0
Tải bản đầy đủ (.doc) (83 trang)

Một số giải pháp cần áp dụng

Một phần của tài liệu KHÓA LUẬN ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH VÀ HIỆU QUẢ KINH TẾ SỬ DỤNG ĐẤT CỦA MỘT SỐ MÔ HÌNH NÔNG LÂM KẾT HỢP Ở HUYỆN NAM ĐÔNG, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ (Trang 75 -81 )

II/ Cây lâu năm

được thì bà con cũng gặp phải các rủi ro nên gây ra tâm lý chán nản không muốn tiếp tục ứng dụng nữa.

3.2.2. Một số giải pháp cần áp dụng

* Giải pháp về vốn

Khuyến khích người dân mạnh dạn vay vốn sản xuất để khai thác hết tiềm năng của đất. Để làm được điều này cần có các chính sách ưu đãi, vay vốn với lãi suất thấp, kéo dài thời hạn vay, gọn nhẹ các thủ tục vay vốn, ngoài ra có thể hỗ trợ cho người nghèo có vốn sản xuất dưới các hình thức hiện vật như hỗ trợ cây giống, con giống, phân bón…

Tuy nhiên, cũng cần phải đảm bảo khả năng thu hồi vốn. Muốn vậy, cần: Quản lý chặt chẽ việc sử dụng đồng vốn, tránh tình trạng vay vốn sản xuất nhưng không sản xuất mà để mua sắm. Bên cạnh đó, cần phối hợp với chính quyền địa phương và cán bộ khuyến nông để nâng cao kỹ thuật sản xuất cho người dân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Ngoài ra, huyện Nam Đông là huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn vì thế việc kêu gọi nguồn vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước là điều cần thiết.

* Giải pháp về kỹ thuật

Giải pháp về kỹ thuật sản xuất cho nông hộ: Với địa bàn miền núi, có tập quán canh tác lạc hậu,chủ yếu là dựa vào tự nhiên đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi

đây từ lâu đời nên việc thay đổi là không dễ dàng, đòi hỏi sự phối hợp giữa các tổ chức, chính quyền các xã và cán bộ khuyến nông huyện. Vì thế, điều cần làm là:

Tăng cường tập huấn kỹ thuật sản xuất để nâng cao trình độ cho người dân. Việc tập huấn phải gắn với tình hình thưc tế của từng xã, phải xuất phát từ yêu cầu thực tế, cán bộ khuyến nông cần đi khảo sát thực tế, tìm hiểu phân tích tâm lý và phương thức canh tác của nông hộ tránh tình trạng lý thuyết thì người dân sẽ không tiếp thu được.

Ngoài ra, cán bộ khuyến nông cần bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bởi vì nơi đây là địa bàn mền núi có đa số là đồng bào dân tộc Ka Tu nên cán bộ nói gì thì họ làm nấy chứ không linh hoạt như người dân ở đồng bằng.

* Giải pháp về giống và phân bón

Giống là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cây trồng đặc biệt là các loại cây dài ngày như keo và cao su. Tuy nhiên, trên địa bàn nghiên cứu xảy ra một vấn đề đó là có một số hộ nông dân vay vốn của dự án nhưng không mua giống của dự án mà mua giống bên ngoài với giá rẻ nhưng chất lượng rất kém. Vì thế, cần hỗ trợ đưa các loại giống cho năng suất cao vào sản xuất, nếu thuận lợi thì đưa vào ứng dụng đại trà.

Do đời sống kinh tế nơi đây còn thấp, nên nông dân không có tiền mặt ngay để mua giống kịp thời cho sản xuất. Do đó, giữa nhà nông và nhà cung cấp giống cần thoả thuận với nhau để giãn thời gian trả lệ phí sau khi mua, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con có giống sản xuất kịp thời vụ. Giống và phân bón là hai loại vật tư quan trọng quyết định đến năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi. Vì vậy, cần chú trọng đầu tư vào dịch vụ cung ứng giống và phân bón để bà con yên tâm sản xuất.

* Giải pháp về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn

Cơ sở vật chất phục vụ sản xuất nơi đây còn thấp kém, đường sá đi lại khó khăn. Đặc biệt là các rẫy sâu trong núi, nếu giá cả sản phẩm thấp thì người dân bỏ không thu hoạch vì bán sản phẩm không đủ để trang trải chi phí.

Vì thế, để nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng đất, để tăng thêm thu nhập cho người dân, thúc đẩy hoạt động sản xuất phát triển thì không còn cách nào khác là chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.

* Giải pháp về đất đai

Khuyến khích tích tụ đất đai để phát triển các mô hình kinh tế trang trại, mô hình nông lâm kết hợp. Để làm được đó, các cấp chính quyền sớm tiến hành đo đạc cấp giấy CNQSDĐ cho người dân, tránh tình trạng tranh chấp đất đai và một số hộ người Kinh lợi dụng hoàn cảnh để mua đất của các hộ dân tộc.

* Giải pháp về thị trường

Do trình độ dân trí thấp, thông tin về thị trường còn hạn chế, điều kiện đi lại khó khăn nên hoạt động mua bán, trao đổi nơi đây không được nhộn nhịp, công bằng và minh bạch như vùng đồng bằng. Qua quá trình điều tra thực tế cho thấy, đa số người nông dân còn sản xuất theo phong trào, cho cây gì trồng cây đó, không có tính định hướng lâu dài và sản phẩm làm ra luôn bị các con buôn ép giá, đặc biệt là người đồng bào dân tộc.

Như vậy, các cấp chính quyền cần phải có trách nhiệm đứng ra ngăn chặn tình trạng trên để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Bằng cách chính quyền xã tổ chức nhiều điểm thu gom, làm cầu nối giữa người dân với nhà máy. Tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Phổ biến, cập nhật thường xuyên thông tin giá cả các loại sản phẩm trên đài truyền thanh để người dân nắm bắt kịp thời, chính xác tránh tình trạng bị ép giá.

* Giải pháp về bảo quản và chế biến nông sản

Thu hoạch, bảo quản và chế biến sẩn phẩm cũng là một trong những khâu nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Hiện nay mới chỉ có sản phẩm mủ cao su được sơ chế còn lại các loại nông sản đều thu hoạch và tiêu thụ trực tiếp.

Trong thời gian tới, nên đẩy mạnh hoạt động sơ chế và chế biến sản phẩm, nhằm bảo quản được sản phẩm không bị hư hỏng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tránh tình trạng giá cả sút giảm khi đến mùa thu hoạch rộ như cau, sắn, chuối…

3.2.2.5 Một số giải pháp cho từng loại đất

* Đối với đất ruộng:

- Giống là một trong những nhân tố quyết định tới năng suất sản phẩm, vì vậy cần phải tiếp tục đưa vào thử nghiệm một số giống mới năng suất cao chống chịu sâu bệnh để làm cơ sở nhân giống cho các vụ sau.

- Công tác thâm canh: Phải đảm bảo 100% diện tích có bón lót phân chuồng, phân xanh hoai mục. Đối với những chân ruộng chua phèn cần bón vôi để xử lý trước lúc cấy. Khuyến khích nông dân sử dụng phân viên dúi sâu đạt 200 ha trở lên; vận động bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, sử dụng phân bón hợp lý, bón đúng liều lượng và đúng thời kỳ sinh trưởng phát triển.

Công tác phòng trừ sâu bệnh : Đối với cây lúa nước biện pháp phòng trừ sâu bệnh cần phải chú ý các biện pháp tổng hợp ngay từ đầu vụ như áp dụng đúng khung lịch thời vụ, chú trọng khâu làm đất, giống, thâm canh chăm sóc đúng quy trình làm cho cây lúa phát triển khỏe mạnh, chống chịu sâu bệnh. Ngoài ra phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nếu có sâu bệnh xuất hiện đến giai đoạn phòng trừ thì bà con nông dân phải tích cực phòng trừ kịp thời.

Biện pháp thủy lợi: Thủy lợi là nhân tố rất quan trọng ảnh hưởng tới năng suất lúa. Vì thế cần tổ chức tốt mạng lưới thủy nông để điều tiết nước hợp lý, nhất là giai đoạn vào cuối vụ Đông Xuân. Ảnh hưởng của cơn bão số 9 đã làm cho nhiều đoạn thủy lợi bị hư hỏng vì vậy cần tập trung tu sửa và vệ sinh các công trình thủy lợi này.

* Đối với đất vườn :

Qua điều tra thực tế cho thấy có nhiều thôn và hộ có nhiều mô hình kinh tế vườn mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, vì thế đây cũng là các mô hình mẫu để các hộ khác học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn huyện.

Cần tiếp tục tuyên truyền vận động cho cán bộ và nhân dân về hiệu quả của kinh tế vườn đối với đời sống hàng ngày và ổn định lâu dài của hộ gia đình nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm trong cộng đồng.

Cán bộ khuyến nông phải tăng cường bám sát cơ sở vận động bà con rào vườn, làm cỏ, bón phân cho các loại cây trồng. Tập trung trồng mới để phát triển thêm diện tích cây chuối. Chủ yếu trồng các loại giống chuối phù hợp và giá trị kinh tế cao như chuối thanh tiên, chối lùn và chuối cau. Phát động chiến dịch lập vườn trồng chuối bình quân một hộ trồng từ 20-30 gốc chuối, vì đối với bà con chúng ta không quan tâm vận động nhắc nhở thường xuyên là bà con không chịu làm.

Phát huy vai trò lãnh đạo các cấp Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể cấp xã, thôn để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế vườn.

Tăng cường công tác bảo vệ thực vật về tận xã, thôn, hộ gia đình để hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ sinh học trong thâm canh. Phát triển kinh tế vườn cần phải gắn với chăn nuôi để có sự hỗ trợ lẫn nhau. Kết hợp trồng cây ngắn ngày và cây dài ngày để lấy ngắn nuôi dài, tạo thu nhập thường xuyên.

Qua thực tế việc phát triển kinh tế vườn nhiều năm có một số vùng, một số hộ gia đình không có hiệu quả. Vì thế, cán bộ vận động phối hợp với các xã khảo sát cụ thể từng vùng đất, từng hộ gia đình nếu khả năng lập vườn không có hiệu quả, ví dụ như vùng thôn 1 Tà Rinh, thôn 5 và thôn 6 xã Thượng Nhật; vùng Thanh Niên xã Thượng Quảng; thì khuyến khích bà con trồng keo hoặc cây cao su vì hai loại cây này dễ trồng và có thị trường tiêu thụ.

* Đối với đất đồi trồng cao su:

Hoàn chỉnh thủ tục cấp giấy CNQSD đất cho các đối tượng trồng mới cao su năm 2009 và năm 2010 để tạo điều kiện giải ngân vốn vay kịp thời cho nhân dân.

Tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc phòng trừ sâu bệnh cây cao su mới trồng cho nông dân, đồng thời chú trọng tập huấn kỹ thuật cho các hộ có diện tích cao su mới bắt đầu đưa vào khai thác năm 2009.

Quá trình điều tra tôi nhận thấy rằng có một thực tế là đa số bà con ở đây, đặc biệt là xã Thượng Nhật có đa số là đồng bào Ka Tu, có đăng ký tham gia trồng cao su cho có diện tích, nhưng không chăm sóc bón phân và bảo vệ gia súc, phân vay nhà nước về đem bán với giá rẻ để giải quyết vấn đề trước mắt, nên vườn cây cao su phát triển kém, mặt khác những vườn cây cao su cạo mủ không đúng quy trình kỹ thuật, không làm cỏ, không bón phân nên vườn cây cao su kinh doanh bệnh nhiều và cho mủ ít.

Để các vườn cây cao su có hiệu quả lâu dài, góp phần giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo cho bà con huyện nhà bền vững. Trước hết trách nhiệm cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương phải quán triệt cho nhân dân về chủ trương việc chăm sóc cây cao su và phải có các chương trình hoặc các lớp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân và cạo mũ cao su theo định kỳ mùa vụ để bà con làm theo.

Trạm cán bộ khuyến nông cần có có kế hoạch, thời gian cấp phân cụ thể từng xã, từng thôn, để phối hợp với cán bộ vận động và lãnh đạo cấp xã phân công, chỉ đạo chiến dịch ra quân đồng loạt để hướng dẫn bà con chăm sóc và bón phân mới có hiệu quả.

* Đối với đất lâm nghiệp trồng rừng kinh tế

Triển khai tốt các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Kiểm tra đánh giá hiệu quả tình hình quản lý rừng, phát triển rừng của các nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân đã được giao rừng và đất lâm nghiệp để kịp thời chỉ đạo phát huy tác dụng. Những vùng sâu, vùng xa phát triển trồng cây lấy gỗ có giá trị nhằm phục hồi rừng tự nhiên, ổn định môi trường sinh thái.

* Đối với chăn nuôi - thú y :

Theo truyền thống chăn nuôi ở đây là nuôi theo kiểu thả rông nên hiệu quả không cao và dễ bị nhiễm bệnh nên đối với những hộ chăn nuôi trâu, bò chăn thả ở phía sau núi, nên đưa về nhốt và chăn tại chuồng hộ gia đình. Nếu thời tiết có rét đậm thì bà con cần đốt lửa sởi ấm cho trâu, bò và cho uống thêm nước ấm có pha muối để tăng cường sức đề kháng.

Cần thực hiện tốt việc tiêm phòng vaccine cho gia súc, gia cầm, phấn đấu 100% trong diện tiêm.

Tăng cường đội ngũ dẫn tinh viên để phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đối với những vùng thuận lợi. Tuyển chọn bò đực có chất lượng giữ lại phục vụ nhảy trực tiếp. Có phương pháp quản lý bò đực để người quản lý có lợi để chăm sóc bò tốt và sẵn sàng phục vụ cho cộng đồng.

Đối với đàn lợn: Chỉ đạo đàn lợn thịt theo hướng nạc hóa và củng cố đàn nái thuần hiện có, phấn đấu đến cuối năm đạt 950 con. Tổ chức tốt mạng lưới thụ tinh nhân tạo để phục vụ kịp thời cho nhân dân trong vùng. Chỉ đạo nhân dân thực hiện tốt việc phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng và bệnh tai xanh ở lợn.

Về chăn nuôi gia cầm : Tiếp tục vận động nông dân chăn nuôi gà thả vườn bán thâm canh và phát triển mạnh đàn ngan, vịt xiêm, đồng thời vận động bà con thực hiện nghiêm túc chiến dịch phòng dịch cúm gia cầm.

Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, phát hiện kịp thời để xử lý nhanh gọn không để dịch bệnh phát tán lây lan. Ngoài ra các công tác khác

như kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, quản lý thú y cũng phải tiến hành đồng bộ để tránh dịch bệnh xảy ra trên địa bàn huyện.

Đối với nuôi cá nước ngọt: Hướng dẫn nông dân xử lý ao hồ, tập huấn kỹ thuật nuôi cá và phối hợp với Sở thuỷ sản để có biện pháp phòng trừ bệnh cá có kết quả để không để xảy ra dịch cá gây thiệt hại cho nông dân.

Như đã phân tích sản xuất nông nghiệp không thể tránh khỏi những rủi ro. Những rủi ro có thể gặp phải đó là thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, mùa hè nóng mùa đông lạnh, bão lũ, dịch bệnh....Ví dụ như năm 2009 do ảnh hưởng của cơn bão số 9 đã làm ảnh hưởng đến hầu hết cây trồng và vật nuôi, các dịch bệnh hại lúa đặc biệt là dịch lép hạt ảnh hưởng trên 80 ha lúa nước, trong đó vụ Đông Xuân chịu tác động lớn hơn với trên 50 ha. Một vấn đề nữa đáng quan tâm đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp là giá cả đầu vào đang có xu hướng ngày càng tăng, trong khi đó giá cả đầu ra thì bấp bênh, không ổn định, “được mùa mất giá” trong khi bà con nơi đây chủ yếu trồng theo phong trào, không có tính định hướng, điển hình như việc trồng cau, lúc đầu thị trường Trung Quốc đang tiêu thụ được thì giá 7-8 nghìn đồng/kg và người dân đổ xô vào trồng cau, nhưng bây giờ khi cây cau vào tuổi thu hoạch đại trà thì giá bình quân chỉ còn 1,8-2 nghìn đồng/kg và có rất ít con buôn đi thu mua, nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc đã chững lại. Vì thế người dân lại chặt bỏ cây cau để trồng chuối. Vì thế, một giải pháp cực kỳ quan trọng cần được áp dụng là bà con cần đa dạng hoá các cây trồng và vật nuôi để tránh rủi ro. Việc phát triển các mô hình nông lâm kết hợp hợp lý trên cơ sở lựa chọn đúng cây trồng và vật nuôi sẽ góp phần đáp ứng được điều này.

Một phần của tài liệu KHÓA LUẬN ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH VÀ HIỆU QUẢ KINH TẾ SỬ DỤNG ĐẤT CỦA MỘT SỐ MÔ HÌNH NÔNG LÂM KẾT HỢP Ở HUYỆN NAM ĐÔNG, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ (Trang 75 -81 )

×