IV. Rủi ro và ngăn ngừa rủi ro trong thanh toán tín dụng chứng từ
1. Những rủi ro phát sinh trong thanh toán tín dụng chứng từ
1.1. Rủi ro đối với ngân hàng mở (the Issuing Bank).
1.1.1. Rủi ro về tỷ giá.
Khi nhập hàng, nhà nhập khẩu không thể lường trước được mức độ trượt giá đồng nội tệ so với ngoại tệ mạnh nên khi nhập hàng về, tỷ giá trượt mạnh, đối với những mặt hàng giá bán cạnh tranh không thể tăng được, nhà nhập khẩu không muốn nhận hàng vì sợ bị lỗ. Khi đó, nếu tỷ lệ ký quỹ không
bù đắp được tỷ lệ trượt giá của nội tệ thì rủi ro có thể xảy ra đối với ngân hàng mở.
1.1.2. Rủi ro trong quá trình vận chuyển.
Trong quá trình vận chuyển hàng hoá từ nước nhà xuất khẩu đến nước nhà nhập khẩu có thể xảy ra rủi ro. Do đó để phân chia chi phí và rủi ro một cách cụ thể cho từng bên, ICC đã ban hành “Các điều kiện thương mại quốc tế” để các bên thoả thuận lựa chọn, nhà nhập khẩu thích chọn những điều kiện với chi phí nhập hàng càng thấp càng tốt mà ít coi trọng đến hậu quả rủi ro xảy ra. Do đó nếu rủi ro xảy ra trong quá trình vận chuyển thì trách nhiệm không thuộc về nhà nhập khẩu nên ngân hàng mở gặp rủi ro.
1.1.3. Rủi ro do nhà nhập khẩu mất khả năng thanh toán hoặc bị phá sản.
Đây là loại rủi ro gây thiệt hại nặng nề nhất cho ngân hàng mở, bởi vì ngân hàng mở buộc phải thanh toán cho người bán trong khi không thể thu hồi được vốn lại từ phía người mua. Nguyên nhân là do ngân hàng mở không tiến hành thẩm định khi doanh nghiệp lần đầu tiên đến quan hệ mở L/C hoặc do trong quá trình sản xuất kinh doanh, nhà nhập khẩu bị thua lỗ liên tục mà ngân hàng mở không hay biết.
1.2. Những rủi ro đối với ngân hàng thông báo.
Rủi ro xảy ra đối với ngân hàng thông báo khi ngân hàng này quyết định thông báo phải một L/C giả trong khi chính ngân hàng này chưa đồng ý với tình trạng mã khoá (hay mẫu chữ ký uỷ quyền đối với trường hợp phát hành L/C) mà không có bất kỳ một ghi chú nào về tình trạng mã khoá hay mẫu chữ ký uỷ quyền đó cho người bán biết (cũng như khi ngân hàng thông báo nhận được L/C không đầy đủ, không rõ ràng), hoặc khi ngân hàng thông
báo quyết định không thông báo L/C mà không gửi thông báo về quyết định của mình cho ngân hàng mở biết.
1.3. Rủi ro đối với ngân hàng chiết khấu chứng từ.
1.3.1. Rủi ro do những nguyên nhân bất khả kháng.
Đó là khi xảy ra thiên tai, nổi loạn, bạo động, chiến tranh, đảo chính... Nếu ngày xuất trình chứng từ hoặc ngày hết hạn hiệu lực của L/C rơi đúng vào các ngày này thì theo UCP là ngân hàng mở được miễn trách nhiệm thanh toán trong khi nhà xuất khẩu đã giao hàng và ngân hàng đã chiết khấu bộ chứng từ.
1.3.2. Rủi ro trong quá trình vận chuyển.
Trong quá trình vận chuyển hàng hoá, rủi ro có thể xảy ra mà trách nhiệm thuộc về nhà nhập khẩu do không mua bảo hiểm. Nếu nhà nhập khẩu không thể dựa vào lỗi chứng từ để từ chối thanh toán trước thì người ta sẽ căn cứ vào trách nhiệm ký kết hợp đồng ngoại thương để phân xử. Nhưng nếu tình hình tài chính của nhà nhập khẩu xem như vô vọng, nhà xuất khẩu bị rủi ro và ngân hàng chiết khấu cũng có thể gặp rủi ro do bị gia tăng các khoản nợ khó đòi.
1.3.3. Rủi ro do nhà nhập khẩu từ chối thanh toán.
Đây là loại rủi ro gây thiệt hại nặng nề nhất cho người bán, nếu người bán không có khả năng thanh toán thì ngân hàng chiết khấu sẽ gánh chịu rủi ro. Trong trường hợp này, ngân hàng mở buộc phải từ chối thanh toán khi bộ chứng từ có lỗi mặc dù lỗi đó rất nhỏ mà nếu bình thường người mua thấy không cần thiết phải bắt và đã bỏ qua.