Với những ưu điểm như đã nêu ở trên, công ty cần tận dụng tối đa, sử dụng hợp lý, có hiệu quả nhất để thu được lợi nhuận một cách tối đa nhất. Tuy nhiên trong công tác hạch toán kế toán tại công ty vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế, nhược điểm. Với góc độ nhìn nhận của một sinh viên em xin đưa ra một số ý kiến nhận xét như sau:
Trong công ty tuy có sự phối kết hợp rất chặt chẽ giữa các phòng ban nhưng sự cung cấp thông tin đó vấn chỉ mang tính chất thủ công. Công ty nên sử dụng mạng máy tính kết nối giữa các phong ban.
Do đặc điểm ngành nghề của công ty là xây lắp có các tổ đội thi công ở nhiều nơi trong khi đó các chi phí sản xuất lại chủ yếu phát sinh ở các công trường thi công cuối tuần hoặc cuối tháng chứng từ mới được luân chuyển về công ty. Nên việc luân chuyển chứng từ, báo cáo của các tổ đội về phòng kế toán gặp nhiều khó khăn có những lúc không đúng thời gian quy định. Do đó mà công tác kế toán nhiều khi không được phản ánh chính xác kịp thời. Công tác kiểm tra, kiểm soát, cũng như cập nhật thông tin để đưa ra các quyết định gặp nhiều khó khăn. Công việc kế toán dồn vào cuối kỳ, khối lượng công việc lớn nên dễ gây ra sự nhầm lẫn, sai sót trong khi kế toán và tạo ra gánh nặng khá lớn đối với phòng tài chính khi tổng hợp số liệu.
Vai trò của kế toán đội, kế toán công trường chưa thực sự phát huy trong việc kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của chứng từ ban đầu như: kiểm kê vật tư, phản ánh phế liệu thu hồi … Do đó, dễ xảy ra thất thoát, lãng phí vật tư ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Với đặc điểm chi phí phát sinh ở nơi thi công công trình nhiều nên công ty thường phải đáp ứng vốn thường xuyên để đảm bảo tiến độ thi công điều này dễ tạo ra khe hở trong quản lý tài chính dễ gây ra tình trạng chiếm dụng vốn của công ty.
Về công tác hạch toán chi phí :
- Chi phí nguyên vật liệu công cụ dụng cụ
Trong quá trình sản xuất sản phẩm xây lắp của Công ty, NVL chiếm tỷ trọng rất lớn nên việc tiết kiệm NVL là một trong những yếu tố cơ bản để hạ giá thành sản phẩm. Trên thực tế các đội hầu như tự mua sắm vật tư cho mình, đảm bảo vật tư không bị ứ đọng, lãng phí. Tuy nhiên sẽ có những vấn đề bất cập trong giá cả, nguồn cung cấp không ổn định, chất lượng chưa đảm bảo. Vật tư mua về chỉ được theo dõi trên sổ chi tiết vật tư sử dụng cho từng công
trình ở phòng kế toán của Công ty. Việc này dễ gây ra tình trạng mua bán vật tư không trung thực và Công ty sẽ rất khó quản lý.
Tại một số các công trình, trong nhiều trường hợp NVL dùng cho máy thi công hay sử dụng cho mục đích chung, không tham gia và quá trình hình thành nên thực thể công trình nhưng vẫn được hạch toán như là chi phí NVL TT. Điều đó làm tăng chi phí của công trình lên vì vậy đã không phản ánh chính xác giá trị của khoản mục CP NVL TT, yếu tố NVL trong CP SD MTC và trong khoản mục CPSXC.
Mặt khác, NVL, CCDC dùng cho xây lắp có những loại có giá trị lớn, có thể tham gia vào nhiều chu kỳ sản xuất, sử dụng cho nhiều công trình khác nhau nhưng kế toán không tiến hành phân bổ phân bổ chi phí này cho nhiều kỳ khác nhau mà ghi nhận luôn vào chi phí của một công trình ngay tại thời điểm mua về. Việc này vừa không tuân thủ nguyên tắc kế toán chung, vừa không quản lý được công cụ, dụng cụ, NVL sử dụng tại công trình.
Ngoài ra, việc hạch oán chi phí nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên nhưng thực tế cuối kì (thường là cuối năm) kế toán mới tiến hành kiểm kê, đánh giá hàng tồn kho. Như vậy không quản lí được hàng tồn kho về mặt số lượng, giá trị không đảm bảo tính cập nhật và kịp thời cho kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành công trình, hạng mục công trình.
- Về chi phí nhân công trực tiếp
Hiện nay ở Công ty, hàng tháng kế toán không tiến hành trích trước tiền lương nghỉ phép của công nhân trực tiếp xây lắp, công nhân điều khiển xe, máy thi công, công nhân sản xuất phụ mà trong tháng nếu có công nhân nghỉ phép thì tiền lương phép của công nhân được hạch toán thẳng vào chi phí của tháng đó. Điều đó chỉ thích ứng khi Công ty sắp xếp và bố trí được việc nghỉ phép của công nhân viên một cách đều đặn. Tuy nhiên, trên thực tế tại Công ty, việc nghỉ phép của cán bộ công nhân viên không đều đặn giữa các tháng trong năm, có tháng công nhân nghỉ phép nhiều, có tháng công nhân
nghỉ phép ít và thường dồn vào dịp lễ tết làm cho chi phí phản ánh không phù hợp với kết quả sản xuất của mỗi ký hạch toán, và việc tính giá thành sẽ chưa được chính xác và hợp lý.
Ngoài ra, chi phí cho nhân công thuê ngoài là khoản chi phí không nhỏ tại công trình. Công ty yêu cầu mọi trường hợp thuê nhân công ngoài đều phải có hợp đồng và được theo dõi, giám sát chặt chẽ thông qua bảng chấm công. Việc làm này vừa tạo điều kiện cho kế toán theo dõi được chi phí nhân công trực tiếp phát sinh trong tháng, vừa là một biện pháp quản lý hiệu quả lao động tại công trình, tránh được mất mát. Tuy vậy, vẫn xảy ra tình trạng gian lận công nhân tại các xí nghiệp lam cho chi phí nhân công trực tiếp cao hơn thực tế.
- Về chi phí sử dụng xe, máy thi công :
Do số lượng máy móc thi công của Công ty thường xuyên phải di chuyển giữa các đội xây dựng, vì vậy việc theo dõi chi tiết chi phí phát sinh riêng cho từng công trình là vô cùng khó khăn, đặc biệt là khi phân bổ chi phí sử dụng máy thi công vào cuối tháng.
- Về chi phí sản xuất chung
Có một số các khoản mục chi phí sản xuất chung còn bị hạch toán nhầm lẫn hoặc trùng với các khoản mục của chi phí sử dụng máy thi công và chi phí nhân công trực tiếp. Cụ thể như : Các khoản trích theo lương BHXH, BHYT của công nhân gián tiếp sản xuất được hạch toán hết vào khoản mục chi phí sản xuất chung trong đó bao gồm cả các khoản trích theo lương của công nhân lái xe, máy thi công (khoản chi phí này phải được tính toán và phân bổ vào chi phí sử dụng máy thi công không phải CP SXC).
Ngoài ra, với các công cụ dụng cụ có giá trị lớn như máy trộn bê tông cỡ nhỏ, máy đầm tay …kế toán đều phân bổ một lần giá trị của chúng vào chi phí sản xuất chung của một công trình, hạng mục công trình sử dụng chúng đầu tiên mà không tiến hành phân bổ chi phí công cụ, dụng cụ sản xuất.
Các công trình trong ngành xây dựng thường chịu ảnh hưởng rất nhiều của điều kiện tự nhiên, do vậy các khoản thiệt hại phát sinh trong quá trình thi công là tất yếu xảy ra. Công ty cũng có quan tâm đến vấn đề này, nhưng trên thực tế lại không theo dõi một cách hợp lý, chính xác và đầy đủ toàn bộ chi phí vật tư, nhân công, máy thi công, … vẫn được tính vào các khoản mục chi phí từ đó đưa vào giá thành công trình xây dựng, trong khi theo chế độ kế toán hiện hành thì không phải khoản thiệt hại nào cũng được tính vào giá thành sản phẩm xây lắp mà chỉ được tính vào chi phí sản xuất và giá thành công trình những khoản thiệt hại ngừng sản xuất theo kế hoạch.