8. Vùng sinh thái tăng trưởng loài cây rừng Việt mam
8.5. Vùng Bắc Trung Bộ
Vùng Bắc Trung Bộ gồm các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa thiên-Huế.
Bắc Trung Bộ là vùng bị ngăn cách bởi dãy Hải vân và bị thu hẹp bởi dãy Trường sơn ở phía Tây và Biển Đông nên Vùng Bắc Trung Bộ có thể chia thành 2 vùng chính là:
Vùng Bắc Sông Cả (Thanh Hoá và Nghệ An) kéo dài từ biên giới Việt Lào theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, địa hình thấp dần và chấm dứt tại vùng đồng Bằng ven biển. Trong vùng này, cao nhất là các đỉnh Bù Dinh 1291m; Bù Chó 1563m và Bù Khạng là 1085m.
Vùng Nam Sông Cả bao gồm các tỉnh còn lại, nơi bắt đầu của dãy Trường Sơn có địa hình thấp dần theo hướng Đông Bắc - Tây Nam với đỉnh cao nhất là Pulaileng cao 2000 m. Ngoài ra, ở vùng này có những dãy núi chạy sát biển như Hoành Sơn, Bạch Mã và Hải Vân.
Địa hình: Vùng Bắc Trung Bộ hẹp nhất nước ta với địa hình chia cắt phức tạp, hiểm
trở, độ dốc cao. Đi lại rất khó khăn.
Khí hậu: Vùng Bắc Trung Bộ nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa nên khí hậu phân
hoá rõ rệt. Mùa hè thường nóng ẩm do ảnh hưởng của gió Lào thường từ tháng 4 đến tháng 6, Mùa đông thường lạnh và khô, mùa xuân và mùa thu khí hậu ôn hoà.
Nhiệt độ bình quân năm từ 23o đến 24oC. Nhiệt độ thấp nhất khoảng 5oC và nhiệt độ cao nhất khoảng 41oC.
Lượng mưa bình quân năm từ 2000 đến 2500 mm. Do địa hình chia cắt phức tạp nên
lượng mưa thường không đồng đều giữa các vùng. Lượng mưa tập trung chủ yếu vào mùa nóng từ tháng 6-9.
Hệ thống sông suối vùng Bắc Trung Bộ đều bắt đầu từ biên giới Việt – Lào, theo hướng Tây Bắc-Đông Nam và đổ ra biển Đông. Trong vùng này tập trung nhiều hệ thống sông lớn như Sông Mã, Sông Chu, Sông Cả…với nhiều nhánh đan dày. Bên cạnh đó, địa hình chia cắt phức tạp, nhiều thác ghềnh đã tạo ra những dòng chảy lớn thường gây ra hiện tượng lũ lụt, đặc biệt là vào mùa mưa. Nhìn chung, khí hậu thuỷ văn vùng Bắc Trung Bộ hay thay đổi bất lợi cho sinh trưởng cây trồng như mưa to, bão lớn và về mùa khô, hạn hán kéo dài, đặc biệt trong mùa gió lào.
Địa chất thổ nhưỡng vùng Bắc Trung Bộ có cấu tạo chủ yếu là các trầm tích tạo nên
đá Sa thạch, đá Phiến thạch và đá hỗ hợp xen với Granít. Ngoài ra, một số đá Bazan có diện tích rất lớn tạo nên những cảnh quan rất đặc biệt tập trung chủ yếu ở Nghĩa Đàn tỉnh Nghệ An, Gio linh tỉnh Quảng Trị. Đặc biệt ở đây có vùng núi đá vôi Kẻ Bàng thuộc tỉnh Quảng Bình rộng lớn nhất cả nước.
Các loại đất chính gồm (1) đất Feralit màu vàng phát triển trên độ cao trên 1000m;
(2) đất Feralit màu vàng hay đỏ phát triển trên đá Granit; (3) đất Feralit đỏ vàng phát triển trên Sa thạch, Phiến thạch thường phân bố ở núi trung bình, núi thấp và vùng đồi gò; (4) đất Ba zan vùng Nghĩa Đàn và Tây Quảng Trị; (5) đất phù sa mới tạo thành vùng đồng bằng hẹp ven biển; (6) đất cát chạy dài theo ven biển.
Rừng kín lá rộng thường xanh trên núi đất tập trung chủ yếu ở sườn phía Đông của
dãy Trường sơn, thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Thực vật đặc trưng có Lim, Sến, Táu, Giổi.
Rừng kín lá rộng thường xanh trên núi đá vôi tập trung chủ yếu ở vùng Kẻ Bàng,
một số tập trung rải rác tại Bắc Thanh Hoá– Nghệ An. Thực vật đặc trưng có Trai, Nghiến, Mun
Rừng tre nứa thuần và tre nứa hỗn giao tập trung chủ yếu vùng sông Lò thuộc tỉnh
Thanh Hoá; Thanh Chương thuộc tỉnh Nghệ An. Thành phần loài chủ yếu gồm có Nứa, Luồng.
Kiểu rừng nửa rụng lá tồn tại ở vùng thung lũng sông Cả, từ Mường Xén xuống Con
Cuông (Nghệ An), loài cây chủ yếu là Săng Lẻ nhưng diện tích của kiểu rừng này không lớn.
Rừng trồng xuất hiện ở hầu hết các tỉnh trong vùng, chủ yếu ở các vùng đồi thấp chạy
dọc từ quốc lộ 1A và bãi cát ven biển, các khu vực gần đường giao thông chính và gần các khu dân cư. Loài cây đặc trưng là Thông nhựa, Phi lao.