Cái gọi là thuyết người đọc (reader theory) có nội hàm khá rộng, bao
gồm ít nhất bốn lý thuyết chính: hiện tượng luận, tường giải học
(hermeneutics), thuyết tiếp nhận (theory of reception), và thuyết hồi ứng của người đọc (reader-response theory). Ðiểm chung hầu như
duy nhất giữa bốn lý thuyết này là tất cả đều tập trung vào người đọc, xem người đọc như nguồn nghĩa chính.
Chúng ta biết tất cả các lý thuyết đều ít nhiều quan tâm đến ý nghĩa nhưng mỗi lý thuyết lại tin ý nghĩa ấy xuất phát chủ yếu từ một điểm
nhất định nào đó, chẳng hạn, với các nhà xã hội, nó nằm trong bối
cảnh chính trị xã hội phía sau người sáng tác; với các nhà Mác-xít, ở
quan hệ giai cấp; với các nhà tâm lý học và phân tâm học, ở chính
bản thân người sáng tác; với các nhà Hình thức luận và Phê Bình Mới, trong văn bản; với các nhà cấu trúc luận, trong cấu trúc; với
các nhà hậu cấu trúc luận, trong tính chất liên văn bản; với các học
giả theo ‘thuyết người đọc’, cái nguồn nghĩa ấy nằm trong kinh
nghiệm đọc của người đọc. Riêng ở các nước nói tiếng Anh, chủ trương nhắm vào người đọc này trước hết là phản ứng chống lại chủ trương của Phê Bình Mới. Trong bài viết “Nguỵ luận về cảm thụ”
(The Affective Fallacy), Wimsatt và Beardsley cho phê bình mà căn
cứ vào những cảm nhận của người đọc là một sai lầm: nó lẫn lộn
giữa cái văn học là và cái văn học làm, giữa nguyên nhân và kết quả.
Không những sai lầm, cách phê bình ấy chỉ dẫn đến chủ nghĩa ấn tượng và chủ nghĩa tương đối. Các nhà phê bình theo ‘thuyết người đọc’ phản đối kết luận này. Họ quan niệm một tác phẩm văn học
không thể được hiểu ngoài những tác động của nó nơi người đọc.
Theo họ, những tác động ấy, từ góc độ tâm lý hay bất cứ góc độ nào
khác, đều thiết yếu trong việc mô tả ý nghĩa của tác phẩm bởi vì ý nghĩa không thể tồn tại trọn vẹn ở ngoài tâm trí của người đọc.
Vượt ra ngoài nhận định về tầm quan trọng của người đọc và việc đọc, quan niệm của các ‘thuyết người đọc’ rất khác nhau.
Thuộc hiện tượng luận, có hai lý thuyết gia tiêu biểu nhất: Roman
Ingarden và Wolfgang Iser. Theo Ingarden, tác phẩm văn học là một
khách thể có chủ ý, được cấu tạo bởi bốn lớp chính: lớp thứ nhất là ngữ âm, bao gồm từ độ luyến láy của âm đến thanh, vần và nhịp; lớp
thứ hai là ngữ nghĩa, bao gồm từ từ đến câu, đoạn; lớp thứ ba và thứ tư không được phân biệt thật rõ, bao gồm các đối tượng được thể
hiện và các khía cạnh được sơ đồ hoá, từ nhân vật đến khung cảnh,
sự kiện, các mối quan hệ tương tác giữa các nhân vật với nhau để tạo
thành cốt truyện, v.v... Cả bốn lớp này đều khác hẳn các khách thể đang tồn tại trong hiện thực ở chỗ chúng có vô số những điểm bất định: mỗi điểm bất định như thế là những khoảng trống mà người đọc cần phải lấp đầy và cụ thể hoá để tác phẩm văn học từ một cấu trúc xương xẩu biến thành một đối tượng thẩm mỹ thực sự. Công
việc lấp đầy các khoảng trống và cụ thể hoá những điểm bất định này đòi hỏi ở người đọc khả năng tưởng tượng cũng như phán đoán
và chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố khác nhau như học vấn,
kinh nghiệm, cảm xúc, v.v... Chính vì vậy, cái đọc biến dạng từ người này qua người khác, thậm chí, ở từng người, biến dạng từ lần đọc này qua lần đọc khác. Wolfgang Iser chịu ảnh hưởng nặng nề
của Ingarden nhưng đi xa hơn Ingarden trong việc nhấn mạnh đến
vai trò của người đọc: tác phẩm văn học, với Ingarden, là một đối tượng thẩm mỹ được cụ thể hoá; với Iser, là một hiệu ứng (effect)
được kinh nghiệm. Với Ingarden, nhiệm vụ quan trọng nhất của người đọc là cụ thể hoá các khía cạnh được sơ đồ hoá trong văn bản;
với Iser, công việc cụ thể hoá ấy không nhất thiết dẫn đến những sự
thống nhất hay hoà điệu nhưng có khi nhằm phát hiện những khoảng
trình đầy những biến động trong đó những quy phạm và những cái
mã văn hoá quen thuộc có thể bị thách thức khi ngươì đọc đối diện
với những khoảng trống trong văn bản.
Nếu hiện tượng luận, vốn gắn liền với tên tuổi của Edmund Husserl,
chủ yếu là một trào lưu triết học hiện đại, tường giải học lại có
truyền thống rất lâu đời, xuất phát từ công việc chú giải Kinh Thánh
từ thời Phục Hưng, sau đó, được giới sử học tiếp nối và phát triển.
Một trong những vấn đề trung tâm của các nhà tường giải học là quan hệ giữa ý nghĩa của tác phẩm và ý định của tác giả. Với E. D.
Hirsch Jr, hai khía cạnh này đồng nhất với nhau. Những cách diễn
dịch khác nhau nhưng không thực sự trùng với ý định của tác giả
chung quanh một văn bản nào đó bị Hirsch xem là “liên nghĩa”
(significance) chứ không phải là “ý nghĩa” (meaning). Theo Hirsch,
tác giả quyết định ý nghĩa trong khi người đọc tạo dựng liên nghĩa; ý
nghĩa chỉ có một và cố định trong khi liên nghĩa có thể thật nhiều và biến đổi theo thời gian. Với Hans-Georg Gadamer, ý nghĩa của tác
phẩm không bao giờ cạn kiệt trong ý định của tác giả bởi vì trải qua
thời gian với những giai đoạn lịch sử và văn hoá khác nhau, những ý
nghĩa mới sẽ được bồi đáp vào những ý nghĩa đã có sẵn; do đó, theo
Gadamer, mọi sự diễn dịch đều là cuộc đối thoại vô tận giữa quá khứ
và hiện tại; mọi sự hiểu biết đều có tính năng sản: một mặt, hiểu
luôn luôn là là hiểu một cách khác; mặt khác, khi hiểu, chúng ta vừa bước vào thế giới xa lạ của tác phẩm lại vừa đặt cái thế giới xa lạ ấy
vào ngay trong tâm thức của chúng ta, nghĩa là, nói cách khác, hiểu
Một trong những tên tuổi tiêu biểu nhất của thuyết tiếp nhận là Hans Robert Jauss. Một trong những khái niệm nòng cốt trong lý thuyết
của Jauss là khái niệm ‘tầm kỳ vọng’ (horizon of expectations), tức
một hệ thống liên chủ thể hoặc một hệ thống quy chiếu mà người đọc mang theo khi tiếp cận với một tác phẩm nào đó và dùng nó để đánh giá tác phẩm ấy. Nói chung, những cách viết và những cách đọc bình thường sẽ trùng khít với những ‘tầm kỳ vọng’ của thời đại. Nhưng những tác phẩm có tính tiền vệ, đi trước thời đại, sẽ đi lệch ra
ngoài ‘tầm kỳ vọng’ ấy và sẽ gây nên những phản ứng gay gắt từ người đọc cho đến khi ‘tầm kỳ vọng’ ấy được điều chỉnh lại qua thời
gian.
Trong khi thuyết tiếp nhận thoát thai từ hiện tượng luận, thuyết hồi ứng của người đọc lại xuất phát từ Mỹ, bao gồm nhiều khuynh hướng khác nhau, từ tâm lý học của David Bleich và Norman Holland, đến ký hiệu học của Michael Riffaterre. Tuy nhiên, đại biểu
nổi bật nhất của thuyết hồi ứng của người đọc có lẽ là Stanley Fish,
người đưa ra một khái niệm mới: ‘cộng đồng diễn dịch’ (interpretive
community). Theo Fish, mỗi cộng đồng có một ‘chiến lược diễn
dịch’ chung bao gồm những hệ thống niềm tin, quy phạm và quy ước
chung về văn học để dựa theo đó các cá nhân đọc, diễn dịch và đánh
giá các tác phẩm văn học. Với những ‘chiến lược diễn dịch’ như thế, người đọc sẽ tạo ra hơn là khám phá ra cấu trúc của tác phẩm. Ít
niệm ‘khả lực văn học’ (literary competence), tức những quy ước giúp người đọc hiểu và cảm được các tác phẩm văn học. Với khái
niệm ‘khả lực văn học’ này, Culler tránh được những kết luận có
phần cực đoan của Fish: với ông, ý nghĩa của tác phẩm văn học
không phải chỉ là sự hồi ứng của người đọc mà là một cái gì có tính chất thiết chế, một chức năng của những quy ước được cả xã hội đồng thuận và chia sẻ.
Tài liệu tham khảo thêm: Reader-Response Criticism: From Formalism to Post-Structuralism do Jane P. Tompkins biên tập
(1980), Baltimore: The Johns Hopkins University Press;
Reception Theory: A Critical Introduction của Robert C.
Holub (1984), London: Routledge; The Return of the Reader: Reader-response Criticism của Elizabeth Freund (1987),
London: Methuen. Bằng tiếng Việt có cuốn Tác phẩm văn học
như là quá trình của Trương Ðăng Dung (2004), Hà Nội: Nxb
Khoa Học Xã Hội.