* Về điều kiện được bảo lãnh.
NHNN quy định tổng số tiền bảo lãnh tối đa cho một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng. Quy định này là chưa phù hợp vì cơ chế quy định mức dư nợ cho vay và mức bảo lãnh riêng đã làm hạn chế mức bảo lãnh của ngân hàng trong trường hợp khách hàng có nhu cầu bảo lãnh tại ngân hàng nhưng không vay vốn tại ngân hàng.
Hướng xử lý trong thời gian tới cần quy định chung đối với tổng số dư bảo lãnh và tổng dư nợ cho vay của tổ chức tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá tỷ lệ so với vốn tự có của tổ chức tín dụng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định.
* Về các hình thức bảo lãnh.
Quy chế bảo lãnh ngân hàng ngày càng trở nên linh hoạt, phù hợp hơn với nhu cầu phát triển của nghiệp vụ bảo lãnh. Sau nhiều lần được thay đổi và điều chỉnh, quy chế bảo lãnh đã có một bước tiến mới tạo điều kiện cho các ngân hàng chủ động trong việc thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh. Tuy nhiên, có nhiều loại hình bảo lãnh mà các ngân hàng thương mại đã thực hiện hoặc khách hàng đang có nhu cầu nhưng trong các văn bản luật vẫn chưa quy định cụ thể, chỉ quy định một cách rất chung chung là các loại bảo lãnh khác. Những loại bảo lãnh mới nhưng đã được ngân hàng áp dụng như đồng bảo lãnh...Để tạo điều kiện cho các ngân hàng hoạt động dễ dàng hơn, không gặp phải cản trở trong quy chế chưa quy định rõ ràng, thiết nghĩ NHNN nên quy định rõ hơn về các loại bảo lãnh mới này.
* Về đối tượng khách hàng.
Cần bổ sung thêm đối tượng khách hàng được tổ chức tín dụng bảo lãnh trong quy chế bảo lãnh ngân hàng.
Tại điều 4 quy chế bảo lãnh ngân hàng ban lèm theo quyết định 283/2000/QĐ-NH14 ngày 25/08/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có quy định khách hàng được tổ chức tín dụng bảo lãnh bao gồm: các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh hợp pháp tại Việt nam; các tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo luật tổ chức tín dụng; hợp tác xã và các tổ chức khác có đủ điều kiện quy định tại điều 94 Bộ luật dân sự, các tổ chức kinh tế nước ngoài tham gia các hợp đồng hợp tác liên doanh và tham gia đấu thầu các dự án đầu tư tại Việt nam hoặc thực hiện các dự án đầu tư tại Việt nam. Trong quá trình phát triển kinh tế nhiều nghành, nhiều lĩnh vực đều phát sinh nhu cầu về vốn, không chỉ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mà các đơn vị sự nghiệp, các hộ gia đình, tư nhân đều có thể trở thành đối tượng nợ và đều là những thành viên được tham gia vào hoạt động bảo lãnh.
Do vậy, quy chế bảo lãnh cần bổ sung từng bước khách hàng được tổ chức tín dụng bảo lãnh là các đối tượng nêu trên để đảm bảo nhu cầu phát triển ngày càng đa dạng của nghiệp vụ này. Tuy nhiên việc mở rộng đối tượng phải đáp ứng được yêu cầu quản lý và đảm bảo an toàn.