Thế Lữ với thể loại văn xuôi mới

Một phần của tài liệu Thế Lữ với tiến trình văn học việt nam giai đoạn 1930 - 1945.pdf (Trang 86 - 89)

6. Cấu trúc luận văn

3.1. Thế Lữ với thể loại văn xuôi mới

Thế Lữ là nghệ sĩ tiên phong với nghĩa trọn vẹn nhất của hai chữ tiên phong đó. Ông say mê với những bước mở đường, đắm say cùng hoa trái đầu mùa. Bản tính ấy giải thích những chặng đường trong văng nghiệp của Thế Lữ. Ông làm thơ mới khi Thơ mới chưa có nền, viết truyện trinh thám, truyện quái dị khi thể loại này chưa có móng. Và khi nền móng của thơ ca, của truyện trinh thám, ly kỳ đã vững rồi thì Thế Lữ lại chuyển sang xây kịch nói - một thể loại chưa có truyền thống trong văn học nước ta.

Nếu như trong thời kỳ rạng đông của Thơ mới, Thế Lữ đã đưa ra hoặc đã phát triển những cách tân phù hợp với nhu cầu của thời đại, mở đường cho bút pháp nhiều nhà thơ đến sau thì ở địa hạt văn xuôi, công lao của Thế Lữ cũng được khẳng định không kém. Ông là tác giả của những "truyện lạ" theo kiểu Etgopô và những truyện trinh thám mà "cho đến nay trong lịch sử văn học Việt Nam không thấy có tên tuổi nào đáng được xếp bên cạnh Thế Lữ trong loại sáng tác khá độc đáo này" [44-21].

Những truyện trinh thám, truyện đường rừng của Thế Lữ từ Vàng và Máu (1934); Bên đường Thiên lôi (1936)... đến Lê Phong phóng viên (1937); Mai Hương và Lê Phong (1937); Đòn hẹn (1939); Gói thuốc lá (1940); Gió trăng ngàn (1941); Trại Bồ Tùng Linh (1941) được các nhà nghiên cứu nhắc

đến như một nhân tố quan trọng đã góp phần làm nên diện mạo riêng trong nghiệp thơ văn Thế Lữ.

Nguyên nhân khiến ngòi bút Thế Lữ hướng vào thể loại truyện trinh thám, truyện ma quái rùng rợn thì có nhiều nhưng có lẽ nguyên nhân chủ yếu

vẫn là các bản tính giàu tưởng tượng, ưa khám phá trong ông. Thế Lữ từng tâm sự "Cái ý phá những lề lối trói buộc là nhất quán trong tôi - Trước đây khi tôi viết truyện, tôi cũng muốn phá thói quen ấy. Trong người mình chất chứa những tình cảm mạnh mẽ về yêu đương, nhưng đương thời có bao nhiêu người viết truyện tình rồi, mình còn viết làm gì nữa. Cho nên, tôi tìm kiếm về một phía khác, một mạch khác" [48-19].

Thêm nữa, Thế Lữ là một trong những nhà tân học đầu thế kỷ XX đã sớm tiếp xúc với nền văn hoá phương Tây, chịu ảnh hưởng trực tiếp của nền văn minh công nghiệp mà tiêu biểu là văn hoá Pháp. Ngay từ những năm 1929 - 1930, khi còn là sinh viên trường Mỹ thuật, Thế Lữ đã cùng với một số bạn bè như Vũ Đình Liên, Trần Bình Lộc, Nguyễn Đỗ Cung, Ngô Bích San,... tổ chức một "Salon" văn chương nhỏ để tập viết văn quốc ngữ, dịch các tiểu thuyết nổi tiếng của Pháp ra Tiếng Việt. Những tác phẩm văn chương có giá trị của Pháp như: Những người khốn khổ của V.Huygô, Người đi đánh cá biển

khơi của PieLôti, Không nhà của HectoMalô... đã được Thế Lữ cùng các văn

sĩ trong "Salon" văn học của ông dịch và giới thiệu với độc giả Việt Nam. Công việc dịch thuật như vậy tất nhiên sẽ có ảnh hưởng nhất định đến văn xuôi của Thế Lữ đặc biệt là cách kết cấu tác phẩm đến cấu trúc câu văn... Sự ảnh hưởng này được biểu hiện rõ nhất trong những văn cảnh mà Thế Lữ miêu tả. Những cảnh rùng rợn ly kỳ trong truyện Thế Lữ có bắt nguồn từ cảm hứng khi ông dịch truyện nhưng cũng có thể cảm hứng từ cảnh rừng núi xứ Lạng - nơi ông đã sống suốt thời thơ ấu.

Cho dù những câu truyện trinh thám, truyện kinh dị Thế Lữ có bắt nguồn từ cảnh hứng sáng tạo nào đi nữa thì chúng ta đều phải thừa nhận một điều rằng ông là một văn sĩ có trí tưởng tượng dồi dào và một nhiệt huyết sáng tạo đến say mê.

Trong giai đoạn lịch sử Việt Nam đầy biến động những năm 30, trong thời điểm các tác giả Việt Nam đang lao tâm khổ tứ tạo ra những cách tân phù hợp với xu hướng vận động của cuộc sống ở mọi lĩnh vực khoa học, văn xuôi Thế Lữ có những đóng góp đáng kể cho văn học Việt Nam 1930 - 1945 nói riêng và cho cả tiến trình văn học của đất nước nói chung.

Cùng với các văn sĩ lãng mạn khác trong nhóm Tự lực văn đoàn và các nhà văn hiện thực phê phán, văn xuôi Thế Lữ đã góp phần làm cho văn học Việt Nam phong phú hơn về mặt thể loại.

Ở một thời điểm xã hội với những đổi thay sâu sắc và đứng trước một tầng lớp độc giả mới cả về nhận thức lẫn thị hiếu thẩm mĩ, thì những câu chuyện tình ngang trái trong văn chương Tự lực văn đoàn hay những cảnh đời mòn mỏi, tăm tối bùn lầy nước đọng trong văn học hiện thực phê phán được độc giả chấp nhận dễ dàng là một điều dễ hiểu. Còn những truyện trinh thám, truyện kinh dị của Thế Lữ được người ta "đón nhận và tìm đọc một cách thích thú" [44-21] thì chắc chắn phải có lý do riêng của nó. Những truyện trinh thám, ly kỳ ấy của Thế Lữ chắc hẳn không phải thuộc loại "tiểu thuyết ba xu...", "tiểu thuyết ăn dỗ tiền trẻ con" [48-51] như một số truyện trinh thám, kiếm hiệp đã xuất hiện trong các chợ trời văng chương lúc bấy giờ.

Các nhà nghiên cứu, phê bình văn học đều đánh giá cao giá trị văn xuôi Thế Lữ, thậm chí nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan còn coi ông là "tiểu thuyết gia có biệt tài" [26-153].

Để làm sáng tỏ công lao của Thế Lữ ở loại sáng tác khá độc đáo này. Trong chương này chúng tôi tiến hành nghiên cứu bằng cách tiếp cận văn xuôi Thế Lữ ở mảng tiểu thuyết trinh thám và những truyện mang yếu tố "kinh dị" nhằm khẳng định công lao và vị trí tiên phong không chỉ ở lĩnh vực thơ ca mà ở cả địa hạt văn xuôi.

Một phần của tài liệu Thế Lữ với tiến trình văn học việt nam giai đoạn 1930 - 1945.pdf (Trang 86 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)