TUỔI TRẺ VIỆT NAM TRONG SỰ NGHIỆP KHÔI PHỤC, CẢI TẠO, PHÁT TRIỂN KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI Ở MIỀN BẮC VÀ PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHỐNG MỸ Ở MIỀN NAM

Một phần của tài liệu Lịch sử Hlh thanh niên Việt nam (Trang 59 - 71)

VĂN HÓA, XÃ HỘI Ở MIỀN BẮC VÀ PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHỐNG MỸ Ở MIỀN NAM

(1955-1964)

Âm vang của chiến thắng Điện Biên Phủ mãi còn tươi mới trong tâm thức, lay động triệu triệu trái tim người dân đất Việt và mãi còn chấn động cả địa cầu. Dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, Bác kính yêu, cả dân tộc ta đã đi qua những tháng năm kháng chiến hào hùng, gian khổ và anh dũng. Trong cuộc kháng chiến ấy, Đoàn Thanh niên Cứu quốc và Liên đoàn Thanh niên Việt Nam đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, đoàn kết tập hợp đoàn viên, hội viên, thanh niên và đã làm nên những kỳ tích trên mọi mặt trận: Chiến đấu, phục vụ chiến đấu; lao động, sản xuất; học tập và hoạt động văn hóa, xã hội…

Giờ đây, tuổi trẻ cả nước cùng cả dân tộc đang đứng trước những thử thách mới và bước vào giai đoạn cách mạng mới: Miền Bắc trong thời kỳ quá độ tiến lên CNXH, miền Nam tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng Dân tộc Dân chủ Nhân dân. Dù bị chia cắt bởi Vĩ tuyến 17 với hai ngả bờ sông Bến Hải, dù hoàn cảnh và nhiệm vụ khác nhau nhưng tuổi trẻ cả hai miền đất nước vẫn cùng chung lý tưởng, cùng chung ý chí, cùng chung trận tuyến: Đấu tranh thống nhất nước nhà, đưa cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội. Và họ bắt đầu cùng cả dân tộc viết nên những trang sử hào hùng mới của giai đoạn 1955-1964.

CHƯƠNG VII

TÍCH CỰC THAM GIA HÀN GẮN VẾT THƯƠNG CHIẾN TRANH, KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI Ở MIỀN BẮC, ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ Ở MIỀN NAM. ĐẠI HỘI THÀNH LẬP HỘI LIÊN HIỆP THANH NIÊN VIỆT NAM LẦN THỨ I THÁNG 10/1956

Suốt một thời kỳ dài sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, các cuộc hội họp quốc tế, nhất là những Đại hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới được lần lượt tổ chức từ Thủ đô Mát-xcơ- va đến An-giê, La-ha-ba-na. Đi đến đâu, đoàn đại biểu của tuổi trẻ Việt Nam cũng được đón tiếp nồng nhiệt, xúc động với những tiếng hô vang dội: “Việt Nam! Hồ Chí Minh!”, “Điện Biên Phủ! Võ Nguyên Giáp!”…Tuổi trẻ khắp năm châu đều hướng về Việt Nam, coi Điện Biên Phủ là biểu tượng của ý chí quật khởi, của tinh thần đấu tranh bất khuất, của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, của tài năng và trí tuệ Việt Nam.

Trong ánh hào quang rực rỡ của chiến thắng, tuổi trẻ và nhân dân miền Bắc bước vào thời kỳ khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng lại đất nước. Sau chín năm kháng chiến anh dũng, trường kỳ, gian khổ miền Bắc có một nền kinh tế nông nghiệp nghèo nàn và lạc hậu vì bị chủ nghĩa thực dân đô hộ, vì bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Bao khó khăn chồng chất: Nhiều ngành sản xuất bị ngưng trệ, đình đốn; nhiều công trình thuỷ lợi quan trọng bị tàn phá; 14 vạn hecta ruộng đất bị hoang hoá; hơn 10 vạn trâu bò bị giết; gần 1 triệu đồng bào không có nhà ở và việc làm; thương nghiệp bị đình trệ; bệnh tật, đói rét hoành hành; nạn đói, nạn thất nghiệp và các tệ nạn xã hội tràn lan ở các vùng bị tạm chiếm cũ…Lại thêm bao mưu mô thâm độc của kẻ thù: Bọn phản động đã lừa gạt, đe doạ, cưỡng ép gần một triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam- nhất là đồng bào ở vùng Thiên chúa giáo và những người đã tham gia làm việc cho chế độ cũ. Đặc biệt, bọn thực dân trước khi rút chạy đã tháo dỡ, mang đi hoặc phá huỷ hàng nghìn tấn thiết bị, máy móc, dụng cụ sản xuất, nguyên vật liệu ở các nhà máy, xí nghiệp… hòng gây rối loạn cho nền kinh tế ở miền Bắc. Chúng còn cung cấp tiền của, phương tiện cho bọn phản động gây rối ở một số vùng như: Phát Diệm (Ninh Bình), Bùi Chu (Nam Định); Ba Làng (Thanh Hoá)…và còn xúi giục bọn thổ phỉ nổi dậy hoạt động phá hoại ở các tỉnh miền núi biên giới Tây Bắc, Đông Bắc như: Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang…

Trước tình thế ấy, phát huy truyền thống của dân tộc, phát huy hào khí chiến thắng của Điện Biên, nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ trước thời cuộc, hàng chục vạn cán bộ, đoàn viên, hội viên và thanh niên miền Bắc đã tình nguyện, hăng hái đi đầu đảm nhiệm các nhiệm vụ then chốt, đến những vùng xung yếu, khó khăn để tổ chức, động viên quần chúng khắc phục những hậu quả của chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.

Hàng trăm cán bộ, đoàn viên, hội viên và thanh niên xung phong vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội, xuống tận các xí nghiệp, bến cảng, nhà ga, kho tàng… để phối hợp với thanh niên, công nhân đấu tranh không cho địch tháo dỡ, phá hoại, vận chuyển máy móc, thiết bị… Những tháng cuối năm 1954, đội Thanh niên tự vệ ga Hàng Cỏ đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn không cho chủ ga chỉ đạo tháo gỡ máy móc chuyển xuống cảng Hải Phòng; đội Thanh niên tự vệ nhà máy xe lửa Gia Lâm thì phân công nhau canh gác ngày đêm, bảo vệ nhà xưởng, máy móc, nguyên vật liệu, kiên quyết chống mọi hành động phá hoại của địch; đội Thanh niên tự vệ nhà máy điện Yên Phụ đấu tranh quyết liệt giữ lại 400 tấn than và toàn bộ tài liệu, máy móc… ở nhà thương Bạch Mai, Phủ Doãn, trường Đại học Y-Dược, thanh niên tự vệ, y tá, bác sỹ, thầy giáo, sinh viên kiên quyết đấu tranh không cho địch cướp y cụ, tài liệu, thuốc men…

Ngày 1-1-1955, nhân dân và tuổi trẻ Thủ đô cùng đại biểu các tỉnh đã long trọng dự lễ mít tinh lớn tại Quảng trường Ba Đình để đón mừng Trung ương Đảng, Chính phủ cùng Bác Hồ kính yêu trở về Thủ đô sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ và anh dũng.

Cả Thủ đô tràn ngập cờ, hoa. Những nụ cười rạng rỡ. Những gương mặt hân hoan. Những tà áo dài tha thướt. Khăn quàng đỏ thắm bừng lên trên vai các em thiếu nhi. Và các đoàn viên, thanh niên, hội viên cùng các băng rôn, khẩu hiệu rực rỡ khắp các ngả đường của Hà Nội mến yêu. Khí thế sôi động ấy của Thủ đô đã lan truyền khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Ngày 10 tháng 1 năm 1955, ở Bùi Chu (Nam Định), đoàn viên, thanh niên là nòng cốt của cuộc mít tinh hơn 4000 người của 7 xã đã tuần hành biểu dương lực lượng, lên án đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm phá hoại Hiệp định Giơnevơ, lên án kẻ địch đã dùng mọi âm mưu thâm độc để lừa gạt, đe doạ và cưỡng ép những người đã tham gia ngụy quân, ngụy quyền, đồng bào theo đạo Thiên chúa… di cư vào Nam, đặc biệt là ở vùng Bùi Chu (Nam Định) và Phát Diệm (Ninh Bình). Tiền của, phương tiện và những vụ phá rối, cưỡng ép của bọn phản động đối với giáo dân ở Bùi Chu, Phát Diệm chỉ càng làm tăng thêm làn sóng căm phẫn và châm ngòi cho cả một phong trào đấu tranh chống cưỡng ép di cư vào Nam của tuổi trẻ và nhân dân vùng Thiên Chúa giáo. Khắp ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, một đợt đấu tranh dài ngày từ 20 tháng 3 đến 18 tháng 4 năm 1955 đã thu hút hàng ngàn đoàn viên, thanh niên tham gia hỗ trợ cho đồng bào đấu tranh chống cưỡng ép giáo dân di cư vào Nam. Phong trào đấu tranh “yêu nước chống cưỡng ép di cư” vào Nam của tuổi trẻ ba tỉnh đã gây tiếng vang mạnh mẽ, giúp đồng bào các vùng theo đạo Thiên chúa giữ vững niềm tin vào Đảng, Bác, không mắc mưu lừa phỉnh, dụ dỗ của kẻ địch. Cùng thời điểm này, ở 6 xã hai huyện Giao Thuỷ, Xuân Trường có tới 1885 thanh niên công giáo tham gia liên hoan cùng 7000 đoàn viên, thanh niên toàn tỉnh Nam Định hào hùng biểu dương lực lượng đòi kẻ địch phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơnevơ.

Còn ở phố cảng Hải Phòng những tháng đầu năm 1955 cũng thật sôi động và quyết liệt.

Đầu tháng 3 năm 1955, bọn địch âm mưu cướp hai chiếc tàu HC1 và HC2 là hai tàu hoa tiêu quan trọng của cảng. Các đoàn viên và hội viên, thanh niên, công nhân đã tìm cách làm hỏng máy để giữ tàu lại. Khi bọn địch đưa tàu khác đến định kéo hai tàu hoa tiêu đi, một nhóm thanh niên công nhân lại tìm cách làm hỏng máy tàu mới đến. Địch lại tiếp tục cho tàu khác đến kéo, đoàn viên, thanh niên công nhân cảng lại “bí mật lặn xuống nước dùng dây cáp buộc chằng dây neo tàu nọ

với dây neo tàu kia, đồng thời tháo và giấu đi một số thiết bị quan trọng làm cho địch không thể sửa chữa và cũng không thể kéo tàu đi được, chúng đành bó tay.

Gần đến ngày tiếp quản, những cuộc đấu tranh của tuổi trẻ và nhân dân Hải Phòng càng quyết liệt. Đặc biệt là cuộc đấu tranh của gần 5 vạn quần chúng kéo dài 3 ngày (từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 5 năm 1955) để giữ lại gần 300 tù chính trị bị giam ở cảng Máy Chai mà kẻ địch âm mưu định đưa ra biển thủ tiêu. Tuổi trẻ toàn thành phố được huy động vào cuộc đấu tranh này. Các thanh niên làm nghề đạp xích lô tự đứng ra phục vụ những người đi đấu tranh từ các nơi đổ về khu vực cảng Máy Chai. Đường phố đông nghịt người…Trước khí thế và sức mạnh áp đảo của quần chúng, kẻ địch phải chùn bước, không dám thực hiện tội ác, buộc phải trả lại tự do cho tất cả tù chính trị. Các anh chị em tù chính trị sung sướng và xúc động đến nghẹn ngào như những người từ cõi chết trở về với cuộc sống”.

Cùng thời điểm này, ở Hồng Quảng (Quảng Ninh) cuộc đấu tranh bảo vệ máy móc, thiết bị ở các hầm mỏ, xí nghiệp diễn ra hết sức quyết liệt. Tình hình chính trị-xã hội ở đây cũng rất phức tạp. Vốn là một vùng bị quân Pháp chiếm đóng nhiều năm nên lực lượng đoàn viên rất mỏng, một số nơi còn chưa có tổ chức Đoàn. Hơn nữa, ngoài quân đội Pháp, ở đây 300 ngày trước khi rút khỏi miền Bắc (theo Hiệp định Giơnevơ quy định) còn có một lực lượng đặc vụ, gián điệp dày đặc của thực dân Pháp, của đế quốc Mỹ và Tưởng Giới Thạch ráo riết hoạt động vừa công khai, vừa lén lút hòng gây rối loạn tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trước mắt và lâu dài ở Hồng Quảng, ở miền Bắc.

Trước tình hình đó, thực hiện Chỉ thị của Đảng, Trung ương Đoàn và Trung ương Hội đã cử một đoàn cán bộ về Hồng Quảng tham gia tiếp quản, củng cố các tổ chức Đoàn, Hội để chỉ đạo việc bảo vệ máy móc, thiết bị và các cơ sở công nghiệp, đặc biệt là ở các khu mỏ, công trường xí nghiệp. Được sự lãnh đạo kịp thời của các cấp uỷ Đảng, các tổ chức Đoàn, Hội đã phát huy vai trò xung kích của các đội thanh niên tự vệ, các đội tự vệ công nhân, các đội bảo vệ trật tự, an ninh… Chính vì vậy, khi bọn chủ Pháp ở nhà máy Điện Cọc 5 lén lút huy động binh lính và chỉ huy người Âu tháo dỡ định chuyển 8 mô-bin ra Cẩm Phả đưa xuống tàu vào ngày 9 tháng 3 năm 1955 thì đội tự vệ công nhân đã kịp thời phát hiện, đấu tranh buộc bọn chủ Pháp phải để lại đủ 8 mô-bin. ở nhà máy cơ khí Cẩm Phả, ngày 24 tháng 4 năm 1955, đội tự vệ công nhân cũng kịp thời phát hiện, vây giữ, buộc bọn chủ nhà máy phải để máy móc lại.

ở vùng Hồng Quảng, Hải Ninh (Quảng Ninh) những tháng đầu năm 1955 cũng hừng hực khí thế. Trên mặt trận đấu tranh chống cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam, các đoàn viên, thanh niên, hội viên cũng hoạt động tích cực, góp phần bảo vệ, giúp đỡ đồng bào yên tâm, vững tin ở lại quê hương.

Ngày 24 tháng 4 năm 1955, thực dân Pháp đã buộc phải thực hiện Hiệp định Giơnevơ, rút khỏi Hồng Quảng.

Ngày 13 tháng 5 năm 1955, thành phố cảng Hải Phòng được giải phóng; ngày 22 tháng 5 năm 1955, quân Pháp rời đảo Cát Bà, đánh dấu ngày tháng cuối cùng tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi miền Bắc. Một nửa đất nước thân yêu được hoàn toàn giải phóng.

Để thực hiện đường lối xây dựng và củng cố miền Bắc làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà của Đảng ta, Hội nghị lần thứ 7 (tháng 3 năm 1955) và Hội nghị lần thứ 8 (tháng 8 năm 1955) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá II) đã khẳng định: “Miền Bắc là chỗ dựa của ta. Bất kể tình huống nào miền Bắc cũng phải được củng cố… Củng cố miền Bắc về mọi mặt là nhiệm vụ rất quan trọng vì miền Bắc có được củng cố ta mới có đủ lực lượng để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc…”.

Được thử thách, rèn luyện trong những tháng năm kháng chiến gian khổ và anh dũng, ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình, tuổi trẻ miền Bắc đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, đi đầu trên mặt trận khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục hậu quả của chủ nghĩa thực dân và tàn tích của chế độ phong kiến. Hàng vạn đoàn viên, thanh niên, hội viên, đội viên tham gia vào các phong trào, các ngành nghề, góp phần ổn định nhanh chóng cuộc sống của nhân dân, xoá bỏ những tàn dư của văn hoá thực dân và các hủ tục của chế độ cũ. Hàng loạt công trình được khôi phục, sửa sang và làm mới, góp phần làm thay đổi diện mạo của miền Bắc sau chiến tranh.

Đó là phong trào làm vệ sinh ở các khu phố, trên các đường làng, ngõ xóm, sửa sang, quét dọn, xoá bỏ những dấu tích chiến tranh của quân đội thực dân chiếm đóng. Các đội thanh niên tự quản được thành lập để duy trì nếp sống văn minh.

Đó là phong trào bình dân học vụ được mở ra khắp nơi, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân và thanh niên đến học. Giáo viên của phong trào bình dân học vụ sôi nổi này đa số là đoàn viên, hội viên, thanh niên. Được tổ chức Đoàn và Liên đoàn Thanh niên động viên, cổ vũ, giao trách nhiệm, anh chị em giáo viên trẻ đã không quản khó khăn, gian khổ, xông xáo đến tận các khu

phố, thôn xóm, vừa vận động nhân dân đến lớp, vừa hướng dẫn bà con học tập. Các lớp học được tổ chức cả buổi trưa, buổi tối và bất kỳ thời điểm nào khi bà con rỗi rãi. Khi tiếng kẻng reo vang, khắp các nẻo đường xóm thôn, khu phố lại í ới tiếng gọi nhau đi học. Vui nhất là các buổi tối, những chiếc đèn chai, những bó đuốc bập bùng như đêm hội hoa đăng…

Hệ thống giáo dục phổ thông trên toàn miền Bắc cũng nhanh chóng được củng cố và phát triển. Hàng vạn đoàn viên, hội viên, thanh niên đã cùng phụ huynh học sinh tích cực tu bổ trường lớp cũ, xây dựng hàng trăm trường lớp mới chuẩn bị cho năm học mới.

Ngày 19-1-1955, nhân dịp đến dự lễ khai giảng khoá đầu tiên của trường Đại học Nhân dân tại Hà Nội, Bác Hồ kính yêu đã dạy:

“Thanh niên cần phải có tinh thần gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn gian khổ để tiến mãi không ngừng…”

Ngày 19-3-1955, Bác Hồ lại gửi thư cho học sinh trường Sư phạm Miền núi. Bức thư có đoạn viết: “Nhiệm vụ của các cháu là phải thi đua học tập để sau này góp phần vào việc mở mang quê hương của mình và việc xây dựng đất nước Việt Nam yêu quý của chúng ta"…

Nếu năm 1944, cả nước ta chỉ có khoảng 709.000 học sinh và có tới hơn 80% người dân mù chữ thì tính đến đầu năm 1956, chỉ riêng miền Bắc đã có 984.500 học sinh và 2,5 triệu người đi học

Một phần của tài liệu Lịch sử Hlh thanh niên Việt nam (Trang 59 - 71)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(104 trang)
w