MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU THỦY SẢN CỦA VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG NHẬT BẢN
3.2.1. Giải pháp nâng cao tính cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam
Nâng cao chất lượng mặt hàng thủy sản: người tiêu dùng Nhật Bản được đánh giá là người có đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm. Họ đặt ra những tiêu chuẩn về chất lượng, độ tin cậy và sự tiện dụng của sản phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam muốn đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu sang thị trường này cần phải đảm bảo chất lượng thủy sản đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhật Bản. Các biện pháp các doanh nghiệp nên áp dụng để nâng cao chất lượng sản phẩm bao gồm:
- Thứ nhất, các doanh nghiệp cần tập trung thiết lập một nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định và thuận tiện trong việc vận chuyển đến các nhà máy chế biến. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên thường xuyên kiểm tra chất lượng nguyên liệu tại các vùng sản xuất, giúp đỡ người dân giải quyết những khó khăn gặp phải trong quá trình sản xuất. Lấy nuôi trồng thủy sản là chủ yếu để giải quyết vấn đề nguyên liệu cho xuất khẩu thủy sản. Mở rộng các vùng nuôi trồng thủy sản có nhiều tiềm năng như vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đẩy mạnh sản xuất thâm canh, tạo nguồn sản xuất ổn định. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư cho ngành đánh bắt thủy sản để mở rộng phạm vi khai thác nhằm duy trì được mức độ đánh bắt. Tiến hành quy hoạch các vùng đánh bắt xa bờ và nuôi trồng thủy sản. Đa dạng hóa các mặt hàng để chủ động đáp ứng nhu cầu từng thị trường trong từng thời kỳ, tập trung vào các nhóm sản phẩm chủ lực là tôm, cá tra, cá basa, cá ngừ, rô phi đơn tính, tôm thể chân trắng… - Thứ hai, các doanh nghiệp cần đầu tư cho việc xây dựng phát triển các cơ sở hạ tầng tại nhà máy, đầu tư cải tiến hoặc thay mới công nghệ chế biến
và bảo quản, các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cấp và xây dựng hệ thống kho tàng phục vụ cho việc cất giữ và bảo quản. Hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao và những khu vực có nhiều tiềm năng nhưng còn gặp khó khăn trong nuôi trồng thủy sản như hệ thống đầm phá miền Trung… Hỗ trợ về vốn và đầu tư để các hộ nông dân sản xuất và các doanh nghiệp ổn định và yên tâm khai thác nguyên liệu, chế biến thủy sản xuất khẩu.
- Thứ ba, cần nâng cao trình độ kỹ thuật cũng như tinh thần trách nhiệm của tất cả các cán bộ kỹ thuật. Tiến hành công tác đào tạo các cán bộ có đủ trình độ khoa học kỹ thuật tróng sản xuất và kinh doanh sản phẩm thủy sản. xây dựng các trung tâm nghiên cứu đảm bảo không ngừng nâng cấp, bảo đảm chất lượng cây, cơn phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Phố biến cho người dân kiến thức khoa học kỹ thuật cần thiết trong quá trình đánh bắt và nuôi trồng, bảo quản chất lượng sản phẩm. Tuyên truyền, nâng cao ý thức người sản xuất và kinh doanh về tầm quan trọng của các quy định và tiêu chuẩn quốc tế đối với khả năng xuất khẩu của sản phẩm sản xuất. Doanh nghiệp nên có chế độ thưởng phạt rõ ràng đối với cán bộ công nhân nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất cho mặt hàng thủy sản xuất khẩu.
- Kiểm soát chặt chẽ đối với dư lượng kháng sinh, có các chế tài xử phạt vi phạm. Áp dụng hệ thống HACCP trong sản xuất và tiêu thụ thủy sản không chỉ đối với các sản phẩm xuất khẩu mà cả các sản phẩm tiêu thụ trong nước. Đề ra và thống nhất các quy định về môi trường sinh thái đối với hệ thống, phương tiện đánh bắt và nuôi trồng trong cả nước. Thống nhất công tác quản lý giữa các cơ quan có thẩm quyền từ trnng ương đến địa phương, giữa địa phương và Bộ, ngành để xử lý, giải quyết.
Để mức giá vừa đảm bảo bù đắp chi phí vừa có khả năng cạnh tranh trên thị trường, doanh nghiệp cần phải xây dựng một cơ cấu giá hợp lý. Ngoài ra, để mặt hàng thủy sản khi xuất khẩu có giá cả cạnh tranh hơn, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến các biện pháp giúp giảm chi phí như: sử dụng các loại giống cho năng suất cao, các công nghệ chế biến vào bảo quản hiện đại cho hiệu quả sản xuất cao và hạn chế những tổn thất do hư hỏng sản phẩm gây ra.
Nâng cao uy tín, thương hiệu của mặt hàng thủy sản
- Người tiêu dùng Nhật Bản rất coi trọng chữ tín trong kinh doanh, họ sẽ mất lòng tin nếu đối tác giao hàng không đúng chủng loại , không đảm bảo chất lượng và thời gian giao hàng quy định trong hợp đồng. Vì vậy, ngoài việc đảm bảo hàng đúng chất lượng yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng phải đảm bảo giao hàng đúng thời gian quy định.
- Mặt khác, để nâng cao uy tín cũng như có chỗ đứng vững chắc trên thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần tập trung ngay cho công tác xây dựng thương hiệu. Các biện pháp mà doanh nghiệp có thể tiến hành là:
+ Cần xúc tiến nhanh các hoạt động xây dựng và quảng bá thương hiệu mặt hàng thủy sản hướng ra thị trường thế giới.
+ Cần coi trọng việc bảo vệ, gìn giữ, quảng cáo và phát triển thương hiệu một cách bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển mạng lưới bán hàng, đưa thương hiệu của doanh nghiệp và sản phẩm đến với hầu hết người tiêu dùng.