Tháng 1 - 1959 trên mảnh đất có diện tích 22.500 m2 một cơ sở thí nghiệm sản xuất thử đã được Tổng Công ty Nông thổ sản miền Bắc ( trực thuộc Bộ Nội thương ) xây dựng thuộc khu vực Hoàng Mai (nay thuộc phường Trương Định). Hoạt động đầu tiên của cơ sở là nghiên cứu hạt trân châu ( Tiapion ) . Giữa năm 1959 cơ sở nghiên cứu thử nghiệm sản xuất thử mặt hàng miến (đây là sản phâm đầu tiên) từ nguyên liệu đậu xanh để cung cấp miến cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Đến tháng 4-1960 việc thủ nghiệm này đã đem lại hiệu quả, thành công này đã giúp cho cơ sở hoàn thành nhiệm vụ sản xuất miến trong năm 1960. Trên cơ sở đó ngày 25-10-1960 xưởng miến Hoàng Mai đã chính thức được ra đời đánh dấu bước ngoặt đầu tiên cho sự phát triển của cơ sở này. Ngay sau khi ra đời xưởng miến Hoàng Mai đã thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm ( 1960 - 1965 ). Từ năm 1961 xưởng miến Hoàng Mai đã tập trung nhân lực và thiết bị để mở rộng sản xuất và miến là mặt hàng chính của xí nghiệp. Số lượng lao động để sản xuất tăng nhanh. Bộ phận xay xát và phơi miến đã được tổ chức làm 2 ca. Cùng thời gian đó xí nghiệp đã thử nghiệm thành công và đưa vào sản xuất mặt hàng xì dầu góp phần giải quyết tình trạng nước chấm khan hiếm trên thị trường, xí nghiệp còn thành lập một bộ phận chế biến tinh bột ngô cung cấp nguyên liệu làm pin cho nhà máy pin Văn Điển phục vụ yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Năm 1970 trên mặt bằng sản xuất miến cũ nhà máy đã cải tạo và bố trí dây chuyền sản xuất nha. Giữa tháng 06 - 1970 theo chỉ thị của Bộ Lương thực Thực phẩm nhà máy đã chính thức tiếp nhận phân xưởng kẹo của Hải Châu bàn giao với công suất 900 tấn/năm, một máy dập hình kẹo cứng, 2 máy cắt, 1 máy cán. Nhiệm vụ lúc này của nhà máy là sản xuất thêm các loại kẹo đường nha và giấy tinh bột. Để phù hợp với nhiệm vụ mới nhà máy đổi tên thành Nhà máy thực phẩm Hải Hà. Năm 1971 nhà máy lắp đặt một dây chuyền sản xuất nha. Năm
1972 nhà máy đã lắp đặt hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất tinh bột duy nhất trên phạm vi cả nước. Năm 1975 lắp 1 hệ thống nồi hoà đường để thay thế khâu thủ công.
Tính đến năm 1975 nhà máy đã thực hiện việc trả lương theo sản phẩm cho 516 người giải quyết 169 trường hợp lên lương. Miền Nam được giải phóng, nước nhà hoàn toàn độc lập, để đáp ứng nhu cầu sản xuất trước tình hình và nhiệm vụ mới lãnh đạo nhà máy đã cho sửa chữa và xây dựng thêm nhiều nhà mới.
Kế hoạch 5 năm ( 1976 - 1980 ) lãnh đạo nhà máy tập trung suy nghĩ về những mặt hàng có thể xuất khẩu được để phát huy thế mạnh sẵn có trong nước. Trong thời gian này mặc dù gặp rất nhiều khó khăn vật tư khan hiếm, nhưng vượt qua tất cả nhà máy đã đứng vững và khẳng định vị trí của mình. Cùng thời gian này nhiều nhà mới đã được đưa vào sử dụng như nhà ở tập thể cho người lao động, nhà trẻ ... , lượng lao động của nhà máy cũng không ngừng tăng lên. Từ 800 người ( năm 1976 ) đến 887 người ( năm 1978 ) đến năm 1979 đã là 911 người, cho đến năm 1980 nhà máy có 900 người. Số tổ công tác cũng tăng lên từ 76 tổ năm 1976 tăng 86 tổ năm 1980.
Nhiệm vụ mới cho kế hoạch 5 năm ( 1981 - 1985 ) là không ngừng đầu tư cải tiến kỹ thuật, mở rộng qui mô sản xuất. Các loại thiết bị sản xuất công nghệ như : thiết bị nấu, thiết bị đánh trộn, máy quật kẹo, máy cán kẹo, máy gói, ... thiết bị lò hơi, thiết bị điện ... đã được đầu tư và đưa vào sử dụng. Đây là thời gian ghi nhận bước chuyển biến của nhà máy từ giai đoạn sản xuất thủ công có một phần cơ giới chuyển sang sản xuất cơ giới hoá có một phần thủ công. Có nhiều sản phẩm được tặng thưởng huy chương như kẹo chuối vừng lạc, kẹo cà phê, kẹo cứng nhân cà phê, ... .
Đất nước trong công cuộc đổi mới cơ chế thị trường thay cho cơ chế quản lý quan liêu bao cấp, từ năm 1986 đến năm 1987 nhà máy Thực phẩm Hải Hà đổi tên thành Nhà máy bánh kẹo Hải Hà trực thuộc Bộ Nông nghiệp - Công nghiệp thực phẩm. Giai đoạn từ năm 1986 - năm 1990 nhà máy đã đưa vào sử dụng nhiều nhà xưởng mới như : nhà cơ khí, nhà nồi hơi, nhà vệ sinh công nghiệp, ... . Đến năm 1990 nhà máy có 4 phân xưởng sản xuất kẹo bánh với dây chuyền sản xuất tương đối hiện đại.
Sau khi chuyển sang trực thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ ( tháng 01 năm 1992 ), nhà máy bánh kẹo Hải Hà đổi tên thành Công ty bánh kẹo Hải Hà với tên giao dịch là HAIHACO. Mặt hàng chính của Công ty là các loại bánh kẹo như : kẹo cà phê, kẹo hoa quả, ... các loại bánh như : bánh quy bơ, vừng dừa, kem xốp, ... . Năm 1993 Công ty chủ trương tách một bộ phận sản xuất để thành lập một Công ty liên doanh Hải Hà - KOTOBUKI với các sản phẩm như : kẹo cứng, bánh Snack, bánh Cookies, kẹo cao su,... . Năm 1994 thành lập công ty liên doanh mỳ chính Miwon ( xí nghiệp Việt Trì ). Năm 1996 tiếp tục thành lập thêm Công ty liên doanh Hải Hà - Kameda nhưng liên doanh này chỉ hoạt động đến tháng 11 năm 1998 thì giải thể, sản phẩm của Công ty là các sản phẩm làm từ bột gạo. Năm 1996 xí nghiệp sản xuất bột dinh dưỡng Nam Định trở thành thành viên của Công ty, sản xuất thêm bánh kem xốp.
Cho đến nay Công ty đã có 7 xí nghiệp thành viên: Xí nghiệp bánh, Xí nghiệp kẹo cứng, Xí nghiệp kẹo mềm, Xí nghiệp phụ trợ, Xí nghiệp kẹo Chew, Xí nghiệp bột dinh dưỡng Nam Định, Xí nghiệp Việt Trì.
Tính đến đầu năm 2000, Công ty đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng như : Huân chương chiến công hạng nhì và ba ( năm 1986 ), Cờ thi đua và luân lưu của Chính phủ năm 1989 - 1990, Huân chương lao động hạng nhất năm 1990, Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công nghiệp năm 1995, Huân chương độc lập hạng ba năm 1996, Bằng khen của Bộ Công nghiệp năm 1997.
Trải qua hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành Công ty bánh kẹo Hải Hà đã không ngừng đóng góp sức người, sức của của mình trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước. Với những ưu thế về thiết bị, máy móc công nghệ với đội ngũ lao động có trình độ sáng tạo cùng với chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh là không ngừng nâng cao chất lượng hàng hoá để phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng và phong phú của nhân dân, Công ty đã từng bước khẳng định vị thế kinh doanh của mình, tạo được uy tín với khách hàng, người tiêu dùng trên thị trường sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm bánh kẹo.