Năm 2009 sắp kết thúc, kinh tế các nước và Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, chưa ai có thể đưa ra chính xác rằng: lúc nào thì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ kết thúc và kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng trở lại như trước khi xảy ra khủng hoảng. Mặc dù nhiều Quốc gia vẫn chưa ra khủng hoảng, nhưng ở Việt Nam đà suy giảm đã được ngăn chặn và bắt đầu có sự phát triển. 18/25 chỉ tiêu đặt ra cho năm 2009 đạt và vượt; GDP của 11 tháng trên 5%(1); tăng trưởng tín dụng 36%, lạm phát vẫn trong giới hạn kiểm soát, bội chi ngân sách khoảng 6,9%, an sinh xã hội được đảm bảo.Thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) mặc dù trồi sụt thất thường, nhưng vẫn có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng. Có thể điểm qua diễn biến của TTCK 11 tháng của năm(2).
Các chỉ tiêu thị trường 31/12/2008 30/11/2009
1.
Giá trị vốn hóa thị trường (tỷ đồng) 225.934 669.000 2.
Mức độ vốn hóa/GDP năm 2008(%) 18% 55% 3.
Số lượng cổ phiếu niêm yết 338 385
4.
Số lượng công ty chứng khoán 102 105
5.
Số lượng công ty quản lý quỹ 43 47
6.
Số lượng công ty đại chúng đã đăng ký 1.090 1.016 7
Số tài khoản mở tại CTCK 550.000 730.000 8.
Hệ số P/E 9-10 15.8
Chỉ số Vn-Index từ 235,5 điểm (tháng 2/2009) lên 570 điểm vào tháng 8, rồi bật lên trên 633,21 điểm vào phiên 23/10 và nhanh chóng đảo chiều xuống 537,59 điểm vào phiên ngày 11/11, và dưới ngưỡng 500 điểm vào phiên ngày 2/12. Số tài khoản lưu ký của nhà đầu tư là 730.000, trong đó tài khoản của nhà đầu tư trong nước là 670.000, còn lại là tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài; giá trị giao dịch bình quân thị trường đạt 2.146 tỷ đồng/ phiên, cá biệt
có phiên đạt 5000 tỷ đồng (3), giá trị vốn hóa thị trường là 669.000 tỷ đồng, tương đương với 55% GDP năm 2008, so với thời điểm đầu năm tăng gần 3 lần. Các dòng vốn vào – ra thị trường có nhiều biến động. Do sự phục hồi kinh tế của các Quốc gia những tháng đầu năm chậm, vì thế các nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK chủ yếu bán ròng tập trung vào trái phiếu Chính phủ và các loại cổ phiếu có tính thanh khoản cao. Khi nền kinh tế Việt Nam có tín hiệu khởi sắc, dòng vốn vào lại tăng lên (tháng 5: 54 triệu USD, tháng 7: 56 triệu USD). Xét về tốc độ tăng trưởng, TTCK Việt Nam được coi là có tốc độ tăng trưởng rất cao, tới 60 – 70%, nhưng xem xét một cách toàn diện thì TTCK rất bất ổn. Thị trường cổ phiếu lên xuống thất thường, thị trường trái phiếu (TTTP) Chính phủ vẫn chưa phát triển, năm 2009 khối lượng trái phiếu Chính phủ đã được phát hành là 20.000 tỷ đồng, đạt 14% kế hoạch của năm(4). Sự biến động của TTCK cũng như thị trường vàng, thị trường ngoại tệ ở Việt Nam chẳng theo một quy luật nào đã cho thấy những bất ổn của thị trường phát sinh từ chính những yếu tố nội tại của thị trường như thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bộ phận của TTCK (thị trường sơ cấp, sở giao dịch, thị trường UpCoM, TTTP chuyên biệt), giữa TTCK với thị trường ngoại hối, thị trường tín dụng và thị trường vàng. Thị trường tài chính bị phân khúc, chưa có sự minh bạch trong quản trị điều hành và trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý, giám sát ở tầm vĩ mô, cũng như các thông tin thị trường chưa được cập nhật một cách chuẩn xác đến các nhà đầu tư, trong khi yếu tố tâm lý luôn bị chi phối nặng nề bởi các tin đồn; trên thị trường vẫn có khoảng trống pháp lý cho những nhà kinh doanh, đầu cơ có điều kiện thôn tính, lũng đoạn thị trường. Vì vậy vấn đề cấp thiết hiện nay là làm thế nào để TTCK Việt Nam phát triển ổn định?
* Giải pháp cho sự phát triển bền vững TTCK Việt Nam
Thứ nhất, Tiếp tục tái cấu trúc TTCK một cách sâu, rộng theo hướng minh bạch, đồng bộ và thống nhất phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Việc chuyển đổi từ Trung tâm giao dịch chứng khoán Tp.HCM, Hà Nội thành Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) hoạt động theo mô hình Công ty TNHH Nhà nước một thành viên; tách bộ phận lưu ký thành Trung tâm lưu ký chứng khoán độc lập hoạt động theo mô hình Công ty TNHH Nhà nước một thành viên, xây dựng TTTP chuyên biệt…đó cũng là kết quả bước đầu của việc tái cấu trúc TTCK, tuy rất then chốt, nhưng chưa đủ cho một TTCK phát triển minh bạch, ổn định.
Một trong những chính sách tác động mạnh đến TTCK đó là chính sách tài khóa (CSTK) và chính sách tiền tệ (CSTT). Đối với CSTT, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc điều hành CSTT. Với việc điều hành CSTT theo hướng nới lỏng hoặc thắt chặt đều tác động không nhỏ đến tính thanh khoản trên TTCK. Chỉ với một biện pháp của Ngân hàng Nhà nước nhằm chấn chỉnh công tác tín dụng của hệ thống ngân hàng(5), ngay lập tức khối lượng cổ phiếu giao dịch cả hai sàn và giá cả của chúng đều giảm mạnh. Tình trạng này nói lên điều gì? tiền dùng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán chủ yếu là nguồn nào? Tại sao TTCK lại quá nhạy cảm theo sự mở rộng hay thu hẹp tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM)? Việc này có lý giải được phần nào những băn khoăn của người dân khi Chính phủ cho phép các NHTM triển khai gói kích thích kinh tế với mức hỗ trợ lãi suất 4%? TTCK tại sao luôn lên xuống theo tin đồn? Nhìn vào những bất cập của thị trường sẽ thấy cần phải tiếp tục tái cấu trúc TTCK, để
TTCK phải đúng nghĩa là kênh huy động vốn trung và dài hạn thiết thực cho doanh nghiệp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và là kênh hút vốn nhàn rỗi của các cá nhân và các tổ chức trong và ngoài nước. Nguyên tắc tái cấu trúc phải đảm bảo sự ổn định của hệ thống, theo đó xây dựng và vận hành có hiệu quả hệ thống thị trường tài chính (thị trường tiền tệ, TTCK, thị trường tín dụng, TTTP Chính phủ…), thực hiện các chuẩn mực tốt nhất trong quản trị công ty, chuẩn mực kế toán và công bố thông tin. Thực hiện vấn đề này theo hướng:
- Phân định rõ từng thị trường để quản lý chúng: thị trường cổ phiếu: nơi niêm yết cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn; thị trường các doanh nghiệp vừa và nhỏ; thị trường UpCoM; thị trường OTC; thị trường công cụ nợ và thị trường công cụ phái sinh. Hoàn thiện thị trường giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết (UpCoM) để khắc phục ngay những quan ngại về tính thanh khoản của thị trường này.
- Thực hiện chuyển đổi sở hữu của SGDCK và Trung tâm lưu ký chứng khoán từ Công ty TNHH Nhà nước một thành viên sang công ty cổ phần, trong đó Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối (trên 51%). Cho phép đại diện Công ty chứng khoán (CTCK), Tổ chức niêm yết, một số chuyên gia kinh tế tham gia vào Hội đồng quản trị của SGDCK. Khi đó SGDCK là công ty cổ phần đại chúng, hoạt động sẽ năng động và minh bạch vì mục tiêu phát triển lành mạnh của TTCK.
- Đối với các CTCK cũng cần thực hiện tái cấu trúc theo hướng nâng cao yêu cầu về vốn điều lệ tối thiểu, yêu cầu về cơ sở vật chất, năng lực quản trị công ty và nguồn nhân lực, song song với việc thực hiện sát nhập, mua lại… để giảm bớt về số lượng CTCK, hướng một số CTCK lớn phát triển thành Tập đoàn, cũng như các nhà tạo lập thị trường. Hiện nay trên TTCK Việt Nam có 105 CTCK, xét về thị phần môi giới cổ phiếu cho khối nhà đầu tư nước ngoài, thì 10 CTCK đứng đầu đã chiếm tới 95,18%, nếu xét thị phần môi giới cho khối nhà đầu tư trong nước, thì 10 CTCK đứng đầu đã chiếm 48,18%(6). Như vậy rõ ràng thị phần cho 95 CTCK còn lại là quá nhỏ, trong đó có một số công ty vốn điều lệ rất thấp, hiệu quả kinh doanh chủ yếu là hoạt động tự doanh. Vì vậy, để thị trường hoạt động có hiệu quả cũng rất cần sắp xếp các CTCK có qui mô quá nhỏ, năng lực tài chính yếu này.
- Phát triển một số tổ chức tạo lập thị trường. Ở một số nước, nhà tạo lập thị trường thường là các NHTM, CTCK, công ty bảo hiểm, quĩ đầu tư, quĩ hưu trí, công ty tài chính… Đây là những tổ chức có năng lực tài chính mạnh, kinh doanh chuyên nghiệp, có khả năng liên kết cao. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, không phải tất cả các tổ chức đều có thể trở thành nhà tạo lập thị trường. Vì vậy, trước mắt lựa chọn một số NHTM, CTCK lớn đáp ứng các điều kiện qui định thực hiện chức năng nhà tạo lập thị trường. Sự năng động và minh bạch của thị trường phụ thuộc không nhỏ vào hoạt động của các nhà tạo lập thị trường.
Thứ hai, hoàn thiện các văn bản pháp lý, cơ chế chính sách cho sự phát triển của TTCK. Xem xét sửa đổi, bổ sung Luật chứng khoán theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật cho phù hợp với xu thế hội nhập của nền kinh tế; ban hành các văn bản hướng dẫn về một số nghiệp vụ chứng khoán như giao dịch bán khống, vay và cho vay chứng khoán, giao dịch phái sinh; giao dịch chuyển nhượng của cổ đông sáng lập…Trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, cầu tiêu dùng trong dân cư giảm mạnh, đi đôi với gói giải pháp kích cầu trung và dài
hạn đến năm 2011, cần xem xét chính sách thuế để đảm bảo sự phát triển bền vững của TTCK.
Phối hợp CSTT với CSTK trong việc thúc đẩy sự phát triển của TTCK Việt Nam. Mục tiêu cuối cùng của CSTT là ổn định tiền tệ, còn mục tiêu của CSTK là đạt đến một chính sách ngân sách minh bạch, tạo sự ổn định sản lượng, cải thiện phân bổ nguồn lực và kiểm soát ảnh hưởng của phân phối. Hai chính sách này có mối quan hệ mật thiết, ràng buộc lẫn nhau và tác động đến nền kinh tế và hệ thống thị trường tài chính. Nếu quản lý tài khoá yếu kém, sẽ tăng kỳ vọng lạm phát, có thể làm tăng lãi suất và cung tiền, điều này ảnh hưởng lớn đến việc vay nợ của Chính phủ trên TTCK. Ngược lại, lạm phát và lãi suất tăng cao, không những làm giảm nguồn thu cho Chính phủ, mà còn làm cho giá chứng khoán biến động mạnh theo xu hướng giảm, làm nản lòng nhà đầu tư trên thị trường do tính thanh khoản của thị trường bị ảnh hưởng. Vì vậy rất cần một sự nhận thức đúng và đầy đủ về mối quan hệ giữa hai chính sách, nhằm tăng cường sự kết nối và giảm sung đột giữa chúng để cùng đạt được mục tiêu đặt ra.
Thứ ba, tạo hàng hoá có chất lượng tốt cho thị trường.
Tiếp tục thực hiện cổ phần hoá để tạo hàng hoá có chất lượng cao cho TTCK. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược (trong và ngoài nước) mua cổ phiếu của các doanh nghiệp Việt Nam theo phương thức thoả thuận, hoặc đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược với nhau, để cải thiện nhanh hơn về năng lực tài chính, chất lượng quản trị doanh nghiệp. Thực tế tại một số NHTM cổ phần đã có yếu tố nước ngoài cho thấy, khi có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ 20%, các NHTM Việt nam đã nhanh chóng xoá đi những yếu kém về năng lực tài chính, trình độ công nghệ, cùng chia sẻ vì lợi ích của cả hai bên. Vì vậy, để cải thiện một bước về năng lực tài chính của các NHTM cũng như các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, để tăng tính hấp dẫn về cổ phiếu của các loại hình doanh nghiệp này, trong đó có cổ phiếu của các NHTM, Chính phủ có thể đưa mức sở hữu của các tổ chức nước ngoài đối với các NHTM tối đa lên 30%.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra giám sát hoạt động của của các tổ chức tham gia thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm về công bố thông tin, về tin đồn gây bất lợi cho hệ thống thị trường tài chính, về rò rỉ thông tin.
Sự rò rỉ thông tin bất luận từ khâu nào đều được coi là tệ hại và nguyên nhân cơ bản để tin đồn có “đất” lộng hành chính từ sự rò rỉ thông tin. Vậy, có khắc phục được tình trạng này không? Đây là việc làm không đơn giản, nhưng không phải không hạn chế được vấn nạn này. Một là: Rà soát lại thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc công bố thông tin và áp dụng thống nhất cho việc công bố thông tin trên thị trường; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm khắc việc công bố thông tin chậm, công bố thông tin không chính xác, để rò rỉ thông tin bất luận là tổ chức hay cá nhân. Hai là: xử lý nghiêm khắc các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng phương tiện truyền thông (báo, chí, trang tin…) đưa thông tin sai lệch, hoặc làm méo mó tin, hoặc thông tin bất lợi cho thị trường mà không rõ nguồn gốc. Ba là: tiếp tục yêu cầu các công ty đại chúng đăng ký trên thị trường UpCoM bằng các quy định và chế tài cụ thể (đối với các công ty chưa thực hiện đăng ký khi có đủ điều kiện). Bốn là: Về phía cơ quan quản lý nhà nước cần có thông điệp rõ ràng, minh bạch về việc điều hành các chính sách
kinh tế – tài chính cũng như các thông tin vĩ mô để mọi người dân biết, hiểu đúng và chấp hành nghiêm túc. Năm là: Thu hẹp hoạt động của thị trường tự do bằng cách yêu cầu các công ty đại chúng giao dịch trên thị trường tự do phải tuân thủ các yêu cầu về kiểm toán, công bố thông tin, quản trị công ty như các doanh nghiệp đã niêm yết. Điều này vừa giúp giảm thiểu rủi ro trong thanh toán, vừa làm cho các giao dịch này được công khai, dễ kiểm soát, từng bước thu hút vào thị trường có tổ chức. Mặt khác cũng cần cải tiến và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền để người dân tiếp cận được thông tin kịp thời về cơ chế chính sách của Nhà nước nói chung và TTCK nói riêng.