II. HỆ THỐNG PHÁP LUẬT XÃ HỘI CHỦ NGHĨA 1 Khái niệm hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa
3. Các ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam
Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay bao gồm các ngành luật cơ bản sau:
3.1. Luật Hiến pháp
Luật Hiến pháp gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ cơ bản về tổ chức quyền lực nhà nước, về chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá- xã hội, chế độ bầu cử, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về quốc tịch...
Luật Hiến pháp là ngành luật chủ đạo trong hệ thống pháp luật, bởi vì nó là ngành luật điều chỉnh những quan hệ xã hội quan trọng nhất của quốc gia và tất cả các ngành luật khác đều được hình thành trên cơ sở những nguyên tắc của luật Hiến pháp.
3.2. Luật hành chính
Luật hành chính gồm tổng thể những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội hình thành trong quá trình tổ chức và thực hiện hoạt động chấp hành- điều hành của nhà nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội...
Luật hành chính quy định những vấn đề cơ bản sau:
- Các nguyên tắc quản lý hành chính nhà nước, tức là các ngyên tắc thực hiện quyền hành pháp trong quyền lực nhà nước;
- Tổ chức hệ thống quản lý hành chính nhà nước; - Hoạt động quản lý hành chính nhà nước
- Kiểm soát (giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm sát, tài phán) đối với hành chính nhà nước.
Luật hành chính sử dụng phương pháp mệnh lệnh thể hiện tính quyền lực phục tùng trong quan hệ quản lý nhà nước là chủ yếu. Đồng thời, nó còn dùng phương pháp hợp đồng hành chính để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực dịch vụ công và phối hợp thực hiện quyền hành pháp.
3.3. Luật hình sự
Luật hình sự là tổng thể những quy phạm pháp luật quy định hành vi nào là tội phạm, mục đích của hình phạt và những điều kiện áp dụng hình phạt, hình thức và mức độ hình phạt đối với những người có hành vi phạm tội.
3.4. Luật tố tụng hình sự
Luật tố tụng hình sự gồm những quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong việc điều tra, xét xử và kiểm sát việc điều tra, xét xử những vụ án hình sự. Luật tố tụng hình sự cũng quy định những nguyên tắc, thủ tục và điều kiện để tiến hành điều tra, kiểm sát và xét xử các vụ án hình sự, quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng hình sự.
3.5. Luật Dân sự
Luật dân sự gồm tổng thể những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ tài sản dưới hình thức hàng hoá- tiền tệ và các quan hệ nhân thân.
3.6. Luật hôn nhân và gia đình
Luật hôn nhân và gia đình bao gồm tổng thể những quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản phát sinh do việc kết hôn giữa nam và nữ như: điều kiện kết hôn, quan hệ tài sản giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái nhằm mục đích bảo vệ chế độ hôn nhân tự do, tiến bộ, quyền bình đẳng giữa nam và nữ, xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo vệ lợi ích của phụ nữ và trẻ em, chăm sóc và giáo dục con cái.
3.7. Luật tố tụng dân sự
Luật tố tụng dân sự là tổng thể những quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa cơ quan xét xử, Viện kiểm sát nhân dân, các bên đương sự và những người tham gia tố tụng dân sự khác trong quá trình Toà án thụ lý và giải quyết những vụ án dân sự.
Các quy phạm của luật tố tụng dân sự quy định thâme quyền xét xử, trình tự, thủ tục xét xử và những vấn đề khác nhằm giải quyết đúng đắn các vụ án dân sự.
3.8. Luật tài chính
Luật tài chính gồm những quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực hoạt động tài chính của nhà nước, trong quá trình hình thành, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ của các chủ thể hoạt động phân phối của cải dưới hình thức giá trị.
3.9. Luật ngân hàng
Luật ngân hàng là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động tiền tệ, tín dụng và ngân hàng.
3.10. Luật đất đai
Luật đất đai là tổng thể những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội hình thành trong lĩnh vực bảo vệ, quản lý và sử dụng đất, trong đó đất đai là tư liệu sản
xuất thuộc sở hữu nhà nước, do Nhà nước thống nhất quản lý theo quy hoạch và kế hoạch chung.
3.11. Luật thương mại
Luật kinh tế là tổng thể những quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ phát sinh trong quá trình tổ chức và hoạt động sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp với nhau và với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
3.12. Luật lao động
Luật lao động là tổng thể những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh giữa người lao động với người sử dụng lao động (cá nhân, tổ chức) và những quan hệ xã hội khác liên quan trực tiếp tới quan hệ lao động.
3.13. Luật môi trường
Luật môi trường là tổng thể những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình sử dụng, khai thác, quản lý, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Ngoài những ngành luật thuộc hệ thống pháp luật quốc gia còn tồn tại bộ phận pháp luật quốc tế có vị trí hết sức quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, tạo lập trật tự pháp luật. Luật quốc tế bao gồm công pháp quốc tế và tư pháp quốc tế.
- Công pháp quốc tế là tổng hợp những nguyên tắc, những chế định, những quy phạm được các quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế xây dựng trên cơ sở thoả thuận tự nguyện và bình đẳng, nhằm điều chỉnh quan hệ nhiều mặt giữa chúng.
- Tư pháp quốc tế bao gồm những nguyên tắc và những quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ dân sự, hôn nhân - gia đình, lao động và tố tụng dân sự nảy sinh giữa các công dân, các tổ chức của các nước khác nhau.