Sự cần thiết phải hoàn thiện chính sách thuế xuất nhập khẩu.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện chính sách thuế xuất - nhập khẩu nhằm phục vụ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam (Trang 95 - 96)

Xu hướng chung của toàn cầu là chuyển từ đối đầu sang đối thoại, chuyển từ chiến tranh sang hợp tác kinh tế. Do vậy việc hội nhập quốc tế của mỗi quốc gia vào khu vực cũng như thế giới là điều cần thiết.

Hội nhập kinh tế quốc tế trong điều kiện toàn cầu hoá là một quá trình mà trọng tâm là chủ động mở cửa kinh tế, tham dự phân công hợp tác quốc tế tạo điều kiện kết hợp có hiệu quả nguồn lực trong nước với bên ngoài, mở rộng không gian và môi trường để phát triển và chiếm lĩnh vị trí phù hợp nhất có thể được trong quan hệ kinh tế quốc tế.

Hội nhập kinh tế quốc tế vừa là đòi hỏi của kinh tế quốc tế nói chung vừa là nhu cầu nội tại của sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia nói riêng. Hội nhập giúp cho việc mở rộng cơ hội kinh doanh, thâm nhập thị trường quốc tế, tìm kiếm và tạo lập thị trường ổn định từ đó có điều kiện thuận lợi để xác định kế hoạch và cơ cấu đầu tư sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, mỗi quốc gia đều có hoàn cảnh lịch sử kinh tế cụ thể nên khi hội nhập cần có một hệ thống chính sách kinh tế phù hợp với những cam kết của tổ chức mà họ tham gia đồng thời hệ thống chính sách này phải mang lại lợi ích cho quốc gia đó.

Chính sách thuế xuất - nhập khẩu là một trong những chính sách nhạy cảm của chính sách thương mại quốc tế nên khi điều kiện quan hệ thương mại của nước ta với các nước thay đổi thì nó cũng phải được điều chỉnh cho phù hợp.

Chính sách thuế xuất - nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian qua về cơ bản đã thực hiện được mục tiêu kinh tế của Đảng và Nhà nước trong 10 năm đổi mới là khuyến khích sản xuất trong nước thay thế hàng nhập khẩu, tăng nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước, bước đầu phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, đứng trước bối cảnh quốc tế thay đổi và mục tiêu kinh tế của Đảng và Nhà nước là mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, phát huy lợi thế so sánh của nền kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu góp phần thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thì việc duy trì chính sách thuế xuất -nhập khẩu như thời điểm hiện nay với những hạn chế đã nêu trên là không phù hợp mà phải thực hiện nhiều sửa đổi, bổ sung, cập nhật theo hướng khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu. Như vậy, đòi hỏi chúng ta phải xây dựng được một chính sách thuế xuất - nhập khẩu hoàn thiện phục vụ hiệu quả cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện chính sách thuế xuất - nhập khẩu nhằm phục vụ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam (Trang 95 - 96)