- Giải đoán ảnh
2.2.2. Cấu trúc dữ liệu trong hệ thông tin địa lý
Hệ thông tin địa lý làm việc với hai dạng mô hình dữ liệu địa lý khác nhau, đó là dữ liệu dạng vector và dữ liệu dạng raster.
• Mô hình cấu trúc dữ liệu dạng raster:
Ðây là dạng cấu trúc mà trong đó đối tượng được thể hiện thành một mảng gồm các pixel và mỗi pixel đều mang giá trị thông số đặc trưng cho đối tượng. Nó thường có hai kiểu cấu trúc:
Cấu trúc mảng: Ðây là dạng cấu trúc đơn giản nhất trong đó các pixel được
tổ chức thành mảng có toạ độ tính theo các dòng, cột và gốc toạ độ nằm ở phía trên, góc trái. Cấu trúc này tuy đơn giản nhưng lại có một số những nhược điểm sau: Hạn
chế về khả năng định vị chính xác: Ðộ chính xác được tính bằng đơn vị pixel. Chúng
ta không có khả năng xác định được các khoảng cách nhỏ hơn một pixel. Trong nhiều bài toán cụ thể ở tỷ lệ lớn thì đây sẽ là một trở ngại.
Cấu trúc phân cấp (hierarchial structure): Ðây là một dạng cấu trúc trong đó
các thông tin được tổ chức thành nhiều lớp với kích thước pixel tăng dần tới kích thước được chọn làm tối đa.
• Mô hình cấu trúc dữ liệu dạng vector
Cấu trúc vector là dạng cấu trúc dựa trên các điểm có toạ độ để biểu diễn các đối tượng thông qua điểm, đường và vùng với yếu tố căn bản là điểm. Trong đó đường là tập hợp các điểm và vùng là các đường khép kín.
Cấu trúc Cung-Nút (arc-node)
Đây là dạng cấu trúc trong đó các đối tượng được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu một cách có phân cấp và dựa chủ yếu và các cung nút. Cung là các mảnh (segment) đoạn thẳng được xác định bởi một loạt các cặp toạ độ x, y. Nút là giao điểm của các cung. Vùng được giới hạn bởi các cung. Các nút được dùng chung cho cả cung lẫn vùng và vì vậy nó cũng là yếu tố cơ bản để lưu trữ mọi đối tượng.
Cấu trúc quan hệ (relation structure)
Cấu trúc này rất giống với cấu trúc Cung-Nút mô tả ở trên, thực chất nó là biến tướng của cấu trúc Cung-Nút, trong đó các thông tin về quan hệ không gian (topology) cũng được tổ chức trong cấu trúc Cung-Nút. Điểm khác nhau duy nhất là phương thức lưu trữ các thông tin thuộc tính thành những bảng dữ liệu quan hệ hệt như trong cơ sở dữ liệu quan hệ (relational data base).
Dạng cấu trúc này tuy đòi hỏi nhiều thể tích để lưu trữ hơn nhưng do tính tương thích của nó với các cơ sở dữ liệu quan hệ phổ dụng nên nó là loại cấu trúc được sử dụng nhiều nhất trong các hệ thông tin địa lý hiện nay.
Ngoài các cấu trúc nêu trên còn có một số khác như cấu trúc DIME (Dual Independenct Map Encoding) của Cục thống kê liên bang Mỹ hoặc cấu trúc DLG (Digital Line Graph) của Cục Địa chất Mỹ là những cấu trúc rất chuyên dụng, không tương thích với cơ sở dữ liệu các hệ thông tin địa lý và chủ yếu dùng để lưu trữ và chuyển đổi dữ liệu không dùng trong các hệ thông tin địa lý.