II. Bài của học giả Trần Thị Băng Thanh
1. Ghi chép của các nhà khảo cứu thời cổ
- Hà Thiện Hán trong bài Tựa Truyền kỳ mạn lục viết năm 1547 có thể là tài liệu “ghi chép sớm nhất” về Nguyễn Dữ, đã viết: “Tập này là trứ tác của Nguyễn Dữ, người Gia Phúc, Hồng Châu. Ông là con trưởng vị Tiến sĩ triều trước Nguyễn Tường Phiếu. Lúc nhỏ rất chăm lối học cử nghiệp, đọc rộng nhớ nhiều, lập chí ở việc lấy văn chương truyền nghiệp nhà. Sau khi đậu Hương tiến, nhiều lần thi Hội đỗ trúng trường, từng được bổ làm Tri huyện Thanh Tuyền. Mới được một năm, ông từ quan về nuôi mẹ cho tròn đạo hiếu, đến mấy năm không đặt chân đến chốn thị thành, thế rồi ông viết ra tập lục này để ngụ ý...”(1).
- Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục cũng có một thiên tiểu truyện về ông: “Nguyễn Dữ người xã Đỗ Tùng, huyện Gia Phúc. Cha là Nguyễn Tường Phiếu,
Tiến sĩ khoa Bính thìn đời Hồng Đức (1496), làm quan đến Thượng thư Bộ Hộ. Dữ từ nhỏ đã nổi tiếng học rộng nhớ nhiều, có thể lấy văn chương nối nghiệp nhà. Đỗ Hương tiến, nhiều lần thi Hội trúng Tam trường, được bổ chức Tri huyện Thanh Tuyền, mới được một năm, lấy cớ nơi làm việc xa xôi, xin về phụng dưỡng (cha mẹ?). Sau vì ngụy Mạc thoán đoạt, thề không đi làm quan nữa, ở làng dạy học, không đặt chân đến chốn thị thành, viết Truyền kỳ mạn lục bốn quyển, văn từ thanh lệ, người đương thời rất khen”(2).
- Vũ Phương Đề (1697 - ? ) trong Công dư tiệp ký viết: “Dữ ở ẩn không làm quan, viết Truyền kỳ mạn lục, phần nhiều được ông (Nguyễn Bỉnh Khiêm) phủ chính nên trở thành một “thiên cổ kỳ bút”(3).
- Phan Huy Chú trong Đăng khoa bị khảo ghi: “Nguyễn Tường Phiếu người xã Đoàn Tùng, đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Bính thìn năm Hồng Đức 27 đời Thánh Tông, làm quan đến Thừa tuyên sứ, tặng Thượng thư, nay là phúc thần. Con ông là Nguyễn Dữ, học vấn hơn người, viết Truyền kỳ lục”(4). Còn trong Lịch triều hiến chương loại chí, ông viết: “Truyền kỳ mạn lục, bốn quyển. Dật sĩ Nguyễn Dữ soạn, đại khái bắt chước Tiễn đăng tập của một nhà nho đời Nguyên. Tập này cộng 22 truyện. Dữ người Đỗ Tùng, huyện Gia Phúc, con trai của Tiến sĩ Tường Phiếu”(5). Lại viết: “Bấy giờ học trò ông (Nguyễn Bỉnh Khiêm) thành đạt rất nhiều, chỉ có Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ, Trương Thì Cừ là có tiếng nhất... Khi Dữ viết quyển Truyền kỳ mạn lục được ông sửa chữa nhiều chỗ, sau thành áng văn hay của bậc đại gia”(6).