I. Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của một số nước
3. Kinh nghiệm chống tham nhũng của Singapore
Nguyên thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu đã tổng kết rằng: “ để chống tham nhũng, phải làm sao cho các công chức, quan chức không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng và không dám tham nhũng”. Không
muốn nghĩa là trong thâm tâm không có sự đòi hỏi (về tâm lí, tình cảm…) làm
việc gì đó, nếu có làm chẳng qua là “bất đắc dĩ”; Không thể là về nguyên tắc, có thể làm yếu hay vô hiệu hóa khả năng tham nhũng thông qua hai công cụ chủ yếu: cơ chế quản lí và bộ máy quản lí (cơ cấu tổ chức); Và không dám là phải làm sao để từng người thực thi công vụ hiểu rõ cái giá phải trả (vô hình và hữu hình) sẽ nặng như thế nào nếu có hành vi không lành mạnh.
Ngay từ những năm 1952, Nhà nước Singapore đã thành lập cơ quan Điều tra tham nhũng, đây là cơ quan trực thuộc Thủ tướng Chính phủ, có quyền độc lập điều tra và ngăn chặn tham nhũng, cơ quan này có quyền bắt người trong 48 giờ, quyền thẩm vấn, kiểm kê tài sản, theo dõi tài khoản của những người bị tình nghi tham nhũng. Cơ quan này tập trung chủ yếu vào việc điều tra tham nhũng trong lĩnh vực công, qua đó làm trong sạch bộ máy nhà nước, đặc biệt chú ý đến các quan chức thi hành pháp luật, bởi những người này do điều kiện làm việc mà dễ dẫn đến phạm tội tham nhũng. Quan điểm chống tham nhũng của chính quyền Singapore là rất rõ ràng, không băng khoăn, do dự khi khởi tố một người nào đó trước pháp luật, cho dù người đó có địa vị xã hội hoặc ở vị trí công tác nào nếu dính đến tham nhũng. Có 6 điểm cần lưu ý là:
Thứ nhất, bộ máy lãnh đạo phải thực tâm chống tham nhũng và trừng phạt bất cứ ai có hành vi tai tiếng.
Thứ hai, phải có các biện pháp chống tham nhũng đầy đủ, không có lổ hổng và thường xuyên xem xét lại để sửa đổi khi cần thiết.
Thứ ba, cơ quan chống tham nhũng phải trong sạch, không nhất thiết phải có quá nhiều nhân viên và bất kỳ nhân viên nào tham nhũng cũng bị trừng phạt.
Thứ tư, cơ quan chống tham nhũng phải tách khỏi bộ máy cảnh sát. Thứ năm, để giảm cơ hội tham nhũng tại các ngành dễ xa ngã như hải quan, thuế vụ, cảnh sát giao thông … phải thường xuyên kiểm tra và thay đổi.
Thứ sáu, động cơ tham nhũng trong khối những nhân viên nhà nước và quan chức có thể giảm bớt nếu lương và phụ cấp có tính cạnh tranh với khu vực tư nhân. Dĩ nhiên mọi chiến lược đều trở thành công cốc nếu lãnh đạo chỉ nói suông và thiếu ý chí chính trị.
Chính từ sự kiên quyết đó cùng với nhiều giải pháp phòng ngừa hữu hiệu mà Singapore luôn được xếp hạng trong tốp 10 quốc gia có chỉ số minh bạch (ít tham nhũng) nhất thế giới.