Về chính sách giá đất, ngày 16/11/2004 Chính phủ ban hành Nghị định số 188/2004/NĐ-CP quy định về phương pháp xác định giá đất và khung giá đất các loại, giá đất mới sẽ được công bố hàng năm và trong khung giá đất do Bộ tài chính ban hành. Theo đó, giá đất được xác định phải xác giá trị trường trong điều kiện bình thường, điều này đã loại bỏ được yếu tố biến động giá do đầu cơ, thay đổi quy hoạch, chuyển nhượng trong tình trạng ép buộc.
Trên thực tế, TP.HCM ban hành bản giá đất theo Nghị định số 188/2004/NĐ-CP chưa thật sát với giá đất trên thị trường. Giá đất ban hành được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như : tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền bồi thường hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất … nên khó tránh khỏi việc giá một số loại đất không xác với thực tế. Trong điều kiện các văn bản pháp luật về chính sách đất đai chưa đồng bộ, các địa phương buộc phải quy định giá đất với các yêu cầu hài hòa được các mục đích, giảm đến mức thấp nhất những tác động ảnh hưởng đến đối tượng sử dụng đất là đại đa số người dân và các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, cùng một giá đất không sát với thực tế như vậy nhưng được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau là không hợp lý, vì nếu bảng giá đất là cao so với giá thị
trường thì mục đích bồi thường sẽ thỏa mãn, nhưng nghĩa vụ nộp các loại thuế, phí liên quan đến đai sẽ cao làm phát sinh nạn trốn thuế và các giao dịch ngầm trên thị trường. Tiền sử dụng đất và tiền thuê đất cao ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, cũng như đời sống hàng ngày của người dân. Ngược lại, nếu bảng giá đất thấp so với giá thị trường, thì mục đích bồi thường sẽ không thỏa mãn, làm cho việc giải phóng mặt bằng ở các dự án sẽ bị ách tắc, dự án triển khai bị chậm trễ và khiếu kiện xảy ra nhiều hơn.
Để cho địa phương chủ động hơn trong việc xác định giá đất, ngày 27/7/2007 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 123/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 188/2004/NĐ-CP. Theo Nghị định 123, bổ sung thêm hai phương pháp xác định giá đất là phương pháp chiết trừ và phương pháp thặng dư, giúp cho địa phương linh hoạt hơn trong việc xác định giá đất.
Ngày 22/12/2006 UBND TP.HCM đã ban hành quy định về giá đất các loại theo Quyết định số 179/2006/QĐ-UBND, theo Quyết định này có 87 tuyến đường được tăng giá đất với biên độ trong khoảng 10-15%, giá đất ở các quận cũ tăng từ 700.000 – 1.700.000 đồng/m2, các quận mới tăng từ 300.000-600.0000 đồng/m2. TP.HCM sẽ giữ nguyên giá tại 2.151 đoạn đường, tuyến đường hiện hữu; bổ sung thêm 156 đoạn đường, tuyến đường mới. Về giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại đô thị và nông thôn vẫn giữ mức cũ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh di dời từ nội thành ra ngoại thành.
Tuy nhiên, bảng giá đất năm 2007 chỉ tăng giá đất ở một số tuyến đường, còn giá đất ở 2151 đoạn đường được quy định ở bảng giá đất 2007 vẫn giữ như cũ so với bảng giá đất năm 2006, điều này là bất hợp lý vì khung giá đất năm 2006 rất thấp so với giá đất trên thị trường chưa kể tỷ lệ mất giá hàng năm do lạm phát. Chỉ số giá tại TP.HCM qua các năm như sau :
Bảng 2.12 : Chỉ số giá tại TP.HCM 2000 2001 2004 2005 2006 Chỉ số giá nhà ở và VLXD 108,44 103,65 114,47 105,74 105,11 Chỉ số giá chung 101,75 101,54 109,28 108,77 106,45 ĐVT : % Nguồn : Cục thống kê TP.HCM
Mặc khác bảng giá đất do UBND TP.HCM ban hành phục vụ cho bảy mục đích, trong đó sáu mục đích mà nhà đầu tư và người dân phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước khi sử dụng đất, một mục đích là bồi thường cho người dân khi bị thu hồi đất. Khi làm nghĩa vụ tài chính thì người dân và tổ chức muốn thực hiện ở mức thấp, khi được bồi thường thì muốn nhận ở mức cao. Điều quan trọng là phải làm sao xác định được khung giá đất phù hợp, không gây sốc cho nền kinh tế. Trong khi đó, bảng giá đất do TP.HCM ban hành chỉ bằng 40-60% giá thị trường. Nếu ban hành bản giá đất sát giá thị trường trong điều kiện bình thường mà không có lộ trình cụ thể sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh tế xã hội Thành phố.