Lần theo gia phả tộc Dương qua bao nhiêu đời, ông Dương Không Lộ, quê xã Đề Kiều, tổng Bình Thuận, Châu Thất Truyền, phủ Tương Khánh, tỉnh Lạng Sơn. Ông đã đi và đã dừng chân nhiều nơi ở phương bắc: Từ Đông Kiều, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thăng Long, Thía Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Cố đô Thuận Hoá, qua Hương Thuỷ, Hải Vân ... Vào phủ Điện Bàn, đặt chân khai khẩn 10 mẫu đất hoang, làm nghề đúc đồng, lấy tên làng là Phước Kiều (để nhớ xã Đề Kiều, nơi chôn nhau cắt rốn). Ông dương không Lộ thọ 75 tuổi, tước phong “ Không Lộ Giác Hải Đại Thiền Sư”, là ông Tổ nghề đúc đồng làng Phước Kiều.
Hiện nay, ở Phước Kiều đã có 10 tộc họ làm nghề đúc đồng: Tộc Dương, tộc Nguyễn Ngọc, tộc Nguyễn, tộc Lê, tộc Lê Văn, tộc Trần Trung, tộc Trần Văn, tộc Nguyễn Bá, tộc Đỗ, tộc Phan Viết. Thời Tự Đức, làng Phước Kiều thay phiên mỗi người phải đi làm cho triều đình 3 tháng trong một năm, ra Huế để đức tiền và thẻ bài. Tộc nguyễn Bá và hơn 10 thợ đức ra Huế đúc tiền cho vua và ở luôn ngoài đó đến bây giờ. Ông xã Mãi làng Phước Kiều đã đúc ấn cho vua Duy Tân tại vườn nhà ông Trần Tạo. Vua Duy Tân dùng ấn này đống vào sắc phong cho Lê Đình Dương làm tổng đốc Quảng Nam lúc đó.
Từ các triều đại nhà Nguyễn, qua 80 năm Pháp đô hộ, cho đến ngày cách mạng tháng 8 thành công, rồi đến 9 năm kháng chiến chống Pháp, Phước Kiều là vùng bị chiếm. Sau năm 1954, chính quyền Mỹ Nguỵ đàn áp đủ bề nhưng đồ đồng vẫn duy trì được. Khắp nơi trên miền Nam, nhiều bạn hàng mua sỉ, mua lẻ gánh đi bán cho cá địa phương khác.
Để nhớ ơn tổ tiên nghề đúc đồng, các con cháu hậu duệ 18 đời làng Phước Kiều đã xây dựng nhà thời Tổ cho 10 hộ, hằng năm đến ngày 12 tháng giêng âm lịch là ngày Giỗ Tổ. Các tộc hộ và các thợ nghề dù đi làm ăn xa cũng nhớ về dự rất đông.
Năm 1944, có ông Trần Phương còn gọi là ông Lễ và ông Nguyễn Nhân còn gọi là ông Vinh mở lò đúc chén, vá xoong chậu ... bằng nhôm. Kỷ thuật nấu chảy khuôn đúc nhôm đơn giản hơn khuôn đúc đồng, nguyên liệu dễ kiếm.
Năm 1977, Hợp Tác Xã được hình thành trên mảnh đất truyền thống và chuyển sang đúc nhôm làm nghề chính. Có 70 xã viên tham gia cổ đông, mỗi cổ đông đóng 120 đồng (tương đương một chỉ vàng). Đây là thời kỳ phát triển đồ nhôm khá mạnh vì sau ngày Miền Nam hoang toàn giải phóng, nhân dân khắp nơi về lại quê hương xây dựng cuộc sống mới, trong sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn nên đồ dùng gia dụng rất cần thiết. HTX mỗi ngày phải làm việc 2 ca, mỗi ngày tiêu thụ 1 tấn nhôm, sản phẩm chủ yếu là xông, thau, vá ... Phế liệu được mua tại công ty bách hoá tổng hợp Đà Nẵng. Mặt hàng làm ra được các cửa hàng mua bán trong huyện và các huyện khác trong tỉnh tiêu thụ. HTX trở thành một đơn vị vững mạnh được nhiều người biết đến.
Đến năm 1985, HTX nhôm đồng chỉ con hơn 30 xã viên, những người trong HTX lần lượt xin ra vì người thợ làng đúc làm theo nghề cha truyền con nối. Khi vào HTX thì lớp thợ lớn tuổi có ưu điểm là giỏi về đúc những sản phẩm bằng đồng như: chiêng, thanh la, chuông ... Nhưng những sản phẩm truyền thống thì thỉnh thoảng mới có đơn đặt hàng còn HTX chuyên về sản phẩm nhôm, lớp thợ này không thể thao kịp lớp thợ trẻ, một thế hệ mới năng động và tháo vát. Do đó có sự bàn cải về tiền lương dẫn đến tình trạng một số xã viên gia đình đông con bứt ra khỏi HTX. Những hộ đó đứng ra xây dựng lại lò đúc tại nhà để giải quyết công ăn việc làm cho gia đình.
Từ năm 1995 đến nay, nghề đúc lại phải trải qua những bước thăng trầm. Một số mặt hàng bằng đồng ở khắp nơi như : Huế, Sài Gòn được chế tác bằng công nghệ theo dây chuyền chuyên khâu nên giá thành rẻ, các tư nhân nhận về bán rất chạy.
Trong lặng lẽ, người thợ đúc đã góp phần trang bị cho đời những vật hoá đầy ấp giá trị nhân văn. Tiếng chuông vang lên trong cảnh yên bình của một làng quê yên ả, hay tiếng cồng chiêng nơi núi rừng rót mật vào lòng biết bao thế hệ, đã hun đúc tâm hồn người Việt. Chính vì thế mà những sản phẩm Phước Kiều không bị mất đi mà còn có mặt khắp nơi trên thị trường kể cả trong và ngoài nước. Văn hoá tinh thần sẽ ngày càng trở thành một nhu cầu bức thiết khi đời sống vật chất của xã hội được nâng cao.