Hệ thống chính sách tài chính về thuế thu nhập doanh nghiệp qua các giai đoạn lịch sử

Một phần của tài liệu Hoàn thiện kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp trong các doanh nghiệp Việt Nam (Trang 37 - 40)

THỰC TRẠNG KẾ TOÁN THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP TRONG CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

2.1.1.Hệ thống chính sách tài chính về thuế thu nhập doanh nghiệp qua các giai đoạn lịch sử

2.1.1. Hệ thống chính sách tài chính về thuế thu nhập doanh nghiệp qua các giai đoạn lịch sử giai đoạn lịch sử

Với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, Luật thuế lợi tức đã được thay thế bởi Luật thuế TNDN - được quốc hội khoá IX kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 10/05/1997 và có hiệu lực thi hành thay cho Luật thuế lợi tức nhằm những mục đích:

Thứ nhất, khắc phục nhược điểm cơ bản nhất của thuế lợi tức là không bao trùm hết các khoản thu nhập của doanh nghiệp.

Thứ hai, điều chỉnh một cách tổng hợp tất cả các khoản thu nhập đã, đang và sẽ phát sinh của doanh nghiệp.

Thứ ba, hình thành một cách thống nhất và có hệ thống các chính sách ưu đãi của Nhà nước thông qua thuế TNDN.

Với những mục đích trên, Luật thuế TNDN năm 1997 đã có những tiến bộ đáng ghi nhận, cụ thể là:

Bao quát được các khoản thu nhập phát sinh trong doanh nghiệp phù hợp với kinh tế thị trường.

Thống nhất một mức thuế suất, đảm bảo sự công bằng trong chính sách thuế.

Hình thành một cơ chế nhất quán trong việc ưu đãi qua thuế TNDN phục vụ công cuộc đổi mới trong nền kinh tế quốc dân.

Đảm bảo sự đồng bộ với việc áp dụng thuế GTGT và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Luật thuế TNDN năm 1997 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1999 đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Luật thuế TNDN năm 1997 có Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày 13/05/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế TNDN; Thông tư số 99/1998/TT-BTC ngày 14/07/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày 13/05/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; Nghị định số 26/2001/NĐ- CP ngày 04/06/2001 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày 13/05/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế TNDN; Thông tư số 18/2002/TT-BTC ngày 20/02/2002 hướng dẫn thi hành Nghị định số 26/2001/NĐ-CP ngày 4/6/2001 của Chính phủ và Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày 13/5/1998 của chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp;

Ngày 17/06/2003, tại kỳ họp thứ 3, quốc hội khoá XI đã thông qua Luật thuế TNDN (sửa đổi) với những bổ sung, sửa đổi căn bản để thay thế Luật thuế TNDN năm 1997. Việc ban hành Luật thuế TNDN 2003 xuất phát từ những lý do sau:

Thứ nhất, giảm nhẹ điều tiết qua thuế trực thu bằng cách hạ thuế suất thuế TNDN để kích thích đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhằm nuôi dưỡng nguồn thu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế phục vụ mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Thứ hai, từng bước thu hẹp để tiến đến xoá bỏ sự phân biệt trong chính sách thuế TNDN giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, tạo ra sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật thuế TNDN với Luật khuyến khích đầu tư trong nước.

Thứ tư, cải cách thủ tục hành chính trong thủ tục kê khai, nộp thuế, tăng cường trách nhiệm của đối tượng nộp thuế.

Luật thuế TNDN năm 2003 vẫn có 8 chương như Luật thuế TNDN năm 1997, song chỉ có 32 điều khoản, tức là giảm đi 02 điều khoản. Hai điều

khoản không có trong Luật thuế TNDN năm 2003 là điều 17 (cũ) ”Miễn thuế, giảm thuế cho cơ sở kinh doanh mới thành lập” và điều 19 (cũ) “Hoàn thuế cho số thu nhập tái đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh”. Điều 17 của Luật thuế TNDN năm 2003 “Miễn thuế, giảm thuế cho dự án đầu tư thành lập cơ sở kinh doanh, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh di chuyển địa điểm” đã thay thế toàn bộ điều 17 cũ; chuyển nội dung của điều 20 cũ ”Miễn thuế cho cơ sở kinh doanh di chuyển đến miền núi, hải đảo và những vùng có khó khăn khác” vào điều 19 của Luật thuế TNDN năm 2003 “Miễn thuế, giảm thuế cho các trường hợp khác”. Sự khác nhau chủ yếu thể hiện ở nội dung những điều khoản được sửa đổi, bổ sung.

Luật thuế TNDN năm 2003 có Nghị định số 164/2003/NĐ-CP và Nghị định số 152/2004/NĐ-CP, Thông tư 128/2003/TT-BTC, Thông tư 88/2004/TT-BTC, Thông tư 128/2004/TT-BTC.

Nhưng hiện nay, để phù hợp với quy định của Luật Đầu tư, Luật DN và nhằm đáp ứng yêu cầu gia nhập WTO, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2007/NĐ-CP ngày 14/2/2007 quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập DN. Theo đó, một số ưu đãi thuế không phù hợp với quy định của WTO sẽ bị bãi bỏ.

Theo quy định của WTO, các quy định về ưu đãi thuế thuộc diện trợ cấp bị cấm cần phải xoá bỏ tại thời điểm gia nhập, gồm: ưu đãi thuế cho XK và ưu đãi thuế thay thế hàng NK. Các ưu đãi này hiện đang được quy định tại Nghị định số 164/2003/NĐ-CP và Nghị định số 152/2004/NĐ-CP và cần sửa đổi để đáp ứng yêu cầu của việc gia nhập WTO. Đặc biệt, Nghị định 24/2007/NĐ-CP ngày 14/2/2007 cũng bãi bỏ một số ưu đãi thuế thu nhập DN sau khi cổ phần hóa.

Để khuyến khích các DNNN đẩy mạnh cổ phần hoá, Chính phủ đã ban hành Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 về chuyển Công ty nhà nước thành Công ty cổ phần. Theo đó, các DN cổ phần hóa được miễn thuế thu nhập DN trong 2 năm đầu và được giảm thuế 50% trong 2 năm tiếp theo. Trường hợp DN cổ phần hoá thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán

thì ngoài các ưu đãi trên còn được hưởng thêm các ưu đãi theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Thời gian qua, chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN đã góp phần tích cực thúc đẩy quá trình cổ phần hoá, giao, bán, khoán kinh doanh công ty nhà nước, đặc biệt là các DN kinh doanh kém hiệu quả. Hiện nay, số lượng DNNN cổ phần hoá đã tương đối nhiều, tiến trình cổ phần hoá và giao, bán, khoán kinh doanh cơ bản đã được thực hiện tốt nên việc khuyến khích bằng ưu đãi thuế không còn cần thiết.

Để đổi mới cơ chế CPH, Bộ Tài chính nhận định, trong giai đoạn tới, các DNNN thực hiện CPH hầu hết có quy mô lớn, hoạt động kinh doanh hiệu quả, thị phần và thương hiệu đã được xác lập trên thị trường và đều phải tiến hành CPH theo đúng kế hoạch sắp xếp tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vì vậy, nếu tiếp tục duy trì các chính sách ưu đãi thuế sẽ không đảm bảo công bằng với DN mới thành lập và ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách.

Riêng đối với các DN dệt may, chỉ những ưu đãi liên quan đến XK là cần xoá bỏ ngay tại thời điểm gia nhập WTO, còn các ưu đãi khác là nhằm khuyến khích phát triển kinh tế vùng và nhằm giảm thất nghiệp, xét về bản chất không phải nhằm khuyến khích XK nên các DN này vẫn được hưởng ưu đãi thuế như các DN thuộc tất cả các ngành nghề khác.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp trong các doanh nghiệp Việt Nam (Trang 37 - 40)