáng kể trong nhóm có chương trình hoạt động thể lực với cường độ nhẹ, so với nhóm ngồi. Ông cho rằng, tăng thời gian dành cho đứng và đi bộ hiệu quả hơn một tiếng luyện tập nặng, khi mà tiêu hao năng lượng giữ ở mức hằng định [57].

Hoạt động thể lực có mối liên quan với bệnh lý tim mạch, tuy nhiên, khối lượng tập là bao nhiên để mang lại hiệu quả?. Nghiên cứu thử nghiệm có đối chứng trên 111 đối tượng cả nam lẫn nữ thừa cân trong thời gian 8 tháng. Các chế độ luyện tập sử dụng trong nghiên cứu là: (1) khối lượng và cường độ cao, năng lượng tiêu hao tương đương với chạy bộ 20 dặm (32,0 km)/tuần, 65 đến 80% oxy tiêu thụ; (2) khối lượng thấp và cường độ cao, năng lượng tiêu hao tương đương với chạy bộ 12 dặm (19,2 km)/tuần, 65 đến 80% oxy tiêu thụ (3) khối lượng thấp và cường độ trung bình, năng

lượng tiêu hao tương đương với chạy bộ 12 dặm (19,2 km)/tuần, 40 đến 55% oxy tiêu thụ. Các đối tượng được khuyến khích duy trì cân nặng như ban đầu. Kết quả cho thấy, tập luyện mang lại hiệu quả cho các chỉ tiêu lipid máu, rõ nét nhất là chế độ tập luyện với khối lượng cao, chế độ luyện tập này mang lại kết quả tốt hơn so với chế độ luyện tập khối lượng thấp. Tuy nhiên cả hai chế độ luyện tập với khối lượng thấp vẫn mang lại lợi ích đối với tình trạng lipid máu hơn so với nhóm chứng. Vậy sự cải thiện lipid máu liên quan đến khối lượng tập luyện, không liên quan đến cường độ tập hay sự cải thiện cân nặng trong quá trình luyện tập [79].

Hiệu quả tập luyện còn được quy định bởi mức độ RLCHLPM. Couillard và cộng sự cho rằng việc tập luyện thường xuyên kéo dài đặc biệt có lợi cho những đối tượng nam giới có nồng độ HDL_C ban đầu thấp, TG cao và béo bụng khi tiến hành so sánh đáp ứng của các chỉ tiêu lipid huyết thanh với chương trình tập luyện thường xuyên kéo dài trong 20 tuần giữa các nhóm nam giới [51].

Hút thuốc lá:

Từ năm 1940, người ta đã tìm thấy có mối liên hệ giữa hút thuốc lá và nguy cơ bị bệnh tim mạch. Dù hút một vài điếu thuốc trong ngày cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Mối liên quan chặt chẽ giữa hút thuốc lá và bệnh tim mạch không chỉ thấy ở cả hai giới, trong lớp trẻ và người già mà còn thấy ở tất cả các chủng tộc. Hút thuốc lá không những làm tăng nguy cơ mắc bệnh mà nó còn tương tác với các yếu tố khác làm tăng nguy cơ lên gấp nhiều lần. Theo ước tính của Law M thì cứ 1% nồng độ lipid máu tăng sẽ đi cùng với tăng 2,7% nguy cơ bệnh tim mạch [104].

Cơ chế thuốc lá làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch vẫn chưa rõ ràng. Các nghiên cứu về sinh lý bệnh đã đưa ra cơ chế chung mà qua đó khói thuốc có thể gây nên bệnh tim mạch. Những người hút thuốc có tăng nồng độ các sản phẩm oxy hóa bao gồm cả cholesterol, LDL_C oxy hóa và làm giảm nồng độ HDL_C. Những yếu tố này cùng với

các ảnh hưởng trực tiếp của CO2 và nicotine gây tổn thương nội mạch. Tuy nhiên bằng chứng từ những nghiên cứu để công nhận giả thuyết này vẫn chưa đầy đủ [90].

Năm 1993, nghiên cứu tại Nhật của Nagoya J trên 726 công nhân giao thông đô thị để tìm mối liên quan giữa nồng độ HDL_C và cholesterol toàn phần. Kết quả cho thấy, hút huốc lá không có mối liên quan với nồng độ cholesterol >230md/dl, nhưng khi hút từ 1-20 điếu/ngày hoặc ≥21 điếu/ngày sẽ làm tăng nguy cơ HDL_C<40mg/dl lên 1,9 lần (95% CI: 1,1-3,26) hoặc 2,27 lần (95% CI: 1,27- 4,05) so với những người không hút thuốc [119].

Năm 1995, Jacobson BH với mục tiêu xác định mối liên quan độc lập giữa số lượng thuốc hút và nồng độ TC, HDL_C ở phụ nữ trong nghiên cứu với 805 đối tượng nữ cho thấy, có sự khác biệt có ý nghĩa về nồng độ TC giữa nhóm hút thuốc ở mức độ

nặng với tất cả các nhóm còn lại (p<0,01), nồng độ HDL_C ở nhóm hút thuốc nặng và (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

trung bình thấp hơn hẳn so với nhóm không hút. Jacobson đi đến kết luận hút thuốc ở mức trung bình và nặng là nguy cơ độc lập với TC cao và HDL_C thấp, ngừng hoặc bỏ hút thuốc ở phụ nữ có mối liên quan với các chỉ tiêu lipid máu theo chiều hướng có lợi [85].

Năm 2002, trong một nghiên cứu thuần tập tìm hiểu ảnh hưởng của thói quen hút thuốc lên các chỉ tiêu CT, LDL_C, HDL_C và TG. Bốn trăm chín hai đối tượng trong độ tuổi 26-66 bị RLCHLPM đươc đưa vào nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hút thuốc gây ảnh hưởng bất lợi đến nồng độ LDL_C, HDL_C và TG của cả nam lẫn nữ, không phân biệt tuổi tác [139].

Năm 2006, nghiên cứu của O.A.Adedeji cho thấy nồng độ cholesterol toàn phần trung bình của người hút thuốc cao hơn một cách có ý nghĩa thống kê so với nồng độ này ở những người không hút thuốc. Không tìm thấy sự khác biệt đối với các chỉ tiêu lipid máu khác [125].

Năm 2012, trong một nghiên cứu tại Ấn Độ trên 100 đối tượng trong đó, 25 đối tượng thuộc nhóm I – không hút thuốc lá và 75 đối tượng thuộc nhóm II - hút thuốc lá,

các đối tượng của nhóm II lại được phân loại theo thời gian và cường độ hút (mức nhẹ:

10-15 điếu/ngày trong từ 1 đến 5 năm; mức trung bình: 16-20 điếu/ngày trong 6-10 năm; mức nặng: trên 20 điếu/ngày trong thời gian trên 10 năm). Kết quả cho thấy,

nồng độ TC, TG, LDL_C và HDL_C trung bình ở nhóm hút thuốc ở các mức độ đều

cao hơn một cách có ý nghĩa thống kê (p<0,001) so với nhóm không hút thuốc [56].

Uống bia rượu

Trong nhiều thập kỷ qua, tác động của ethanol lên quá trình tổng hợp, đào thải và oxy hóa lipid đã được phát hiện. Gần đây nghiên cứu của Margaret Sozio cho thấy vai trò của hệ miễn dịch tự nhiên trong gan và tác động của nó lên quá trình chuyển hóa lipid, nghiên cứu cũng nhận ra nhiều yếu tố trong hệ tuần hoàn có thể ảnh hưởng đến sự đáp ứng của gan đối với ethanol, đa tác động của ethanol lên gan cũng như các bộ phận khác trong cơ thể [110].

Một số nghiên cứu dịch tễ học đã đưa ra những kết luận trái ngược về tác động của tiêu thụ rượu lên bệnh tim mạch. Sự biến đổi giữa nguy cơ và lợi ích của rượu ở mỗi cá nhân là không giống nhau và còn tùy thuộc vào số lần uống, lượng uống…

Các nghiên cứu thực nghiệm Đông Tây cũng nêu ra nhiều tác dụng tích cực của rượu như kích thích khẩu vị, giảm cholesterol, ý kiến về ảnh hưởng của rượu lên các loại chất béo vẫn chưa được hoàn toàn thống nhất. Một số kết quả nghiên cứu cho thấy bia có thể làm tăng mức HDL_C và giảm LDL_C, theo Peter Cremer của Đại học Gottingen (Đức) rượu chỉ tốt với người có mức độ cholesterol thấp còn với những người có mức cao >230mg/dl thì không có lợi; rượu làm giảm nguy cơ ung thư, theo nghiên cứu của Nhật ăn thịt nướng có chất gây ung thư thuộc nhóm Has, nhưng khi dùng chung với rượu cất bằng men chế từ cây hoa bia thì nguy cơ này giảm. Kết quả nghiên cứu vào năm 2004 của đại học Albert Einstein - New York cho biết rằng nếu

uống dưới 45ml rượu mỗi ngày có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Rượu có thể mang lại tác dụng tích cực nếu được dùng vừa phải hạn chế, lạm dụng rượu bia sẽ mang lại hậu quả tiêu cực như gây nghiện, theo American Cancer Society, người uống trên 45ml rượu mạnh mỗi ngày có nhiều nguy cơ bị ung thư miệng, cuống họng…Nghiên cứu tại University of Okalahoma cho thấy uống nhiều hơn 525 ml bia mỗi ngày thì có nhiều nguy cơ bị ung thư trực tràng. Rượu làm tăng tế bào mỡ quanh vùng bụng và tăng cholesterol máu [7].

Nghiên cứu của Van der Gaag MS năm 2001 cho thấy tiêu thụ rượu ở mức trung

bình (30g/ngày) làm tăng khoảng 4mg/dl nồng độ HDL_C và apoA-I 8,82 mg/dl, cùng

với việc làm giảm nguy cơ BTM ước tính vào khoảng 24,7% [139]. Hơn thế nữa rượu làm giảm sự thoái hóa HDL_C, tác động lên quá trình chuyển hóa LDL_C ở gan theo chiều hướng có lợi cho sức khỏe [150].

Số liệu điều tra của Reynolds K và cộng sự năm 2003 cho thấy, tỷ lệ đột quỵ do xuất huyết não, nhồi máu não trên những người uống nhiều rượu cao hơn so với những người không uống rượu [132]. Thêm vào đó, tỷ bệnh tật được cho là có liên quan đến việc tiêu thụ rượu như đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não ngày càng tăng [63, 126].

Filmore và cộng sự đã mô tả ảnh hưởng của rượu đối với BTM trong phân tích meta, những người tiêu thụ rượu ở mức độ nhẹ, trung bình và điều độ cho thấy nguy cơ tử vong do bất cứ BTM nào là như nhau [63]. Gần đây, Chen và cộng sự cho thấy nồng độ TG cao ở những người tiêu thụ rượu 10g/ngày. Tiêu thụ trên 50g/ngày làm giảm đáng kể nguy cơ HDL_C giảm, nhưng nguy cơ nồng độ cholesterol toàn phần cao lại tăng lên [47].

Ở Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Lương Hạnh thì nguy cơ RLCHLPM theo chỉ tiêu cholesterol sẽ tăng lên 1,22 lần ở những người lạm dụng rượu bia [10]. Phạm Thị Dung khi đánh giá ảnh hưởng của lạm dụng rượu bia đối với

HCCH cho thấy, nam giới lạm dụng rượu bia có nguy cơ mắc HCCH cao hơn nhóm không lạm dụng 4 lần [5].

Sự biến đổi giữa nguy cơ và lợi ích của rượu là không giống nhau đối với từng người, việc sử dụng rượu như là một công cụ để bảo vệ tim mạch không nên khuyến khích như là một giải pháp sức khỏe cộng đồng [53].

Một phần của tài liệu Một số yếu tố nguy cơ và hiệu quả của viên tỏi folate đối với tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu (RLCHLPM) trên người 30, 69 tuổi tại Hà Nội (Trang 25 - 32)