Hệ thống pháp luật luôn là một nhân tố tác động đến tất cả các hoạt động trong nền kinh tế. Một hệ thống luật pháp mà cụ thể hơn là các nghị định của chính phủ, các quyết định của Ngân hàng Nhà nước chặt chẽ, phù hợp, có khuyến khích thì sẽ đảm bảo cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển.
Thanh toán không dùng tiền mặt là một phương thức thanh toán tiến tiến xuất hiện sau, do vậy sẽ có nhiều quy định trước đó về thanh toán bằng tiền mặt mâu thuẫn với hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, do vậy cần phải có những điều chỉnh bổ sung hợp lý tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Một hệ thống pháp luật không phù hợp sẽ gây tâm lý không tin tưởng của công chúng trong sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, họ cần được giải quyết các vấn đề khi có lỗi của hệ thống công nghệ thanh toán, hay khi bị đánh cắp mã số bí mật.
Công nghệ là một yếu tố rất quan trong trong thanh toán không dùng tiền mặt bởi thanh toán không dùng tiền mặt được dựa trên sự phát triển của công nghệ thanh toán.
Công nghệ hiện đại giúp thực hiện qua trình thanh toán nhanh hơn, các dữ liệu trong ngân hàng được bảo mật hơn, còn giúp cho các ngân hàng có thể tạo ra được nhiều dịch vụ mới tiện ích hơn cho khách hàng.
Công nghệ tiên tiến được áp dụng trong thanh toán không dùng tiền mặt giúp người dân tiếp cận được với công nghệ mới, nâng cao tầm hiểu biết của công chúng trong điều kiện hội nhập quốc tế. Nhưng công nghệ quá hiện đại cũng lại là một “con dao hai lưỡi”, khi công nghệ hiện đại quá mức so với trình độ phát triển kinh tế, so với mặt bằng trình độ tri thức của người dân nói chung thì sẽ gây ra hậu quả là các nhân viên ngân hàng, các khách hàng của ngân hàng tỏ ra lúng túng khi tiếp cận với hệ thống máy móc đó, điều này không khuyến khích người dân sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Như vậy mỗi quốc gia nên tuỳ thuộc vào trình độ phát triển của mình mà cần áp dụng các công nghệ thanh toán phù hợp.