6. Cấu trúc luận văn
1.2.1. Cuộc đấu tranh giữa thơ mới và thơ cũ
Phong trào thơ mới (1932 - 1945) là một cuộc vận động đổi mới thơ ca rộng lớn, mang tầm vóc một cuộc cách mạng trong thơ ca tiếng Việt. Nó đã chuyển đổi hệ thống thi pháp thơ ca từ thơ pháp trữ tình điệu ngâm sang thơ trữ tình điệu nói, đưa thơ ca tiếng Việt sang phạm trù thơ hiện đại. Phong trào này được mở đầu bằng cuộc tranh luận sôi nổi giữa Thơ mới và Thơ cũ.
Cuộc tranh luận kết thúc khi thắng lợi hoàn toàn thuộc về Thơ mới. Để giành phần thắng cho Thơ mới, công đầu phải kể đến những người đi tiên phong trong việc đề xướng Thơ mới phê phán thơ cũ.
Năm 1917 trên tờ An Nam tạp chí (số 5 - tháng 11) Phạm Quỳnh lần
đầu tiên lên tiếng thở than về tình trạng thơ ca đương thời. Ông cho rằng: thơ Đường luật là thứ thơ phiền phức, luật lệ ràng buộc khắc nghiệt không khác luật hình. Đến năm 1927, Phan Khôi trên Đông pháp thời báo đã táo bạo công kích thơ cũ, cho thơ cũ là thứ thơ trói buộc, hãm đà, thô tục. Sang năm 1929, tờ Trung Bắc tân văn lần đầu tiên đăng một bài thơ dịch không niêm luật, không hạn chế số câu - đó là bài Con ve và con kiến do Nguyễn Văn Vĩnh
dịch thơ La Phông Ten. Cũng trong năm này Trịnh Đình Rư viết một loạt bài đăng trên Phụ nữ Tân Văn mạnh mẽ công kích thơ Đường luật "bó buộc
người ta theo khuôn phép tỉ mỉ, mất cả hứng thú tự do, ý tưởng dồi dào" [22,6] và ông đề nghị sáng tác thơ theo thể lục bát và song thất lục bát hoàn toàn dân tộc.
Song đến thập kỷ thứ ba của thế kỷ XX, vấn đề cải cách thi ca đã trở thành một nhu cầu bức xúc của văn học dân tộc. Ngày 10/3/1932 báo Phụ nữ
Tân văn xuất bản ở Sài Gòn đăng bài: Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ cùng bài thơ Tình già của Phan Khôi.
Trong bài báo này Phan Khôi nhận thấy truyền thống của thơ ca cổ điển hàng ngàn năm với di sản đồ sộ và những áng thơ tuyệt bút của người xưa
cùng với những quy định chặt chẽ về thi pháp đang là gánh nặng của thi sĩ đương thời. Những nguồn cảm hứng thi ca quen thuộc được nói quá nhiều đã nhàm chán. Những cảm xúc vui buồn của con người thời nay muốn nói ra lại bị khuôn phép thơ xưa cản trở. Phan Khôi cho rằng: thơ cốt chơn, mà thơ cũ vì công thức quá nhiều nên mất chơn. Theo luật Đường thi, người làm thơ có thể trực tiếp biểu đạt được tình cảm, cảm xúc có thật cùng mình, vì vậy nhà thơ xa lạ với đời sống tình cảm của con người. Những biểu tượng, hình ảnh mĩ lệ hoá nhiều thành công thức sáo mòn mất đi sức truyền cảm. Bởi vậy Phan Khôi đề xướng một lối thơ mới "đem ý thật trong thâm khảm mà nói ra bằng những câu có vần và không phải bó buộc bởi niêm luật" [54.53].
Về hình thức lối thơ mới, Phan Khôi cho rằng vẫn phải có vần nhưng những niêm luật bó buộc thì phải bỏ hết câu thơ tự do thì mới đủ sức diễn tả những cảm xúc thơ ca mới của con người thời nay. Để minh hoạ cho ý tưởng trên Phan Khôi cho in kèm bài Tình Già - bài thơ mà sau này nhiều người cho là không có gì là mới mẻ, nhưng lúc bấy giờ nó như một luồng gió lạ.
Để diễn đạt tâm sự vơi đầy trong bài thơ, Phan Khôi không chỉ phá bỏ niêm luật, câu thơ được nới rộng ra thoải mái: câu dài 16 - 17 chữ, câu ngắn cũng 10 chữ, ý tình kín khuất của nhân vật trữ tình được giãi bầy một cách rõ ràng, dễ hiểu, chân thật. Nguyên tắc mạch kỵ lộ của Đường thi trở nên xa lạ.
Do ý tưởng táo bạo của Phan Khôi trong bài báo và sự mới lạ của bài thơ Tình già, đăng trên báo Phụ nữ Tân Văn (10/3/1932) được coi là sự đột khởi trên thi đàn Văn học Việt Nam; Với bài thơ này, Thơ mới đã có một tuyên ngôn thứ nhất, một hình hài đầu tiên. Cánh cửa đã mở, dù là mở hé đã cho người ta thấy một chân trời khác của thơ ca.
Sự ra đời của bài Tình già tạo ra hai luồng dư luận trái ngược nhau.
Những người có tư tưởng tiến bộ thì lạc quan cho đó là dấu hiệu hình thành nền học thuật mới. Ngược lại những người hoài nghi bảo thủ cho rằng đó là
thứ "quái thai của thời đại, nếu để nó sống sẽ là điều sỉ nhục cho nền học thuật nước nhà" [21.99]. Những người ủng hộ Phan Khôi sớm nhất, nhiệt tình nhất là thanh niên tân học. Trong số những người trẻ tuổi đó là nổi lên hàng đầu là tên tuổi của Nguyễn Thị Kiêm ở Nam Bộ và Thế Lữ ở đất Bắc.
Nguyễn Thị Kiêm biệt hiệu là Nguyễn Thị Manh Manh hay ký bút danh là Manh Manh. Khi Phan Khôi hô hào lối Thơ mới người Nữ sĩ này lập tức hưởng ứng rất nhiệt tình. Sau những bài thơ của Phan Khôi, của Lưu Trọng Lư là hai bài thơ Canh tàn, Viếng phòng vắng ký tên Nguyễn Thị
Manh Manh. Với hai bài thơ này Nguyễn Thị Kiêm không chỉ phá thể, phủ nhận khuôn phép xưa mà còn gieo tư tưởng lãng mạn, bộc lộ khao khát yêu đương của tuổi trẻ. Ở những bài tiếp theo như Hai cô thiếu nữ, Bức thư gửi
cho tất cả những ai ưa và ghét lối Thơ mới, nữ sĩ đã thả sức thể nghiệm: chất
tự sự, lời đối thoại, ngữ điệu nói, chất tư duy luân lý... tràn vào thơ.
Nguyễn Thị Kiêm đã "rất có ý thức và hăng hái tạo ra Thơ mới" (chữ dùng của Nguyễn Tấn Long) [21.179] bằng cách sáng tạo những bài thơ phá thể, phá cách: bỏ niêm, luật đối, bỏ điển tích, sáo ngữ, mở rộng biên độ câu thơ. Hướng thể nghiệm này đã tạo những viên gạch đầu tiên để dựng lên toà lâu đài Thơ mới.
Để bảo vệ Thơ mới, Nguyễn Thị Kiệm đã dũng cảm mở mặt trận khẩu chiến đấu tranh với phái ủng hộ thơ cũ. Ngày 26/7/1933 nữ sĩ đã đăng diễn thuyết tại Hội khuyến học Sài Gòn, chỉ ra hạn chế của luật thơ Đường "Khuôn khổ luật phép phiền phức, nên người làm thơ Đường luật phải ở trong một phạm vi co hẹp lúng túng, cảm hứng ra bài nào thì câu văn như nhái lại mấy trăm bài khác, còn ý tưởng thì dường như đã có nhiều người phát minh ra trước rồi" Nữ sĩ cũng chỉ rõ Thơ mới là gì và tại sao Thơ mới phải ra đời "Muốn cho tình tứ không vì khuôn khổ mà bị "đẹt" mất thì cần một lối thơ khác, lề lối nguyên tắc rộng hơn. Thơ này khác với thơ xưa nên gọi là Thơ mới" [54, 100].
Đến tháng 1/1935 Nguyễn Thị Kiêm lại diễn thuyết, tranh luận tay đôi với ông Nguyễn Văn Hanh tại hội Khuyến học Sài Gòn. Sự năng nổ, táo bạo của Nguyễn Thị Kiêm đã cổ vũ khích lệ những người trẻ tuổi ra sức sáng tác và lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ Thơ mới. Theo gương nữ sĩ, nhiều người đã viết báo, diễn thuyết cổ vũ cho Thơ mới, tạo ra một phong trào rầm rộ từ Nam đến Bắc, lôi cuốn hầu hết các tờ báo và tạp chí đương thời vào cuộc, tạo ra một bầu không khí học thuật tích cực để các thanh niên trẻ mạnh dạn thể hiện tài năng của mình trong lĩnh vực thơ ca.
Sau những tuyên ngôn và thể nghiệm đầu tiên, Thơ mới đã dành được sự quan tâm của công luận. Các báo và tạp chí như Phụ nữ Tân Văn; Phong hoá; Văn hoá tạp chí; An Nam tạp chí, Văn học tuần san, Hà Nội báo đều bị
cuốn vào cuộc tranh luận Thơ mới - Thơ cũ. Thơ mới cần mạnh mẽ hơn, táo bạo hơn nhưng quan trọng phải thuyết phục được công chúng về luận thuyết và sáng tác. Phan Khôi sau khi trình chánh Thơ mới chỉ lặng lẽ rút lui nhường trận tuyến cho thế hệ trẻ - Nguyễn Thị Kiêm hăng hái tranh biện nhưng thơ lại chưa mấy thuyết phục. Hồ Văn Hảo chỉ lặng lẽ sáng tác. Ở chặng đầu gian nan này, Thơ mới rất cần một vị chủ tướng dũng cảm và tài năng vừa để đối phó với sự phản ứng quyết liệt của phái cựu học vừa tiếp tục giương cao ngọn cờ Thơ mới. Trách nhiệm nặng nề ấy đã được nhận lãnh bởi một thi sĩ trẻ tâm huyết, đa tài: Thế Lữ.