SỐ SPC
8.1. Điều hành
Đối với tổng đài điện tử SPC các chức năng chuyển mạch được thực hiện tự động hoàn toàn. Nhưng để duy trì sự làm việc chuẩn xác cho tổng đài vẫn cần có sự can thiệp của con người. Các công việc điều hành này bao gồm điều khiển và giám sát các thiết bị tự động thông qua các thiết bị giao tiếp người-máy. Các công việc đó gồm:
Công việc quản lý làm nhiệm vụ thay đổi các điều khiển khai thác như: thêm trung kế, tạo thuê bao mới, thay đổi dịch vụ cho thuê bao, chuyển đổi số liệu cước...
Công việc giám sát bao gồm kiểm tra các dịch vụ đã cung cấp cho thuê bao bằng các phép đo thử khác nhau trên đường thuê bao, trung kế...
Công việc bảo dưỡng làm nhiệm vụ phát hiện các sự cố ở phần cứng, phần mềm và duy trì sự làm việc của hệ thống cho dù có sự cố ở một bộ phận.
8.2. Điều hành khai thác tổng đài SPC
Công việc điều hành khai thác một tổng đài SPC bao gồm toàn bộ các công việc liên quan tới việc quản lý và giám sát tổng đài được chia thành các nhóm việc sau:
a. Điều hành trang thiết bị tổng đài
Việc điều hành tổng đài điện tử phụ thuộc vào: số liều ghi trong tổng đài, chương trình ghi trong các bộ vi xử lý, trạng thái làm việc của các thiết bị phần cứng. Quản lý trang thiết bị tổng đài còn có nghĩa thực là hiện thực hiện chuyển đổi, thiết lập, xoá đi số liệu của tổng đài...
b. Quản lý mạng thuê bao
Công việc quản lý mạng thuê bao bao gồm các công việc như: tạo lập một thuê bao mới, chuyển đổi địa chỉ thiết bị của thuê bao, thay đổi cấp dịch vụ cung cấp cho thuê bao, khoá thuê bao đang khai thác, xoá thuê bao.
c. Quản lý số liệu phiên dịch và tạo tuyến
Số liệu phiên dịch định ra mối quan hệ giữa các chữ số địa chỉ thu được với nhóm mạch trung kế và kết cuối được dùng để thiết lập tuyến cho cuộc gọi. Tập số liệu này bao gồm các chữ số địa chỉ thu được từ một thuê bao nội hạt hoặc một đường trung kế gọi vào, các thông tin này liên quan đến thuê bao chủ gọi.
d. Quản lý số liệu cước
Số liệu cước là một đơn vị gọi của các thuê bao đã thực hiện được. Số liệu cước được dùng để tính cước cho từng cuộc gọi, mỗi một thuê bao có một bộ tính cước riêng. Với các tổng đài SPC bộ tính cước là một vùng nhớ cung cấp cho từng thuê bao, nó dùng để ghi lại số liệu cước cho các cuộc gọi của thuê bao này.
8.3. Giám sát đo thử
Trong các tổng đài điện cơ thông thường công việc giám sát và đo thử lưu lượng cần dùng của một số máy chuyên dụng và nhiều dụng cụ khác. Các thiết bị này tách biệt với hệ thống chuyển mạch và có năng lực rất hạn chế, khó đo thử được thường xuyên. Các số liệu nhận được từ kết quả đo cần phải mất thời gian xử lý để đưa ra kết quả. Chính vì vậy hạn chế tính thông dụng của đo thử trong công việc quản và bảo dưỡng tổng đài.
Còn trong các hệ thống tổng đài điện tử SPC các chức năng giám sát và đo thử lưu lượng được hợp nhất hoàn toàn với hệ thống chuyển mạch trong tổng đài. Chúng được thực hiện bởi các chương trình xử lý gọi và các chương trình đo thử chuyên dụng hơn. Chúng có ưu điểm là tổ chức đo thử được thường xuyên hơn, phạm vi giám sát hoạt động của tổng đài và xử lý liên lạc rộng hơn và kết quả nhận được cũng tin cậy hơn và được sử dụng trực tiếp. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người điều hành quyết định các phương án điều hành kịp thời, thích hợp và còn cho ta các số liệu hữu ích cho công việc quản lý mạng.
8.4. Bảo dưỡng tổng đài điện tử SPC
Trong tổng đài điện tử SPC công tác bảo dưỡng gồm: bảo dưỡng đường dây thuê bao, bảo dưỡng đường trung kế, bảo dưỡng trường chuyển mạch và bảo dưỡng hệ thống điều khiển.
8.4.1. Bảo dưỡng đường dây thuê bao
Công việc bảo dưỡng đường dây thuê bao bao gồm đo thử một hay một nhóm đường dây thuê bao và thiết bị liên quan. Với tổng đài điện tử thì việc thực hiện các phép đo thử và kiểm tra được thực hiện thông qua các lệnh đã được lập trình từ các thiết bị trao đổi người-máy đưa vào.
8.4.2. Bảo dưỡng đường trung kế
Trong tổng đài điện tử SPC số liệu trung kế đã được lưu trữ trong bộ nhớ của tổng đài theo các file riêng ở dạng hồ sơ trung kế. Các hồ sơ trung kế này xác định kiểu cách của các đường trung kế và nhóm trung kế, định kiểu cho các đường trung kế ra, các đường trung kế vào hoặc trung kế kiểu hai hướng và các kiểu báo
hiệu liên quan. Việc thay đổi cơ cấu trung kế có thể thực hiện một cách dễ dàng nhờ việc thay đổi số liệu trong các hồ sơ trung kế bằng các câu lệnh thích hợp. Công việc đo kiểm trung kế cũng có thể thực hiện theo phương thức tự động và kết quả đo thử sẽ lấy ra ở dạng các bản tin.
8.4.3. Bảo dưỡng trường chuyển mạch
Công việc bảo dưỡng trường chuyển mạch bao gồm thực hiện các cuộc gọi, theo dõi cuộc gọi, đo thử các bộ chuyển mạch và xác định sự cố ở trường chuyển mạch.
8.5. Xử lý sự cố
Công việc phát hiện và loại trừ một lỗi xảy ra bao gồm quan sát sự làm việc của tổng đài thông qua hệ thống cảnh báo để phát hiện lỗi, cách li các thiết bị lỗi. Chương trình xử lý lỗi tiến hành công việc xử lý các lỗi này.
Khi phát hiện ra một lỗi chương trình đo kiểm đã khẳng định lỗi này thì các thiết bị liên quan cần phải tách khỏi công việc và không trực tiếp sử dụng cho công việc xử lý liên lạc. Ngay sau khi một thiết bị đã bị tách ra khỏi công việc chương trình tìm lỗi được chạy để tiến hành các phép đo kiểm toàn diện hơn để định vị module có lỗi. Module có lỗi sẽ được chỉ ra trong các bản tin đưa ra của thiết bị dao diện người-máy.
Tổng đài điện tử được xây dựng bởi nhiều cơ cấu điện tử có các nhiệm vụ và chức năng khác nhau. Mỗi cơ cấu có thể đột xuất bị hỏng mà không hề có giai đoạn quá độ. Nhưng hỏng hóc đó hoàn toàn không thể đoán trước được ở bất kỳ giai đoạn nào mà ta chỉ biết được khi nó đã xảy ra và ảnh hưởng đến liên lạc. Vì vậy công việc sửa chữa phải thật nhanh chóng. Việc sử dụng phương thức nhân công để sửa lỗi thì không thể nhanh chóng được cho nên công việc này đã được tiến hành tự động sử dụng thiết bị điều khiển trung tâm cùng với các thiết bị dự phòng nóng. Tuy nhiên vẫn còn phải có sự can thiệp của con người vào các công việc như sửa chữa và thay thế những đơn vị phần cứng và phần mềm bị hỏng mà chương trình xử lý không thể tự khắc phục được.
Tài liệu tham khảo
1. Cơ sở kỹ thuật chuyển mạch và tổng đài, T1và T2 Nhà xuất bản giáo dục, năm 2000.
2. Giới thiệu tổng quát lý thuyết tổng đài điện thoại. Tổng cục Bưu điện.
3. Giáo trình tổng đài điện tử
Trường Đại học kỹ thuật thông tin 4. Giáo trình cơ sở lý thuyết tổng đài
Nhà xuất bản Bưu điện
5. Các loại tổng đài điện thoại trên mạng viễn thông Việt nam, năm 2000 6. Điện thoại số, trung tâm thông tin xuất bản Bưu điện 1990
7. Báo hiệu kênh chung
Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam 8. Lý thuyết hệ thống báo hiệu R2
Học viện công nghệ Bưu chính viễn thông 9. Lý thuyết hệ thống báo hiệu số 7
Học viện công nghệ Bưu chính viễn thông 10. Đồng bộ mạng viễn thông
Học viện công nghệ Bưu chính viễn thông 11. Chuyển mạch số và quản lý mạng
Tổng cục Bưu điện 12. Tạp chí Bưu chính viễn thông
Tổng cục Bưu điện 13. Tổng đài E10, Alcatel, Pháp. 14. Tổng đài EWSD, Simens, Đức.