Giới thiệu chung về Thừa Thiên Huế

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại chi nhánh ngân hàng ngoại thương huế (Trang 29 - 30)

ĐẶC ĐIỂM ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1.1.1.Giới thiệu chung về Thừa Thiên Huế

- Tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong 5 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) theo Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ.

+ Phía Đông giáp biển Đông, thuận lợi cho hàng hoá vận chuyển qua các cảng biển giữa các địa phương trong khu vực miền Trung và với các cảng của các nước trong khu vực, khai thác nguồn lợi thuỷ sản phục vụ cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực thương mại, thuỷ sản, du lịch biển.

+ Phía Tây giáp nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, giao thông qua đường Quốc lộ 49 đang đầu tư nâng cấp và mở rộng, thuận lợi trong việc khai thác nguồn nguyên liệu từ Lào (mây, tre, gỗ,..), hợp tác với Lào trong các lĩnh vực xây dựng, xuất khẩu sang Lào và xâm nhập thị trường Thái Lan bằng đường bộ.

+ Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Trị, nơi có điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội không mấy thuận lợi cho việc thu hút FDI. Nhưng đây cũng là nơi hứa hẹn một thị trường tiêu thụ có tiềm năng sau năm 2010.

+ Phía Nam giáp Thành phố Đà Nẵng, một thành phố nổi tiếng là năng động của miền Trung trong thời kỳ đổi mới, đã và đang xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại nhất trong khu vực, một thị trường có sức mua tương đối lớn và nhu cầu đa dạng. Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, Cầu Tư Hiền, Khu du lịch và đô thị mới Lăng Cô đang xây dựng sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao thông đi lại giữa Thừa

Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Tính năng động và sức mạnh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có thể xem là những điều kiện tương tác qua lại góp phần đảm bảo các yếu tố đầu vào cho sản xuất (cung cấp nguyên vật liệu, các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ trong công nghiệp...), cũng như trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá của các doanh nghiệp của Thừa Thiên Huế.

- Thừa Thiên Huế có diện tích 505 nghìn ha. Trong đó, khoảng 59 nghìn ha đất nông nghiệp, đang phát triển các loại cây lương thực; 24 nghìn ha đất lâm nghiệp, dùng để trồng rừng, cao su, cà phê; 21 nghìn ha đất chuyên dùng, gần 4 nghìn ha đất dân cư và 196 nghìn ha đất chưa sử dụng, 22 nghìn ha đầm phá và 120 km bờ biển có tiềm năng để phát triển thuỷ sản và phát triển du lịch.

- Khoáng sản ở Thừa Thiên Huế tuy không nhiều về chủng loại, nhưng có những loại có trữ lượng lớn và giá trị kinh tế cao như quặng Imenic, Zincol, Rutin, thạch cao, đất sét là nguồn nguyên liệu quý cho phát triển công nghiệp.

- Khí hậu nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, phân thành bốn mùa rõ rệt trong năm. Thừa Thiên Huế có 5 con sông lớn và nhiều khe suối đã tạo nên nguồn nước ngọt khá dồi dào, đáp ứng đủ cho sản xuất và kinh doanh, đồng thời có thể đầu tư xây dựng các công trình thuỷ điện để cung cấp nguồn điện cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá [41].

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại chi nhánh ngân hàng ngoại thương huế (Trang 29 - 30)