Quan điểm của các nhà nghiên cứu hiện đạ

Một phần của tài liệu Ôn Văn học Trung đại - Lớp 9 (Trang 35 - 36)

II. Bài của học giả Trần Thị Băng Thanh

2. Quan điểm của các nhà nghiên cứu hiện đạ

- Bùi Văn Nguyên viết: “Nguyễn Dữ, người làng Đỗ Tùng, huyện Thường Tân (nay là làng Đỗ Lâm, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Hưng), con ông Thượng thư Nguyễn Tường Phiếu (Tiến sĩ năm 1496 đời Hồng Đức)… Nguyễn Dữ có chân Hương tiến (tương đương với Cử nhân), thi Hội trúng Tam trường, có làm Tri huyện huyện Thanh Tuyền (nay là huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), được một năm rồi từ chức về nuôi mẹ, chân không bước đến chốn thị thành nữa. Theo Vũ Khâm Lân, tác giả bài Bạch Vân am cư sĩ phổ ký và theo An Quang hầu, người ghi chép thơ chữ Hán của Nguyễn Bỉnh Khiêm, thì Nguyễn Dữ không ra làm quan, chỉ ở ẩn nơi thôn dã.

Nguyễn Dữ là một trong những người học trò giỏi của Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông sống vào khoảng các triều vua Uy Mục, Tương Dực, Chiêu Tông, Cung Hoàng, tức là thời kỳ suy đồi của nhà Lê. Chịu ảnh hưởng của thày học, ông chán ghét đời sống quan trường điên đảo, bỏ đi ở ẩn và ca tụng cảnh nhàn tản...”(7).

“Cũng như thầy học là Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ là một nhà nho có khí tiết sống giữa thời loạn lạc...”(8).

- Trần Văn Giáp viết: “Ông đậu Hương tiến (Cử nhân) vào khoảng đầu thế kỷ XVI, làm tri huyện Thanh Toàn (?) rồi xin nghỉ về nhà nuôi mẹ. Trong khi

nghỉ, ông soạn ra bộ Truyền kỳ mạn lục. Theo sách Công dư tiệp ký (q. 10), ông là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm, nên sách này đã được Nguyễn Bỉnh Khiêm sửa chữa. Đến đời Mạc, sách này được Nguyễn Thế Nghi, tước Đại Hưng hầu, người làng Mộ Trạch diễn dịch ra chữ Nôm (Công dư tiệp ký, q.2, tờ 35)”(9).

- Bùi Duy Tân viết: “Truyền kỳ mạn lục là tác phẩm của Nguyễn Dữ, người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân (Hải Dương), nay là thôn Đỗ Lâm, xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện (Hải Hưng). Cha Nguyễn Dữ là Nguyễn Tường Phiếu, Tiến sĩ khoa Bính thìn niên hiệu Hồng đức thứ 27 (1496) đời Lê Thánh Tông. Theo Ôn Đình hầu Vũ Khâm Lân, người biên soạn Bạch Vân am cư sĩ phả ký và Ân Quang hầu, người biên tập thơ văn chữ Hán của Nguyễn Bỉnh Khiêm, thì Nguyễn Dữ không ra làm quan, ẩn cư ở núi rừng Thanh Hóa và làm ra sách Truyền kỳ mạn lục. Sách ấy được Nguyễn Bỉnh Khiêm phủ chính, trở thành “thiên cổ kỳ bút”. Nhưng theo bài tựa đề ở đầu cuốn truyện in mộc bản năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763), theo Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục, Bùi Huy Bích trong Hoàng Việt thi tuyển và một số bài tựa ở các cuốn Truyền kỳ mạn lục in về sau, thì Nguyễn Dữ có đi thi hương, đậu Hương tiến (tức Cử nhân), sau thi hội, trúng Tam trường và có ra làm quan huyện Thanh Toàn (nay là huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phú), được một năm thì cáo quan về, lấy lý do phụng dưỡng mẹ già cho tròn đạo hiếu, từ đó “trải mấy mươi sương, chân không bước đến thị thành... Theo Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề thì Nguyễn Dữ là học trò Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), bạn học với Phùng Khắc Khoan (1528-1613)...”(10).

Bùi Duy Tân nhắc lại trong Từ điển văn học: “Nguyễn Dữ, nhà văn Việt Nam, người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân, nay thuộc Thanh Miện, Hải Dương. Thuộc dòng dõi khoa hoạn, từng ôm ấp lý tưởng hành đạo, đã đi thi và có thể đã ra làm quan. Sau vì bất mãn với thời cuộc, lui về ẩn cư ở núi rừng Thanh Hóa, từ đó “trải mấy mươi sương, chân không bước đến thị thành”. Chưa rõ Nguyễn Dữ sinh và mất năm nào, chỉ biết ông sống đồng thời với thầy học là Nguyễn Bỉnh Khiêm và bạn học là Phùng Khắc Khoan, tức là vào khoảng thế kỷ XVI và để lại tập truyện chữ Hán nổi tiếng viết trong thời gian ở ẩn, Truyền kỳ mạn lục... Truyện được Nguyễn Bỉnh Khiêm phủ chính và Nguyễn Thế Nghi sống cùng thời dịch ra chữ Nôm”(11).

Sở dĩ chúng tôi trích dẫn khá dài dòng như vậy để thấy rằng các tài liệu về thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm ra đời tác phẩm Truyền kỳ mạn lục trong các sách vở từ thế kỷ XVI đến nay đại để có vậy, với những thông tin rất sơ sài và không có mấy sai dị.

Một phần của tài liệu Ôn Văn học Trung đại - Lớp 9 (Trang 35 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(76 trang)
w