Nội dung chủ đề:
1.2. Những chức năng và yêu cầu sư phạm của đánh giá.
Theo giáo sư Trần Bá Hoành (Đánh giá trong giáo dục 1995 trang 9- 10) trong dạy học việc đánh giá có 3 chức năng.
* Chức năng sư phạm: Làm sáng tỏ thực trạng, định hướng điều chỉnh hoạt động dạy và học.
* Chức năng xã hội: Công khai hoá kết quả học tập của mỗi học sinh trong tập thể lớp, trường , báo cáo kết quả học tập, giảng dạy trước phụ huynh và các cấp quản lý giáo dục.
*Chức năng khoa học: Nhận định chính xác về một mặt nào đó thực trạng dạy và học, về hiệu quả thực nghiệm một sáng kiến cải tiến nào đó trong dạy học.
Tuỳ mục đích đánh giá mà một hoặc một vài chức năng nào đó sẽ được đặt lên hàng đầu.
Những yêu cầu sư phạm sau đây thường được tính tới trong việc đánh giá học sinh:
(i)Khách quan:
- Phải bảo đảm sự vô tư của người đánh giá, tránh tình cảm cá nhân , thiên vị.
- Phải bảo đảm tính trung thực của người được đánh giá, chống quay cóp, gian lận trong khi kiểm tra.
- Phải đánh giá sát với hoàn cảnh, điều kiện dạy và học, tránh những nhận định chủ quan, áp đặt, thiếu căn cứ.
(ii) Toàn diện:
Một bài kiểm tra, một đợt đánh giá có thể nhằm vào một vài mục đích trọng tâm nào đó, nhưng toàn bộ hệ thống đánh giá phải đạt yêu cầu toàn diện, không chỉ về mặt kiến thức mà cả về kĩ năng, thái độ, tư duy.
(iii)Hệ thống :
Việc đánh giá phải được tiến hành theo kế hoạch, có hệ thống đánh giá thường xuyên, đánh giá sau khi học từng nội dung, đánh giá định kì, tổng kết cuối năm học , khoá học.
Đánh giá phải được tiến hành công khai, kết quả phải được công bố kịp thời để mỗi học sinh có thể tự đánh giá, xếp hạng trong tập thể, để tập thể học sinh hiểu biết lẫn nhau, học tập giúp đỡ lẫn nhau.