Thuật ngữ ‘phân tâm học’ do Sigmund Freud đặt ra vào năm 1896.
Thời gian đầu, đó chỉ thuần tuý là một khoa học và là một phương
pháp trị bệnh, sau, ảnh hưởng lan rộng sang địa hạt văn học, trở
thành một phương pháp phê bình. Với tư cách là một phương pháp
phê bình, phân tâm học xem tác phẩm văn học như một thế giới
huyễn tưởng trong đó, nhân vật có đời sống riêng, với những quy
luật tâm lý riêng. Tất cả mọi chi tiết được mô tả trong thế giới huyễn tưởng ấy đều được xem là những biểu tượng phản ánh những ước
muốn âm thầm cũng như những dồn nén trong vô thức của tác giả. Xin lưu ý, với các nhà phân tâm học, ‘vô thức’ không phải là sự
thiếu vắng ý thức mà là một cõi riêng, một phần riêng trong cấu trúc
tâm thức của con người, nơi chứa đựng những xung lực có tính bản năng và những ước mơ không thể thực hiện được, thậm chí, không
thể chấp nhận được trong một xã hội được xem là văn minh. Những
xung lực và những ước mơ bị dồn nén này không ngừng tìm cách trồi lên vùng ý thức dưới nhiều hình thức nguỵ trang khác nhau và qua nhiều cách thức khác nhau, trong đó, những cách thức phổ biến
nhất là nói tục, nói nhịu và đặc biệt, các giấc mơ. Các nhà phân tâm
học xem giấc mơ như cửa ngõ chính dẫn vào thế giới vô thức. Các
nhà phê bình theo khuynh hướng phân tâm học xem tác phẩm văn
học y như một giấc mơ: nếu giấc mơ là một sự hoàn thành trá hình những ước muốn bị dồn nén của con người, tác phẩm cũng chỉ là hình thức thăng hoa của các ẩn ức từ trong vô thức và từ thời thơ ấu.
Hoạt động của giấc mơ - cũng như của tác phẩm văn học – có thể được tóm gọn vào hai quá trình chính, ‘dồn nén’ và ‘hoán vị’. Trong
quá trình ‘dồn nén’, vô số các ước mơ, các ẩn ức và các mặc cảm
khác nhau sẽ được kết tập vào một hình thức biểu hiện nhất định, sau đó, hình thức biểu hiện này sẽ được nguỵ trang, tức được hoán
chuyển sang một hình thức khác phù hợp với các quy ước đạo đức và văn hoá của xã hội. Hai quá trình ‘dồn nén’ và ‘hoán chuyển’ này
tương tự hai cấu trúc ‘ẩn dụ’ (dồn nén ý nghĩa lại theo nguyên tắc tương đồng) và ‘hoán dụ’ (hoán chuyển ý nghĩa này sang ý nghĩa
khác theo nguyên tắc tương cận) mà Roman Jakobson đã phát hiện như hai cái trục chính trong sinh hoạt ngôn ngữ nhân loại. Chính vì sự tương tự này, Jacques Lacan đã đi đến một kết luận nổi tiếng: “vô
thức cũng được cấu trúc như ngôn ngữ.” Với công thức này, Lacan trở thành một đại biểu của phân tâm học theo khuynh hướng cấu trúc
luận. Tuy nhiên, sau đó, ông đã đi xa hơn về hướng hậu cấu trúc luận
khi ông không dừng lại ở hai trục ẩn dụ và hoán dụ mà còn cho ngôn ngữ được hình thành từ những cái biểu đạt (signifiers) hơn là các ký hiệu (signs) với những ý nghĩa cố định. Ví dụ, nếu chúng ta nằm mơ
thấy một con ngựa; con ngựa ấy sẽ không phải là một ký hiệu theo ý
nghĩa mà Ferdinand de Saussure thường dùng, mà nó chỉ là một cái
biểu đạt từ đó, chúng ta có thể diễn dịch ra nhiều cái được biểu đạt,
tức nhiều ý nghĩa khác nhau. Vô thức, bởi vậy, với Lacan, là một
chuỗi vận động liên tục của các cái biểu đạt, ở đó, những cái được
biểu đạt thường bị đèn nén, không vươn lên tầm ý thức được. Bị tác động bởi vô thức, chúng ta sẽ không bao giờ nói được hoàn toàn
đúng những gì chúng ta muốn nói: mọi diễn ngôn đều ít nhiều mang
tính nói nhịu, do đó, mơ hồ, hơn nữa, hàm hồ. Ý nghĩa luôn luôn là cái gì dở dang, lẫn lộn giữa những yếu tố có tính truyền thông và những yếu tố phi truyền thông, vừa sáng rõ vừa tăm tối, vừa ngỡ như
có thể nắm bắt được lại vừa phấp phới bay ra xa. Quan niệm này dẫn
dến một quan niệm khác về ngôn ngữ: giống các nhà cấu trúc luận
khác, Lacan tin ngôn ngữ là cái gì không hoàn toàn nằm trong tầm
kiểm soát của cá nhân: ngôn ngữ có trước chúng ta, luôn luôn có sẵn ở đâu đó để chờ đợi chúng ta. Ðiều này có nghĩa là vô thức không
phải được cấu trúc như ngôn ngữ mà còn là sản phẩm của ngôn ngữ.
Ðây chính là một trong vài sự khác biệt lớn nhất giữa Lacan và Freud: Trong khi Freud nhấn mạnh vào các yếu tố sinh lý, Lacan
nhấn mạnh vào yếu tố ngôn ngữ: với ông, không có bất cứ một chủ
thể nào độc lập với ngôn ngữ. Trong khi Freud quan tâm một cách đặc biệt đến mối quan hệ giữa bản tính tự nhiên và văn hoá, ở đó, theo ông, ưu thế sẽ thuộc về văn hoá, Lacan quan niệm cái gọi là bản
tính bẩm sinh là cái gì không thể nhận diện được trọn vẹn vì nó luôn luôn bị ảnh hưởng bởi cái ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng: với ông, con người vừa không bao giờ có thể được định nghĩa trọn vẹn lại
vừa không thể trốn thoát được các định nghĩa: mỗi người luôn luôn ở
trong quá trình tự tìm chính mình. Sự khác biệt này lại dẫn đến một
khác biệt khác nữa: Trong khi Freud hay nói đến bản năng và những
xung lực từ vô thức, Lacan lại hay nói đến những ước mơ: với ông, ước mơ là cái gì có tính bản thể luận, một cuộc đấu tranh nhằm vươn
lên cái toàn thể hơn là gắn liền với những xung lực tính dục. Mọi ước mơ đều gắn liền với sự thiếu hụt. Ngay chính ngôn ngữ con người cũng hoạt động trên sự thiếu hụt ấy: điều kiện để từ ngữ có ý
nghĩa là sự vắng mặt của cái được biểu đạt và sự loại trừ vô số
Lý thuyết phân tâm học thay đổi, phê bình dưới nhãn quan phân tâm học cũng thay đổi theo. Thoạt đầu, các nhà phê bình phân tâm học
‘cổ điển’ xem tác phẩm như một biểu hiện hoặc một phản ánh vô
thức, do đó, cho công việc chính của phê bình là phân tích văn bản để nhận diện những gì giấu kín trong vô thức của tác giả. Sau, phần
lớn xem tác phẩm như một công trình sản xuất, một thứ production,
hơn là product, ở đó, nhiệm vụ chính của nhà phê bình không phải là
‘đọc’ cái văn bản có sẵn mà là cố gắng khám phá quá trình hình thành của văn bản, không phải tìm xem văn bản nói cái gì mà là nhằm phát hiện văn bản ấy được tạo dựng như thế nào. Trong công việc khám phá và phát hiện ấy, nhà phê bình cần chú ý đến những
‘triệu chứng’ tương đối bất bình thường như những sự bóp méo, sự
vắng mặt hay sự lặp lại… của một số yếu tố nào đó trong văn bản. Trước, người ta chỉ tập trung truy nguyên diện mạo vào tác giả; sau,
từ thập niên 1950, một số nhà phân tâm học chuyển hướng phân tích
từ tác giả sang độc giả. Theo Norman Holland, nguồi suối của mọi
niềm vui do văn học mang lại là, qua việc đọc tác phẩm - một hế
thống được mã hoá, chúng ta có thể hoán chuyển những ước muốn
từ vô thức thành những ý nghĩa văn hoá mà mọi người có thể chấp
nhận được. Ðọc, như vậy, với Holland, trước hết và trên hết, là một hành động tái tạo bản sắc của chính độc giả. Trong công việc tìm hiểu tác giả, trước, người ta chỉ tập trung vào vô thức cá nhân; sau,
dưới ảnh hưởng của Carl Jung, người ta còn quan tâm đến cả vô thức
tập thể, từ đó, dẫn đến lý thuyết phê bình cổ mẫu (archetypal criticism), như một bước phát triển lệch hướng của Phê Bình Mới,
với đại biểu chính là Northrop Frye. Bên cạnh đó, Harold Bloom dùng lý thuyết về mặc cảm Oedipus của Freud để hình dung lịch sử
văn học như một cuộc ‘đấu tranh’ liên lỉ giữa các thế hệ cầm bút: người nào cũng lo lắng và nung nấu khát vọng thoát khỏi cái bóng
của một bậc tiền bối hay đàn anh nào đó mà mình ái mộ. Theo
Bloom, bất cứ bài thơ nào cũng có thể được đọc như một nỗ lực
thoát ra khỏi ảnh hưởng của những bài thơ được sáng tác trước đó;
nói cách khác, mọi bài thơ đều được viết lại từ những bài thơ khác; ý nghĩa của một bài thơ, do đó, là một bài thơ khác.
Phân tâm học cũng có những ảnh hưởng nhất định lên một số những
lý thuyết hậu hiện đại hàng đầu thế giới như Jacques Derrida, Gilles
Deleuze, Félix Guattari, Julia Kristeva và nhiều nhà nữ quyền luận
khác.
Tài liệu tham khảo thêm: Psychoanalytic Criticism, a Reappraisal của Elizabeth Wright (1998), Cambridge: Polity
Press; Literature, Science, Psychoanalysis, 1830-1970: Essays in Honour of Gillian Beer do Helen Small và Trudi Tate biên tập (2003), Oxford: Oxford University Press; Literature and Analysis: Intertextual Readings của Ruth Parkin-Gounelas (2001), New York: Palgrave.