Thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về thủ tục hành chính thuế

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sỹ Luật (Trang 72 - 88)

2.1.1. Thực trạng pháp luật về thủ tục hành chính thuế

Trước khi Luật Quản lý thuế được ban hành, các thủ tục hành chính thuế được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật. Trong các văn bản pháp luật thuế quy định từng sắc thuế, ngoài việc quy định về nội dung của sắc thuế đó nó còn quy định về thủ tục hành chính thuế nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện quản lý thuế. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính thuế còn được quy định trong các văn bản pháp luật khác như: Pháp luật về hóa đơn; pháp luật về cấp mã số thuế; pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế; pháp luật về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo; pháp luật về thanh tra… Ngoài ra, đối với các cơ sở kinh doanh thí điểm thực hiện cơ chế tự khai, tự nộp thuế thì một số thủ tục hành chính thuế được thực hiện theo quy định tại quyết định số 197/2003/QĐ –TTg ngày 23/09/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thực hiện cơ chế cơ sở sản xuất kinh doanh tự kê khai, tự nộp thuế;

Về cơ bản, các thủ tục hành chính thuế trước khi ban hành Luật Quản lý thuế đã được pháp luật quy định khá chi tiết, tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý thuế được giao, bảo đảm nguyên tắc quản lý thuế bằng pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên, pháp luật quy định về các thủ tục hành chính thuế còn tồn tại nhiều bất cập, cụ thể:

Một là, phần lớn các thủ tục hành chính thuế được quy định chủ yếu trong các văn bản dưới luật, hiệu lực pháp lý không cao;

Hai là, các quy định về thủ tục hành chính thuế còn phức tạp, tản mạn, chưa bảo đảm tính hệ thống, thống nhất. Mỗi sắc thuế đều quy định về thủ tục hành chính thuế để áp dụng cho việc thực hiện riêng sắc thuế đó, trong khi đó có nhiều loại thuế thủ tục kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế khá giống nhau dẫn đến quy định trùng lặp, chồng chéo. Bởi vậy, thủ tục hành chính thuế khá phức tạp, khó nhớ, khó thực hiện cho người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế, đồng thời cản trở việc tin học hoá, hiện đại hoá công tác quản lý thuế. Điều này dẫn đến hệ quả là công tác tuyên truyền phổ biến thủ tục hành chính thuế gặp nhiều khó khăn, sự giám sát của nhân dân và của các cơ quan nhà nước đối với việc thực hiện các thủ tục hành chính thuế gặp nhiều trở ngại.

Ba là, pháp luật quản lý thuế chưa minh bạch, một số thủ tục hành chính thuế còn quy định chưa cụ thể, rõ ràng hoặc chưa có tính khả thi. Chẳng hạn, các thủ tục hành chính phát sinh trong nội bộ cơ quan quản lý thuế, các thủ tục hành chính giữa cơ quan quản lý thuế với các cơ quan nhà nước khác và với các tổ chức cá nhân có liên quan. Pháp luật chưa quy định thủ tục và trách nhiệm cung cấp thông tin của người nộp thuế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cho cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho việc quản lý thuế; thủ tục trong ấn định thuế; thủ tục trong việc thực hiện quyền yêu cầu cơ quan thuế giữ bí mật thông tin và trách nhiệm bồi thường của cơ quan quản lý thuế đối với người nộp thuế khi cơ quan quản lý thuế hoặc công chức thuế thực hiện không đúng quy định, làm thiệt hại đến lợi ích của họ. Pháp luật chưa quy định rõ thủ tục và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong thực hiện quản lý thuế. Pháp luật chưa quy định rõ về thẩm quyền và thủ tục cưỡng chế thuế, đặc biệt, trong tạm giữ hàng hoá, tang vật, kê biên tài sản…nên cơ quan thuế trên thực tế không thực hiện được biện pháp này. Khi Luật Quản lý thuế được ban hành ngày 29/11/2006, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành, sửa đổi nhiều các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này. Theo đó đã thống nhất được các quy định về quản lý thuế nói chung và các thủ tục hành chính thuế nói riêng. Bởi vậy, đã khắc phục được những hạn chế của các quy định về thủ tục hành chính thuế trước đây, góp phần nâng cao trách nhiệm, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế, tạo điều kiện cho người nộp thuế chấp hành tốt pháp luật thuế. Trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành về thủ tục hành chính thuế, chúng tôi có những đánh giá cụ thể về từng thủ tục hành chính thuế như sau:

2.1.1.1. Về đăng ký thuế:

Đăng ký thuế là việc người nộp thuế thực hiện khai báo sự hiện diện của mình và nghĩa vụ phải nộp một hoặc một số loại thuế với cơ quan quản lý thuế. Pháp luật quản lý thuế hiện hành đã quy định các nội dung gồm: Đối tượng phải đăng ký thuế, thời hạn đăng ký thuế, hồ sơ đăng ký thuế, địa điểm nộp hồ sơ đăng ký thuế, thời hạn cấp và các loại Giấy chứng nhận đăng ký thuế (cấp mới, cấp lại…). Ngoài ra, pháp luật quản lý thuế còn quy định về mã số thuế và việc sử dụng mã số thuế đối với người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế và với cơ quan liên quan; quy định các trường hợp chấm dứt hiệu lực mã số thuế và thủ tục chấm dứt mã số thuế và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký thuế…

So với trước đây, thủ tục đăng ký thuế đã có nhiều cải cách quan trọng. Đó là việc thống nhất áp dụng mã số thuế giữa cơ quan Hải quan và cơ quan Thuế, tiếp đến thống nhất mã số đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế thành một mã số DN, sau cùng là gộp cả 3 thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, khắc dấu DN thành thủ tục đăng ký DN được thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông. Hiệu quả nổi bật của việc cải cách về thủ tục hành

chính này là thời gian thực hiện 3 thủ tục (trong đó có thủ tục đăng ký thuế) đã rút ngắn từ 30 ngày xuống còn 5 ngày.

Nhìn chung, đa số người nộp thuế (84,7% DN được khảo sát trên địa bàn Hà Nội) đánh giá hài lòng với sự thuận lợi trong việc thực hiện hoạt động đăng ký thuế hiện nay.[44, tr.113];

Luật Quản lý thuế (từ điều 21 đến điều 29) và Thông tư số 85/2007/TT- BTC ngày 18/07/2007 Hướng dẫn về việc đăng ký thuế đã quy định khá chi tiết, cũng đã tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho người dân. Tuy nhiên, để cải cách hơn nữa thủ tục hành chính trong đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế để thống nhất mã số đăng ký kinh doanh và mã số thuế thành một mã số duy nhất gọi là mã số DN, Ngày 15/04/2010 Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2010/NĐ-CP về đăng ký DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 14/2010/TT-BKH ngày 04/06/2010 hướng dẫn một số nội dung về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký DN. Như vậy, đối với những DN thành lập theo Luật DN sau khi Nghị định số 43/2010/NĐ-CP và Thông tư 14/2010/TT-BKH có hiệu lực thì thực hiện đăng ký DN (đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế lần đầu) được thực hiện theo trình tự, thủ tục, hồ sơ và mẫu biểu được quy định tại Văn bản pháp luật này mà không thực hiện đăng ký thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và Thông tư số 85/2007/TT- BTC. Điều này dẫn đến tình trạng không thống nhất về đăng ký thuế được quy định trong Luật Quản lý thuế và quy định của pháp luật về đăng ký DN. Chẳng hạn, về hồ sơ, trình tự thủ tục đăng ký DN (trong đó bao gồm cả đăng ký thuế) có khác biệt so với hồ sơ, trình tự thủ tục đăng ký thuế được quy định tại điều 23 Luật Quản lý thuế. Về địa điểm nộp hồ sơ đăng ký thuế: Điều 24 Luật Quản lý thuế có quy định nộp hồ sơ đăng ký thuế trực tiếp tại cơ quan quản lý thuế, nhưng tại Điều 25 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP quy định, nơi tiếp nhận hồ sơ đăng ký DN tại Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi DN đặt trụ sở chính. Hoặc tại Điều 27 Luật Quản lý thuế quy định khi có thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế đã nộp, người nộp thuế phải thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Tuy nhiên, tại Điều 45 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP quy định khi DN thay đổi nội dung đăng ký thuế mà không thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh thì DN gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi DN đặt trụ sở chính; Thông báo thay đổi nội dung đăng ký thuế theo mẫu quy định tại Phụ lục III-10 ban hành kèm theo Thông tư 14/2010/TT-BKH.

Do có sự không thống nhất trong quy định về đăng ký thuế giữa Luật Quản lý thuế với các quy định mới về đăng ký DN dẫn đến khó khăn, lúng túng nhất định cho các DN trong thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký thuế, đồng thời làm cho pháp luật quản lý thuế trở lên không rõ ràng, minh bạch. Chẳng hạn, các DN, các tổ chức kinh doanh không thành lập, hoạt động theo quy định của Luật DN mà theo các quy định của luật chuyên

ngành hay các DN thành lập, hoạt động theo Luật DN trước thời điểm Nghị định số 43/2010/NĐ-CP được ban hành mà nay có thay đổi thông tin về đăng ký thuế thì sẽ thực hiện thủ tục hành chính này theo quy định trong văn bản bản pháp luật nào? Để khắc phục nhược điểm trên, ngày 25/05/2012 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 80/2012/TT-BTC (thay thế cho Thông tư số 85/2007/TT- BTC), Hướng dẫn Luật Quản lý thuế về đăng ký thuế, trong đó quy định rõ: Các DN thành lập, hoạt động theo quy định của Luật DN thực hiện đăng ký thuế, đăng ký thay đổi thông tin về đăng ký thuế thì thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký DN, các đối tượng còn lại thực hiện thủ tục về đăng ký thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và Thông tư số 80/2012/TT-BTC ngày 25/05/2012.

2.1.1.2.Về khai thuế, tính thuế

Khai thuế là việc người nộp thuế tự xác định số thuế phải nộp phát sinh trong kỳ kê khai thuế theo qui định của từng Luật thuế. Người nộp thuế sử dụng hồ sơ khai thuế của từng loại thuế theo qui định của Luật Quản lý thuế để kê khai số thuế phải nộp với cơ quan thuế và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của các số liệu trong hồ sơ khai thuế.

Pháp luật quản lý thuế hiện hành đã quy định khá đầy đủ, rõ ràng, chi tiết các nội dung về kê khai, tính thuế, cụ thể:

Một là, về nguyên tắc khai thuế, tính thuế: Người nộp thuế tự kê khai, tự tính số tiền thuế phải nộp trong hồ sơ khai thuế của mình nộp cho cơ quan quản lý thuế, trừ trường hợp bị ấn định thuế hoặc nộp thuế theo phương pháp khoán thuế và người nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Việc tự khai, tự tính thuế vừa là quyền vừa trách nhiệm của người nộp thuế. Pháp luật có quy định về các trường hợp không được hoặc không phải tự khai, tự tính thuế với lý do khác nhau, ở đây cần phải phân biệt để tránh hiểu nhầm, cụ thể:

+ Đối với trường hợp người nộp thuế vi phạm pháp luật thuế thuộc diện bị ấn định thuế, người nộp thuế mặc dù có quyền được tự khai thuế, tính thuế nhưng họ đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật buộc cơ quan thuế phải ấn định thuế. Thực chất đối với trường hợp này, nhà nước tước bỏ quyền tự khai, tự tính thuế của người nộp thuế này do họ có hành vi vi phạm.

+ Đối với trường hợp cá nhân, hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thuế và hộ gia đình, cá nhân nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp, đến kỳ nộp thuế cơ quan thuế sẽ tính thuế và ra thông báo cho người nộp thuế biết và thực hiện. Đối với những đối tượng này, không phải là Nhà nước tước đi quyền được tự khai, tự tính thuế hay Nhà nước có sự phân biệt đối xử với họ, mặc dù họ là đối tượng có điều kiện tự khai thuế, tính thuế nhưng do cơ quan thuế đã lưu giữ đủ cơ sở dữ liệu, thông tin về căn

cứ tính thuế tại cơ quan thuế, đồng thời cũng để giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và chi phí quản lý cho cơ quan thuế.

Hai là, về trách nhiệm, người nộp thuế phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong tờ khai thuế theo mẫu và nộp đủ các loại chứng từ, tài liệu quy định trong hồ sơ khai thuế với cơ quan quản lý thuế. Nếu trong kỳ tính thuế không phát sinh nghĩa vụ thuế thì người nộp thuế vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế theo đúng thời hạn quy định.

Tờ khai thuế là một chứng từ trong hồ sơ thuế và là căn cứ pháp lý thể hiện hành vi tính toán số thuế phải nộp của người có nghĩa vụ thuế. Tờ khai thuế cung cấp những thông tin cần thiết cho cơ quan thuế thực thi nhiệm vụ quản lý thuế. Hồ sơ khai thuế bao gồm tờ khai thuế và các tài liệu liên quan. Pháp luật quản lý thuế có quy định cụ thể hồ sơ khai thuế đối với từng loại thuế khai theo tháng, tạm tính theo quý, theo năm hoặc theo từng lần phát sinh thuế để người nộp thuế tự xác định được trách nhiệm của mình.

Các mẫu tờ khai được chuẩn hóa đảm bảo rõ ràng, người nộp thuế được cung cấp hồ sơ khai thuế thuận tiện bằng việc được cung cấp phần mềm miễn phí. Hệ thống mẫu biểu của hồ sơ khai thuế có hướng dẫn cụ thể cách khai các chỉ tiêu để người nộp thuế dễ thực hiện. Người nộp thuế phải sử dụng đúng mẫu biểu quy định, không được thêm bớt, thay đổi định dạng mẫu biểu..

Ba là, về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế được quy định thống nhất phù hợp với từng loại thuế khai theo tháng, theo năm, theo từng lần phát sinh, giúp người nộp thuế dễ hiểu, dễ thực hiện. Về nơi nộp hồ sơ khai thuế là cơ quan thuế quản lý trực tiếp, người nộp thuế có thể nộp hồ sơ khai thuế trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc qua đường bưu điện hoặc nộp hồ sơ khai thuế điện tử khi có đủ điều kiện.

Ngoài ra, pháp luật quản lý thuế còn quy định về các trường hợp được gia hạn, người có thẩm quyền gia hạn, thời gian gia hạn, thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế. Trường hợp người nộp thuế nếu phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai sót, nhầm lẫn gây ảnh hưởng đến số thuế phải nộp thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế.Hồ sơ khai thuế bổ sung được nộp cho cơ quan thuế vào bất cứ ngày làm việc nào, không phụ thuộc vào thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của lần tiếp theo, nhưng phải khai trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế. Trong trường hợp này người nộp thuế không bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khai thiếu cũng như xử phạt về hành vi trốn thuế. Với quy định trên đã khuyến khích người nộp thuế tự kiểm tra phát hiện những lỗi sai sót của mình trong quá trình kê khai nộp thuế và qua đó thúc đẩy tính tự giác tuân thủ của người nộp thuế.

Trên thực tế, thủ tục kê khai, tính thuế đã được DN đánh giá là đơn giản, thuận tiện

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sỹ Luật (Trang 72 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)