ĐÁNH GIÁ CHUNG

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG TỔ CHỨC BỘ MÁY QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI VIỆT NAM (Trang 35 - 40)

1. Kết quả đạt được

Sau 6 năm thực hiện chức năng, nhiệm vụ đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 34/CP ngày 23/4/1994, Tổng cục Địa chính cũng như ngành Địa chính đã đạt được một số thành tích nhất định, về cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao. Hệ thống tổ chức ngành từ Trung ương đến địa phương đã được hình thành và củng cố, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của cả hệ thống. Công tác quản lý nhà nước về đất đai và đo đạc -

bản đồ bước đầu cơ bản đã được tập trung về một đầu mối, có nề nếp, đúng pháp luật. Những việc chính đã được thực hiện là

- Giúp Chính phủ cũng như các Bộ, các ngành và bản thân Tổng cục đã ban hành trên 20 văn bản pháp luật trong lĩnh vực quản lý đất đai như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai, các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đất đai như Nghị định 17/CP, 85/CP, 163/CP, 04/CP v.v...

- Bước đầu xây dựng quy trình hướng dẫn về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai các cấp. Đã xây dựng kế hoạch sử dụng đất đai 5 năm (1996 - 2000) được Quốc hội phê duyệt; Thẩm định kế hoạch sử dụng đất hàng năm trình Chính phủ phê duyệt làm cơ sở cho việc giao đất và cho thuê đất.

- Chỉ đạo đẩy nhanh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CGCNQSDĐ). Tính đến ngày 31/12/1999 trên toàn quốc đã cấp được 10.294.766 hộ sử dụng đất nông nghiệp đạt tỷ lệ 87,57%; Về diện tích đạt 5.779.066 ha bằng 80,77%. Hiện nay đang chỉ đại đẩy nhanh tiến độ CGCNQSDĐ lâm nghiệp và đất đô thị.

- Công tác xây dựng hồ sơ Địa chính lưu trữ tư liệu Địa chính dần dần đi vào nề nếp. Hiện nay trên toàn bộ 61 tỉnh, thành đã xây dựng xong Trung tâm thông tin Lưu trữ tư liệu Địa chính.

- Tập trung chỉ đạo giải quyết những tranh chấp đất đai, những khiếu nại tố cáo về đất đai một cách kịp thời, có hiệu quả đã giúp cho chính quyền các cấp đưa công tác quản lý đất đai theo đúng pháp luật, hạn chế được số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo, những điểm nóng và giảm bớt những thủ tục phiền hà cho người dân.

- Về công tác đo đạc - bản đồ:

+ Đã hoàn thành xây dựng điểm toạ độ gốc quốc gia Hà Nội, xây dựng lưới toạ độ cấo “O” phủ trùm toàn quốc. Đang trình Chính phủ phê duyệt hệ quy chiếu và hệ toạ độ quốc gia.

+ Xây dựng hệ thống bản đồ địa hình, bản đồ địa chính các tỷ lệ phục vụ các ngành và các địa phương; Hoàn thành sản xuất bộ Atlas quốc gia, bản đồ hành chính quốc gia, bản đồ hiện trạng sử dụng đất đai toàn quốc.

+ Hoàn thành xây dựng bộ bản bản đồ địa giới hành chính các cấp theo chỉ thị 364/CT của Thủ tướng Chính phủ.

+ Xây dựng các loại bản đồ phục vụ phân vạch, quản lý biên giới quốc gia.

+ Xây dựng và ban hành hệ thống các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn ngành, hệ thống các định mức kinh tế - kỹ thuật để sử dụng thống nhất trong toàn ngành.

2. Tồn tại và nguyên nhân

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chức năng, do Chính phủ giao cũng đã bộc lộ những khó khăn, chồng chéo và những tồn tại sau đây:

+ Về chức năng: Trong Nghị định quy định chưa thể hiện rõ phạm vị và đối tượng quản lý (toàn bộ loại đất đai và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất).

+ Về nhiệm vụ, quyền hạn:

- Nhiệm vụ, quyền hạn quy định còn chung chung, mang tính tổng quát, không rõ ràng bằng Luật đất đai quy định.

- Đối với công tác đo đạc - bản đồ: do quy định còn chung chung cho nên việc triển khai công tác quản lý Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn không thực hiện được.

- Hầu hết các nhiệm vụ được quy định còn mang tính tác nghiệp kỹ thuật là chủ yếu mà chưa thể hiện rõ nét về nhiệm vụ quản lý Nhà nước.

- Nhiệm vụ quản lý chủ yếu mới thể hiện ở mặt lượng (diện tích bề mặt) mà chưa thể hiện được quản lý về chất lượng như: bảo vệ, cải tạo, chống ô nhiễm môi trường huỷ hoại đất; đánh giá và xác định giá trị cho từng loại đất đai. Chính sách của Nhà nước là đền bù phải theo sát giá thị trường nhưng chưa có một cơ quan định giá đất thì không thể giúp cho Nhà nước quyết định được mức giá một cách hợp lý. Hơn nữa, hiện nay chúng ta chưa có cơ quan quản lý thị trường bất động sản.

- Nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đất đai có liên quan đến hầu hết các bộ, các ngành và chính quyền địa phương nhưng chưa được quy định cụ thể về mối quan hệ này và vai trò chủ đạo của ngành Địa chính trong việc tổ chức phối hợp để đảm bảo sự quản lý thống nhất giữa ngành và lãnh thổ.

- Quyền hạn được Chính phủ giao mới chỉ dừng ở mức tham mưu giúp việc cho Chính phủ là chủ yếu (thẩm định, đề xuất).

- Một số công việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ nhưng mang tính chuyên môn nghiệp vụ và thủ tục hành chính, Chính phủ không giao cho ngành Địa chính thực hiện, làm cho quá trình triển khai thực hiện mang tính hình thức thủ tục giấy tờ, làm hạn chế trách nhiệm của cả Chính phủ và cơ quan quản lý đất đai.

+ Những tồn tại và chồng chéo trong quá trình thực hiện:

- Tồn tại lớn nhất hiện nay của ngành Địa chính là việc tổ chức đăng ký biến động về đất đai bao gồm: đăng ký các giao dịch đất đai, chuyển đổi, thừa kế, thế chấp…Từ đó dẫn đến vấn đề thu cho ngân sách rất thấp…

Nghị định 34/CP đã được ban hành 7 năm (từ năm 1994) đến nay tình hình đã có nhiều thay đổi, việc sửa đổi bổ sung để ban hành Nghị định mới cho phù hợp với tình hình quản lý đất đai hiện nay là rất cần thiết.

- Bộ NN & PTNT chủ trì: xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định 64/CP về đất nông nghiệp (nay sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 85/1999/NĐ- CP); Nghị định 02/CP về đất lâm nghiệp (nay được thay thế bằng Nghị định 163/1999/NĐ-CP). Nhưng trên thực tế cũng như trong chỉ đạo, Chính phủ giao cho Tổng cục Địa chính tổ chức thực hiện từ việc giao đất cho hộ gia đình, cá nhân đến việc CGCNQSDĐ (giấy đỏ).

- Bộ Xây dựng chủ trì: xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định 60/CP, 61/CP. Ban chỉ đạo nhà ở đất ở do Bộ Xây dựng làm thường trực chỉ đạo cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất (giấy hồng). Trong khi Luật đất đai quy định GCNQSDĐ theo mẫu thống nhất do cơ quan quản lý đất đai ở Trung ương phát hành. Mặc dù việc sát nhập và tổ chức lại Sở Địa chính và Sở Nhà đất thành Sở Địa chính - Nhà đất đã thực hiện tại 3 thành phố lớn, song trong quá trình quản lý còn chưa hoàn toàn thống nhất việc cấp giấy chứng nhận. Vì thế Nghị định 60/CP, 61/CP đã ban hành được hơn 5 năm nhưng việc cấp giấy chứng nhận còn rất chậm chưa được 10% so với nhu cầu. Trong quá trình thực hiện nhiều vấn đề phát sinh cần được nghiên cứu để thống nhất đầu mối quản lý và xác định cái gì là gốc, tồn tại lâu dài, ít biến động để làm cơ sở cơ bản trong quản lý.

Quy hoạch phát triển đô thị do Bộ Xây dựng quản lý là chính, việc quy hoạch đô thị lại liên quan đến sử dụng đất. Nhưng sự phối hợp giữa ngành Xây dựng và ngành Địa chính trong quy hoạch, quản lý đất đô thị chưa chặt chẽ.

- Việc xây dựng các chính sách tạo nguồn thu từ đất và thực hiện đền bù đất đai lại do Bộ Tài chính tiến hành nhưng khi có khiếu nại về đền bù giải toả lại do Tổng cục Địa chính giải quyết. Mặt khác hiện nay chưa có cơ quan định giá đất với chức năng nhiệm vụ cụ thể giúp Chính phủ tổ chức định giá đất, theo dõi biến động để quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản.

- Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ thì quản lý về địa giới hành chính theo Chỉ thị 364/CT, nhưng tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới lại do Tổng cục Địa chính giải quyết.

- Ban Biên giới của Chính phủ, chịu trách nhiệm quản lý biên giới, Tổng cục Địa chính được giao nhiệm vụ kỹ thuật đo vẽ bản đồ và hoạch định biên giới trên thực địa và thể hiện trên bản đồ.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý khu công nghiệp Việt Nam: khi quyết định hình thành dự án cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định cụ thể về diện tích trình Chính phủ phê duyệt, Tổng cục thực hiện nhiệm vụ thẩm định, làm thủ tục để cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất và đo đạc, CGCNQSDĐ.

- Thanh tra Nhà nước: Nhiều đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến Thanh tra Nhà nước được chuyển về Tổng cục Địa chính, nhưng Tổng cục chưa phải là nơi giải quyết cuối cùng, lại phải thống nhất với Thanh tra Nhà nước hoặc trình lên Chính phủ để giải quyết cuối cùng. Thậm chí Chính phủ đã giải quyết là quyết định cuối cùng mà đương sự vẫn còn thắc mắc. Do đó đơn thư khiếu kiện về đất đai đi vòng vèo, hiệu lực thấp, việc giải quyết rất mất thời gian.

- Về Đo đạc - Bản đồ: Hầu hết các phương án đo đạc - bản đồ của các Bộ, các Ngành, các công trình quốc gia đều không qua Tổng cục Địa chính thẩm định và cấp giấy phép triển khai như Nghị định 34/CP của Chính phủ quy định. Do đó hiện tượng các ngành, các địa phương đo vẽ chồng chéo, trên một khu vực nhiều người, nhiều cơ quan đo vẽ. Kết quả đo vẽ không sử dụng chung được cho nhiều ngành, nhiều mục đích, đã gây ra tình trạng lãng phí đáng kể tiền của Nhà nước, vì vậy Nhà nước đã phải đầu tư nhiều lần. Tình trạng này

cũng đã gây khó khăn trở ngại cho công tác thống nhất quản lý tài liệu trắc địa - bản đồ, trong đó có nhiều tài liệu là bí mật quốc gia.

+ Một số đánh giá về trình độ cán bộ và bộ máy quản lý đất đai.

- Về cán bộ: hiện nay trong cả 4 cấp quản lý Nhà nước về đất đai của Việt Nam thì số lượng cán bộ được đào taọ đại học trong bộ máy quản lý của cơ quan Địa chính cấp Trung ương là đáng kể nhưng chưa thật cao. Hơn nữa số cán bộ được đào tạo từ ngành khác cũng chiếm một số lượng lớn, số cán bộ đầu ngành về quản lý đất đai còn ít. Ở các địa phương, số cán bộ trong bộ máy quản lý của cấp tỉnh hiện nay nếu xét trên góc độ được đào tạo đại học là cao nhưng nếu xét về chuyên môn thì một số lượng lớn được đào tạo không phải để quản lý đất đai mà làm công việc khác. Do đó có thể nói rằng trình độ chuyên môn của một số cán bộ hiện nay đang công tác trong bộ máy quản lý đất đai cấp tỉnh và huyện là không cao. Còn về phần cán bộ Địa chính xã thì số nhiều là chưa qua đào tạo, chưa có cán bộ được đào tạo đại học về quản lý đất đai trong cán bộ Địa chính xã, vì thế có thể khẳng định là trình độ chuyên môn của cán bộ Địa chính xã còn thấp cần phải nâng cao để đáp ứng yêu cầu quản lý trong thời gian tới.

- Về bộ máy: Bộ máy quản lý đất đai của nước ta hiện nay thì sự phân công, phân cấp giữa các cấp còn chưa hợp lý và rõ ràng, nhiệm vụ còn chồng chéo, đặc biệt là trong công tác quản lý đô thị, thu ngân sách. Mối quan hệ giữa cơ quan Địa chính với chính quyền cùng cấp chưa quy định rõ về trách nhiệm quản lý đất đai, chưa đảm bảo tính độc lập tương đối giữa chính quyền và các cơ quan quản lý đất đai cùng cấp.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG TỔ CHỨC BỘ MÁY QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI VIỆT NAM (Trang 35 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(40 trang)
w