III. Thư tín dụng thương mại là công cụ quan trọng
1. Nội dung chủ yếu của L/C
1.4. Thời hạn hiệu lực, thời hạn trả tiền và thời hạn giao hàng
- Thời hạn hiệu lực của L/C là thời hạn mà ngân hàng mở L/C cam kết trả tiền cho người xuất khẩu, nếu người xuất khẩu xuất trình bộ chứng từ thanh toán trong thời hạn đó và phù hợp với những điều kiện quy định trong
L/C. Thời hạn hiệu lực của L/C bắt đầu tính từ ngày mở L/C (Date of Issue) đến ngày hết hiệu lực (Date of Espiry).
- Thời hạn trả tiền ngay hay trả tiền về sau phụ thuộc vào quy định của hợp đồng. Nếu việc đòi tiền bằng hối phiếu thì thời hạn trả tiền được quy định ở yêu cầu ký phát hối phiếu. Ví dụ: “Available agianst presentation of your draft at sight on Bank of Tokyo” (thanh toán khi xuất trình hối phiếu trả tiền ngay). Thời hạn trả tiền có thể nằm trong thời hạn hiệu lực của L/C nếu như trả tiền ngay, hoặc có thể nằm ngoài thời hạn hiệu lực của L/C nếu như trả tiền có kì hạn. Song có điều quan trọng là những hối phiếu có kỳ hạn phải được xuất trình để chấp nhận trong thời hạn hiệu lực của L/C .
- Thời gian giao hàng (Date of Delivery): Thời hạn này cũng được ghi trong L/C và do hợp đồng mua bán quy định. Thời hạn giao hàng có thể có quan hệ chặt chẽ với thời hạn hiệu lực của L/C.
Trong trường hợp vì lý do nào đó, hai bên thoả thuận phải kéo dài thời hạn giao hàng thêm x ngày mà không đề cập đến việc kéo dài thời hạn hiệu lực của L/C, thì đương nhiên ngân hàng mở L/C cũng phải hiểu rằng thời hạn hiệu lực mặc nhiên cũng được kéo dài thêm x ngày sau đó. Song để tránh tranh chấp, trong điện đề nghị điều chỉnh thời hạn giao hàng, người xuất khẩu cũng đề nghị kéo dài thời hạn hiệu lực của L/C. Ngược lại nếu hai bên thoả thuận kéo dài thời hạn hiệu lực của L/C mà không nói đến kéo dài thời hạn giao hàng thì không thể hiểu là thời hạn giao hàng cũng tự động được kéo dài.