(Queer Theory)
Tôi dịch thuật ngữ ‘queer theory’ là ‘thuyết lệch pha’ mà không dịch
là ‘thuyết đồng tính’ như dự định ban đầu vì trong tiếng Anh, chữ
‘queer’ có hai nghĩa: một, người đồng tính nam; và hai, kỳ quái.
Trong tiếng Việt, có lẽ chỉ có chữ ‘lệch pha’, một loại tiếng lóng, là
mang đủ hai ý nghĩa ấy. Ở Anh Mỹ, mặc dù mới xuất hiện từ đầu
thập niên 1990, thuyết lệch pha đã được phổ biến rất rộng rãi, được
giảng dạy trong các đại học và là chủ đề của nhiều tuyển tập cũng như nhiều số báo đặc biệt. Thoạt đầu, thuyết lệch pha nảy sinh từ
ngành Ðồng tính nam và đồng tính nữ (gay/lesbian studies) (trong
khi bản thân hai ngành học này lại được nảy sinh từ phong trào nữ
quyền luận vào khoảng giữa thập niên 1970), sau, dần dần, nội hàm khái niệm thuyết lệch pha được mở rộng, bao trùm cả hai lãnh vực
hơn, Chuyển giới tính học (Transgender Studies). Thật ra, không
phải ai cũng chấp nhận sự ‘bao trùm’ này. Ngay chính người đầu tiên sử dụng thuật ngữ ‘queer theory’, Teresa de Lauretis, mấy năm sau đó, cũng tuyên bố tách ra khỏi đứa con của mình. Tuy nhiên, số người chấp nhận sự đồng nhất giữa các danh xưng, thuyết lệch pha, đồng tính nam / đồng tính nữ học… vẫn khá đông. Ðể cho tiện, trong bài tóm lược ngắn này, tôi cũng đi theo xu hướng chung ấy.
Mối quan tâm chung của thuyết lệch pha và các lý thuyết liên hệ là giới tính và tình dục. Nền tảng mà thuyết lệch pha sử dụng để phân
tích các vấn đề này chủ yếu là kiến tạo luận (constructionism), một đối cực của yếu tính luận (essentialism). Liên quan đến vấn đề giới
tính, trong khi yếu tính luận nhấn mạnh vào khía cạnh sinh lý và cho sự khác biệt giới tính là điều tự nhiên, do “Trời sinh” và có tính chất
vĩnh cửu, kiến tạo luận, ngược lại, chủ trương tính dục là sản phẩm
của vô số các mã văn hoá và thế lực chính trị khác nhau: tất cả tương
tác với nhau, dẫn đến việc hình thành những quy phạm nhất định để
dựa theo đó, người ta phân chia nhân loại và sinh hoạt tình dục của
nhân loại thành những phạm trù khác nhau. Từ cái nhìn mang tính kiến tạo luận như vậy, những người thuộc thuyết lệch pha cho quan
niệm lưỡng phân nam/nữ cũng như toàn bộ các vấn đề liên quan tính dục và giới tính đều có tính xã hội và lịch sử. Ðiều đó có nghĩa là tất
cả những điều được gọi là ‘bình thường’ hay ‘bất bình thường’ đều
chỉ có ý nghĩa rất tương đối. Ðiều đó lại cũng có nghĩa là điều họ bị
gọi và tự nhận là ‘kỳ quái’ (queer), thật ra, chẳng có kỳ quái chút nào cả: khi cái ‘bình thường’ không có thật thì cái gọi là ‘kỳ quái’ cũng
chỉ là một ý niệm ảo. Ở đây, chúng ta thấy rõ ảnh hưởng của các nhà hậu cấu trúc luận, đặc biệt của Michel Foucault đối với thuyết lệch
pha. Theo Foucault, tình dục là một sản phẩm của diễn ngôn hơn là
một điều kiện tự nhiên, và cũng giống như mọi hình thức diễn ngôn
khác, tình dục chịu ảnh hưởng nặng nề của các quan hệ quyền lực
trong xã hội; những ảnh hưởng ấy không phải chỉ ở những sự cấm
đoán hay ức chế mà còn ở những sự cho phép và tạo nên những ý
nghĩa mới cho hoạt động tình dục.
Nếu những người đồng tính nam và đồng tính nữ trước đây nuôi
tham vọng xây dựng bản sắc của mình trên quan hệ cùng giới tính,
những người theo thuyết lệch pha, thường có thái độ cực đoan hơn,
hoài nghi cả cái gọi là ‘giới tính’ cũng như ‘bản sắc’ nói chung. Theo
Judith Butle, cái gọi là giới tính chỉ là một sản phẩm hư cấu của văn
hoá, một sự cách điệu hoá được lặp đi lặp lại thường xuyên của thân
thể; còn bản sắc thì lúc nào cũng ở trong tiến trình được kiến tạo,
một cái gì đang được hình thành. Chính vì vậy, những người theo
thuyết lệch pha tự nhận là không thể xác định được bản sắc lệch pha
của chính họ.
Nói chung, trong mấy thập niên vừa qua, các lý thuyết gia và học giả
thuyết lệch pha (bao gồm cả Ðồng tính nam và đồng tính nữ học) đã có những đóng góp đáng kể trong cả ba lãnh vực. Một, khai quật lại
lịch sử trong đó những người đồng tính bị ức chế và áp chế. Hai,
tính sáng tác trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Và ba, phân tích tính chất bất ổn và bất định trong toàn bộ những cái gọi là bản sắc
giới tính hay những quy phạm trong đời sống tình dục của nhân loại.
Ðóng góp trong hai lãnh vực đầu chủ yếu thuộc về những nhà Ðồng tính nam và đồng tính nữ trong những thập niên 1970 và 1980. Ðóng góp sau cùng chủ yếu thuộc về những lý thuyết gia và học giả lệch
pha từ đầu thập niên 1990 đến nay.
Tài liệu tham khảo thêm: Tổng quan về lý thuyết lệch pha, có
thể xem Queer Theory của Annamarie Jagose; liên quan đến
khía cạnh văn học nghệ thuật, có cuốn Territories of Desire in
Queer Culture: Refiguring Contemporary Boundaries do
David Alderson và Linda Anderson biên tập (2000),
Manchester: Manchester University Press; Queer Ideas: The David R. Kessler Lectures in Lesbian and Gay Studies From the Center for Lesbian and Gay Studies, do Martin Duberman viết lời tựa, Alisa Solomon và Paisley Currah viết lời giới
thiệu (2003), New York: The Feminist Press at the City
University of New York, Queer Cultures do Deborah Carlin biên tập (2004), New York: Prentice Hall; và A Critical Introduction to Queer Theory của Nikki Sullivan (2003),