Gây ra tình trạng chảy máu vốn nghiêm trọng

Một phần của tài liệu luận văn điều kiện và lộ trình để đồng tiền việt nam trở thành đồng tiền chuyển đổi (Trang 32 - 33)

Trước hết, chảy máu vốn là hiện tượng các tích luỹ trong nước được chuyển ra nước ngoài đầu tư. Tuỳ theo trình độ phát triển của mỗi quốc gia mà tình trạng này được coi là tích cực hay tiêu cực. Nếu như đối với một số nước dư thừa tư bản, đây được coi là một biểu hiện tốt thì đối với những nước đang phát triển với nguồn tích luỹ nhỏ bé và nhu cầu đầu tư tăng lên nhanh chóng, lại bị coi là một bất lợi lớn.

Một nghịch lý đang tồn tại phổ biến là những nơi cần vốn nhất lại là nơi mà môi trường đầu tư ít tin cậy nhất do tỷ suất lợi nhuận thấp, rủi ro cao và vì vậy khó thu hút đầu tư. Bất cứ một nhà đầu tư nào cũng muốn tìm cho mình một nơi đầu tư an toàn, hiệu quả nhất. Việc thiết lập cơ chế đồng tiền chuyển đổi giúp họ tìm kiếm cơ hội sinh lời trên toàn thế giới. Khi đó, bản thân công dân nước đó thường có mong muốn đầu tư ở các nền kinh tế phát triển cao thay vì đầu tư vào các ngành sản xuất trong nước. Như vậy, việc thiết lập cơ chế đồng tiền chuyển đổi trong điều kiện nền kinh tế kém phát triển, môi trường kinh tế kém ổn định, thiếu hấp dẫn chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng dòng vốn trong nước chảy ào ạt ra nước ngoài dưới hình thức mua và nắm giữ các chứng khoán ghi bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi làm cho nguồn tích luỹ vốn nhỏ bé và vô cùng thiết yếu đối với quá trình công nghiệp hoá, phát triển kinh tế trong nước càng trở nên cạn kiệt.

Không chỉ đối với các nước đang phát triển mà ngay cả một nền kinh tế có trình độ phát triển cao, việc thực hiện chuyển đổi tiền tệ, đặc biệt là chuyển đổi tài khoản vốn, vẫn chứa đựng những nguy cơ chảy máu vốn nếu như nền kinh tế gặp phải những biến cố nghiêm trọng mà điển hình là trường hợp của Liên Xô nửa cuối những năm 80, Thái Lan và Indonesia năm 1997 hay Malaysia năm 1998.

Một phần của tài liệu luận văn điều kiện và lộ trình để đồng tiền việt nam trở thành đồng tiền chuyển đổi (Trang 32 - 33)