2. Mục tiêu, yêu cầu chủ yếu của việc đổi mới hệ thống chính sách thuế
2.3- Về xã hội: Thuế phải tích cực góp phần thực hiện bình đẳng, công bằng xã hội Trong hoàn cảnh nền kinh tế có nhiều thành phần, sự bình đẳng và công bằng xã hội về
Trong hoàn cảnh nền kinh tế có nhiều thành phần, sự bình đẳng và công bằng xã hội về thuế được thể hiện trên chính sách động viên bằng nhau giữa các thành phần kinh tế, giữa các đơn vị, cá nhân, có điều kiện sản xuất, kinh doanh và môi trường hoạt động giống nhau, tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh về năng suất, chất lượng, hiệu quả, uy tín.
Công bằng xã hội không có nghĩa là cào bằng, là đòi hỏi mọi thành viên trong xã hội phải có thu nhập ngang nhau theo lối bình quần chủ nghĩa. Người có thu nhập cao phải đóng góp nhiều thuế hơn người có thu nhập thấp, người có thu nhập quá thấp thì được miễn đóng góp. Tuy nhiên chính sách thuế vẫn để cho người làm ăn giỏi, sau khi nộp thuế, còn lại thu nhập được hưởng cao, thậm chí rất cao so với người làm việc lười biếng, hoạt động kém hiệu quả. Từ đó, khuyến khích nhà doanh nghiệp quan tâm đầu tư chất xám, bỏ vốn cải tiến trang thiết bị kỹ thuật để tái sản xuất mở rộng, tăng tích luỹ cho cơ sở và có điều kiện nộp thuế cao một cách thuận lợi. Công bằng xã hội còn có ý nghĩa là không thể chỉ nhấn mạnh một chiều đến phát triển kinh doanh, tăng thu nhập cho nhà doanh nghiệp, nhưng lại muốn miễn giảm tràn lan, không muốn thực hiện chính sách động viên đóng góp công bằng, hợp lý cho NSNN, chỉ biết nghĩ đến mục tiêu làm cho "dân giàu" nhưng lại không quan tâm đến yêu cầu làm cho "nước mạnh", thiếu nguồn thu để đáp ứng các
nhu cầu chi tiêu cần thiết ngày càng tăng vì công cuộc bảo vệ và xây dựng tổ quốc. Không thể chấp nhận tình trạng nhiều người có thu nhập cao, thậm chí rất cao mà không đóng góp gì cho Nhà nước; càng không thể để kéo dài tình trạng trốn, lậu thuế để làm giàu một cách phi pháp đang xẩy ra phổ biến như là một "quốc nạn".
Nhận thức đúng đắn và ý thức tự nguyện, tự giác nộp thuế đúng pháp luật của nhân dân, cũng là một yếu tố quan trọng để chính sách thuế bảo đảm được mục tiêu công bằng, hợp lý. Công bằng và bình đẳng xã hội còn được biểu hiện trên nguyên tắc xử lý đúng luật đối với mọi vi phạm, không thể duy trì lối xử lý "nhẹ với trên, nặng với dưới", càng không thể để tình trạng có "ô dù che chắn", tội nặng lại được "nằm ngoài pháp luật" để tình cảm lấn át lý trí trong việc xử lý các tội buôn bán trốn lậu thuế.