Kinh nghiệm chống tham nhũng của Trung Quốc

Một phần của tài liệu Tieu luan ve phong chong tham nhung (Trang 30 - 32)

I. Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của một số nước

4. Kinh nghiệm chống tham nhũng của Trung Quốc

Trung Quốc từ khi thực hiện cải cách đến nay, tham nhũng luôn là vấn đề nhức nhối và ngày càng hoành hành. Tham nhũng trở thành: “thách thức chính trị lớn nhất và ô nhiễm xã hội lớn nhất mà Trung Quốc đang gặp phải”. Năm 1989 đến năm 2000, có 17 người bị xử lý tử hình về tội tham nhũng. Trong 5 năm (1997-2002) cơ quan kiểm tra kỷ luât toàn quốc của Trung Quốc đã xử lý hơn 860 ngàn vụ, xử lý kỷ luật Đảng hơn 840 ngàn người. Trong đó khai trừ ra khỏi Đảng 130 ngàn người, xử lý hình sự hơn 37 ngàn người. Có 28.946 cán bộ cấp phòng huyện, 2.422 cán bộ cấp cục tỉnh, 98 cán bộ cấp tỉnh bộ bị xử lý với các mức án từ khiển trách, cảnh cáo cho đến tử hình kèm theo đó là phải bồi hoàn, tịch thu và phạt nặng gấp nhiều lần số tài sản có được từ tham nhũng.

Đáng chú ý, ngày 7/3/2006 Tòa án thành phố Bắc Kinh xử phạt 20 năm tù đối với ông Lệ Kiến Trung, 69 tuổi, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kỹ thuật phóng tên lửa, kiêm Giám đốc điều hành công ty TNHH kỹ thuật tên lửa Trường Chính – người được coi là cha đẻ của tàu vũ trụ Thần Châu, ông là người có công lớn trong ngành vũ trụ của Trung Quốc nhưng do tham ô 3,5 triệu nhân dân tệ, nhận hối lộ 500.000 nhân dân tệ và 20.000 USD.

Riêng năm 2008, Trung Quốc đã thụ lý điều tra 10.315 vụ hối lộ thương mại liên quan đến cán bộ nhà nước với số tiền đến 2,1 tỷ nhân dân tệ, điều tra 17.594 vụ án tham ô, hối lộ, 3.211 vụ mua bán chức vụ nghiêm trọng.

Qua đó cho thấy ở Trung Quốc số tiền trong các vụ án tham nhũng ngày càng lớn, hiện tượng 59 (hiện tượng xế chiều) diễn ra phổ biến, khuynh hướng trẻ hóa quan tham, cả vợ chồng đều tham nhũng, có khuynh hướng tập thể phạm tội, xuất hiện nhiều quan tham là nữ giới, tệ mua quan bán tước diễn ra ở nhiều nơi, tham nhũng trong xây dựng cơ bản là tệ nạn ghê ghớm nhất, cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật cũng tồn tại nghiêm trọng hiện tượng tham nhũng và sự tham nhũng phát triển xuống cán bộ cơ sở.

Vì vậy, chống tham nhũng là vấn đề được quan tâm nhất, là công việc bức thiết nhất mà chính phủ Trung Quốc phải xem xét giải quyết trong quá trình cải cách đất nước. Nhận thức được mối nguy hại của tham nhũng các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ Trung ương Đảng Cộng sản cho đến Chính phủ đều tỏ thái độ cứng rắn và kiên quyết trong đấu tranh với tham nhũng. Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong bài phát biểu tại hội nghị toàn thể Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương nêu rõ: “công tác chống tham nhũng cần phải trị cả gốc lẫn ngọn, xử lý tổng hợp, ngăn ngừa và giải quyết vấn đề tham nhũng từ ngọn nguồn”; “xử lý tham nhũng từ ngọn nguồn, mấu chốt là cần tăng cường giám sát và kiểm soát đối với quyền lực, cần bắt tay ngay vào từ chế độ, trừ bỏ tận gốc, thì mới có thể thật sự ngăn chặn được tham nhũng”.

Mặc dù Trung Quốc chưa ban hành Luật phòng, chống tham nhũng, nhưng Trung Quốc rất quan tâm xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế xử lý và phòng ngừa tham nhũng, đặc biệt là thực hiện nguyên tắc không có hành vi, vi phạm nào không bị phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, Chương trình hành động xây dựng, kiện toàn cơ chế xử lý và phòng ngừa tham nhũng giai đoạn 2008 – 2012 của Trung Quốc đã đưa ra 7 giải pháp chủ yếu như:

+ Thúc đẩy giáo dục phòng, chống tham nhũng, xây dựng liêm chính; + Hoàn thiện thể chế chống tham nhũng;

+ Tăng cường giám sát;

+ Đi sâu cải cách cơ chế, chế độ;

+ Uốn nắn tác phong xấu ảnh hưởng tới lợi ích quần chúng; + Duy trì mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng;

+ Thành thục, nắm vững, quán triệt thực hiện chương trình hành động. Năm 2007, Trung Quốc thành lập Cục Phòng ngừa tham nhũng quốc gia, được đặt tại Bộ Giám sát, có Cục trưởng, 2 Cục phó, 4 phòng nghiệp vụ với trên 30 cán bộ và đang thí điểm thành lập cơ quan phòng ngừa tham nhũng chuyên trách ở một số địa bàn cấp tỉnh.

Qua nghiên cứu cách thức xử lý hiện tượng tham nhũng ở Trung Quốc, chúng ta thấy có năm điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, Sự thống nhất về quan điểm và cách làm, giải quyết tận gốc căn cơ, nguồn gốc của tham nhũng của đội ngũ lãnh đạo. Đó là vấn đề Đảng lớn hơn pháp luật, nhân trị lớn hơn pháp trị. Chống tham nhũng chỉ là trị ngọn, phải bắt tay từ gốc. Vì vậy, Chống tham nhũng ở Trung Quốc được tiến hành cùng với việc tiến hành cải cách thể chế chính trị, thực hiện pháp chế háo, dân chủ hóa thiết lập và vận hành hữu hiệu cơ chế giám sát dư luận và giám sát xã hội. Trong đó, cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật phải đi trước. Thiết lập được một trật tự chính trị, thiết chế quyền lực kiểm soát tham nhũng.

Thứ hai, Trung Quốc thực hiện triệt để việc xử lý tham nhũng theo phương châm: làm cho những kẻ tham nhũng thân bại danh liệt về chính trị và khuynh gia bại sản về kinh tế. Đối phó với kẻ tham nhũng, các cơ quan chức năng của Trung Quốc không chỉ tịch thu, buộc bồi hoàn mà còn phạt nặng gấp rất nhiều lần tài sản có được từ tham nhũng. Bên cạnh đó, mọi vinh dự, chức quyền đều bị tước bỏ. Kẻ tham nhũng còn bị công luận kịch liệt lên án phản đối. Các chế tài áp dụng đối với người có hành vi tham nhũng khiến cho hành vi tham nhũng “rủi ro cao, hiệu quả thấp”. Thông qua việc xử lý nghiêm khắc và công minh, áp dụng cái giá phải trả cho việc phạm tội tham nhũng lớn hơn nhiều so với lợi ích có được từ tham nhũng khiến cho những phần tử tham nhũng khi so sánh lợi hại giữa rủi ro tham nhũng và lợi ích tham nhũng không thể có được một kết quả rủi ro tham nhũng nhỏ hơn so với lợi ích tham nhũng.

Thứ ba, Trung Quốc tăng cường minh bạch trong sử dụng công quyền, phát huy hiệu quả cơ chế giám sát của dư luận xã hội và giám sát của công chúng. Trung Quốc đã xây dựng được cơ chế để các cơ quan báo chí và người làm công tác báo chí có quyền độc lập tự chủ trong việc lấy tin, viết bài được pháp luật bảo hộ khi bị ngăn cản, can thiệp, đả kích. Các cơ quan ngôn luận được độc lập tương đối. Mặt khác, Trung Quốc cũng gây dựng và phát huy vai trò giám sát của công dân đối với chính quyền. Dư luận của công dân tạo nên sức ép của cả một cộng đồng, một khu vực để nói lên quan điểm, sự đánh giá của họ đối với cơ quan công quyền thông qua báo chí và các nguồn gián tiếp khác. Điều này đã phát huy được tác dụng của nhóm quyền lực thứ tư trong xã hội – quyền lực của báo chí và công luận. Chính vì vậy, theo thống kê có tới 80% vụ án tham nhũng khám phá được là do nhân dân, báo chí tố giác và hơn 90% là do nhân dân, báo chí cung cấp đầu mối.

Thứ tư, Xây dựng và thực thi pháp luật nghiêm minh. Dùng hệ thống pháp luật chặt chẽ để ngăn cấm bất kỳ hành vi kinh tế nào thiếu sự giám sát và rằng buộc từ bên ngoài, ngăn ngừa tham nhũng nảy sinh trong môi trường tuyệt đối hóa quyền lực. Dùng pháp luật để ngăn chặn tham nhũng. Tham nhũng luôn gắn liền với quyền lực. Quyền lực tuyệt đối dễ dẫn đến tham nhũng. Do đó, pháp luật không chỉ là để quản lý xã hội mà là “quản lý quan”, “quản lý công việc của quan” và giám sát quyền lực. Do đó, Trung Quốc thực hiện quan điểm: “có luật cần phải theo, chấp hành phải nghiêm, vi phạm pháp luật phải truy cứu và mọi người bình đẳng trước pháp luật”. Theo đúng như tinh thần của thuyết pháp trị “Trừng trị cái sai không tránh của kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót của kẻ thất phu”.

Thứ năm, xây dựng cơ chế: “dùng tốt người, quản tốt tiền, chọn tốt người”. Vì vậy, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã tạo nên sự thống nhất giữa quyền lực, trách nhiệm và lợi ích của người có quyền và nghĩa vụ trong thi hành công vụ. Những quan điểm chỉ đạo đó đã tác động tích cực làm thay đổi từ nhận thức đến hành động của không chỉ những đối tượng thực thi công vụ mà còn huy động được sự tham gia của công luận vào cuộc chiến chống tham nhũng. Những kết quả đạt được đã giúp Trung Quốc kiềm chế đến mức thấp nhất tệ nạn tham nhũng. Gây dựng được niềm tin của dân chúng đối với bộ máy công quyền./.

Một phần của tài liệu Tieu luan ve phong chong tham nhung (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(51 trang)
w