Tạo điều kiện cho thị trường ngoại hối trong nước hoạt động hiểu quả

Một phần của tài liệu luận văn điều kiện và lộ trình để đồng tiền việt nam trở thành đồng tiền chuyển đổi (Trang 28 - 30)

Một cách tổng quát, thị trường ngoại hối là bất cứ đâu diễn ra hoạt động mua bán, giao dịch ngoại hối. Trong xu thế phát triển nền kinh tế mở hiện nay, hoạt động ngoại hối có tầm quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế trong nước. Vì vậy, hầu hết các quốc gia đều rất quan tâm và nỗ lực để thị trường ngoại hối trong nước hoạt động có hiệu quả mà trước tiên là phải tạo ra một thị trường ngoại hối thống nhất và tập trung.

Điều mà các nhà hoạch định chính sách lo ngại nhất chính là tồn tại thị trường chợ đen bên cạnh thị trường chính thức. Tuy nhiên, đây lại là tất yếu khách quan không thể tránh được khi mà các kiểm soát ngoại hối chặt chẽ, nhất là các giấy phép, hạn ngạch cùng các thủ tục rườm rà vẫn được duy trì, giá cả trên thị trường chợ đen thường cao hơn thị trường chính thức nhưng người ta vẫn tìm đến nó để tránh sự quản lý ngặt nghèo của cơ quan quản lý ngoại hối, nhất là khi mục đích sử dụng ngoại tệ không nằm trong giới hạn cho phép. Sự phân đoạn thị trường như vậy sẽ gây khó khăn và tốn kém cho chính phủ trong việc kiểm soát thị trường ngoại hối, điển hình như cuộc chiến chống lại nạn đầu cơ mua rẻ trên thị trường chính thức, bán đắt trên thị trường chợ đen hay nạn tham nhũng, cửa quyền của bộ máy hành chính thực hiện việc cấp hạn ngạch, giấy phép mua bán ngoại tệ,...

Câu hỏi đặt ra ở đây là làm thế nào để tránh được tình trạng này. Trước tiên, cần khẳng định rằng, thị trường chợ đen tồn tại là do người ta có nhu cầu tham gia vào thị trường này, muốn thu hẹp, tiến tới xoá bỏ nó thì phải triệt tiêu được nhu cầu đó. Rõ ràng giá cả trên thị trường chợ đen là cao hơn cho nên nếu điều kiện để tham gia vào thị trường chính thức và thị trường chợ đen là như nhau thì đương nhiên dân chúng sẽ lựa chọn thị trường chính thức nhằm tối đa hoá lợi ích của mình. Vì vậy, nếu chính phủ thiết lập khả năng chuyển đổi cho đồng bản tệ, đặc biệt là chuyển đổi đối nội, tạo điều kiện cho mọi chủ thể trong nền kinh tế có thể dễ dàng tham gia vào thị trường chính thức thì thị trường chợ đen sẽ không còn vai trò trong hoạt động ngoại hối. Hơn nữa thiết lập chuyển đổi đối nội còn tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng có thể thu hút tối đa nguồn ngoại tệ trôi nổi trong dân cư đưa vào quỹ dự trữ chính thức của Nhà nước sử dụng cho các mục tiêu vì lợi ích chung.

Có thể thấy rằng việc thống nhất được thị trường ngoại hối trong nước và kiểm soát tối đa toàn bộ dự trữ ngoại hối quốc gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan

quản lý ngoại hối và các nhà hoạch định chính sách trong việc dự báo, kiểm soát tình hình biến động của môi trường kinh tế vĩ mô, từ đó có thể đưa ra những chính sách hợp lý thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường nói chung và thị trường ngoại hối nói riêng.

Qua những phân tích trên có thể thấy việc thiết lập cơ chế đồng tiền chuyển đổi sẽ tạo ra những động lực thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của nền kinh tế thị trường trong xu thế toàn cầu hoá. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ một hiện tượng kinh tế - xã hội nào khác, chuyển đổi tiền tệ là con dao hai lưỡi đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Ngoài những tác động tích cực rất đáng kể nói trên, đồng tiền chuyển đổi cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực không nhỏ.

Một phần của tài liệu luận văn điều kiện và lộ trình để đồng tiền việt nam trở thành đồng tiền chuyển đổi (Trang 28 - 30)