Trước hết cần thực hiện nghiêm chế độ, định mức, tiêu chuẩn và dự toán. Không được chi cho việc khác ngoài dự toán được duyệt, bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm của Đảng và nhà nước trong mọi việc chi tiêu.
*Đối với chi đầu tư phát triển: Phải căn cứ và chỉ tiêu, nguồn vốn được giao để bố trí chi. Chi phải đảm bảo đúng các công trình, hạng mục đã được duyệt, không tự ý điều chỉnh cho các hạng mục công trình khác. Sở Kế hoạch và đầu tư là cơ quan kiểm tra rà
soát các danh mục công trình, nếu công trình không có khả năng hoàn thành phải có phương án điều chỉnh vốn kịp thời tránh tình trạng để ứ đọng vốn.
Chi đầu tư xây dựng cơ bản từ một số nguồn được để lại theo nghị quyết của Quốc hội như thuế sử dụng đất nông nghiệp, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thu từ xổ số kiến thiết được điều hành chi theo nguyên tắc tập trung theo từng chương trình cụ thể.
Phần vượt thu NSĐP được hưởng chỉ dành chi cho đầu tư phát triển, không dành chi tiêu dùng.
Việc thẩm định quyết toán các dự án đầu tư XDCB hoàn thành từ nguồn vốn XDCB tập trung hay nguồn vốn sự nghiệp địa phương phải được thực hiện đúng theo quy định Nhà nước tại nghị định 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 và nghị định 88/1999/NĐ- CP ngày 1/9/1999 của Chính phủ. Kiên quyết xuất toán các khoản chi không đúng quy định các khoản chi phát sinh ngoài dự toán thiết kế được duyệt, tránh thất thoát trong quản lý chi XDCB.
Chú trọng chi đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn trong đó chú ý đầu tư xây dựng, sửa chữa và bê tông hoá các công trình thuỷ lợi, kênh mương nội đồng, hệ thống đê, kè...
*Đối với chi thường xuyên: Cấp phát ưu tiên theo thứ tự trước hết phải đảm bảo chi lương và các khoản có tính chất lương. Quản lý cấp phát phải đúng nội dung công việc, theo tiến độ hoàn thành có lưu ý đến tính mùa vụ của một số khoản chi như chống lụt bão, phục vụ đắp đê, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi...
Mọi khoản chi ngân sách chỉ được thực hiện khi có đủ 3 điều kiện: -Đã có trong dự toán ngân sách được duyệt.
-Đúng chế độ, tiêu chuẩn định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
-Đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách hoặc người được uỷ quyền chuẩn chi.
Thực hiện chế độ kiểm soát trước, trong và sau khi chi ngân sách, thông qua cơ chế phân định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan tài chính, cơ quan kho bạc nhà nước và cơ quan thụ hưởng ngân sách. Thực hiện nguyên tắc chi trả trực tiếp từ kho bạc nhà nước cho người cung cấp hàng hoá, dịch vụ, không chi qua người được hưởng ngân sách, thực hiện “người được chi tiêu nhưng không được cầm tiền”, đảm bảo mọi khoản chi phải có chứng từ hợp lệ và được sự kiểm soát của cơ quan tài chính.
Nghiêm túc thực hiện pháp lệnh thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, sử dụng tiết kiệm có hiệu quả kinh phí từ NSNN. Quyết định số 122/1999/QĐ-TTg ngày 10/5/1999 của Chính phủ về tiêu chuẩn định mức sử dụng xe ô tô trong cơ quan HCSN và DNNN. Chỉ thị số 32/1999/CT-TTg ngày 29/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về cải tiến nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả, triệt để thực hành tiết kiệm trong tổ chức các cuộc họp và hội nghị và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
*Đối với các khoản kinh phí do NSTW uỷ quyền ( kể cả chi các chương trình mục tiêu)
-Cần có sự phân giao cụ thể đối với nhiệm vụ chi của ngân sách TW uỷ quyền NSĐP cho phù hợp và sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành với các cơ quan tài chính địa phương. Thống nhất giao nhiệm vụ chi kinh phí uỷ quyền NSTW qua Sở Tài chính Vật giá để gắn trách nhiệm cấp phát và quyết toán kinh phí uỷ quyền với ngân sách cấp trên.
-Chỉ giao uỷ quyền đối với kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia (7 chương trình) trên địa bàn tỉnh, còn các chương trình khác nên cân đối cho ngân sách địa phương để chủ động bố trí điều hành ngân sách như chương trình nâng cấp trang thiết bị y tế, chương trình giáo dục, chương trình văn hoá, ...Cần phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để giải quyết dứt điểm theo từng chương trình.
Thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong chi ngân sách, kể cả chi thường xuyên, chi đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý chặt chẽ tài sản công.
Thường xuyên kiểm tra việc chi tiêu theo mục đích, nội dung công việc của các đơn vị thụ hưởng ngân sách để tránh tình trạng chi sai mục đích như cấp kinh phí để mua sắm tài sản lại dùng để đi thăm quan..., hay việc tự ý bố trí chi trước rồi mới dự toán kinh phí sau gây khó khăn trong công tác quản lý chi ngân sách.
Đối với các khoản chi phát sinh ngoài dự toán cần phải được xem xét kỹ, nếu thấy cần thiết phải chi thì phải tính đến nguồn đảm bảo hoặc phải cắt giảm các khoản khác tương ứng, tránh tình trạng duyệt phát sinh tuỳ tiện không tính đến nguồn đảm bảo.