VI. VAI TRÒ ĐIỀU TIẾT CỦA NHÀ NƯỚC TRONG SỰ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU
b. Một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả điều tiết của Nhà nước đối với công tác phát triển thị trường xuất khẩu
đối với công tác phát triển thị trường xuất khẩu
Để xây dựng cơ cấu thị trường theo hướng đa dạng hoá thị trường và bạn hàng, giảm dần tỷ trọng các thị trường trung gian và tăng tỷ trọng các thị trường tiêu thụ trực tiếp hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, công tác thị trường phải chuyển hẳn từ thế thụ động sang thế chủ động, Cụ thể là:
- Nhanh chóng thành lập Cơ quan thông tin tiếp thị hàng hoá xuất khẩu làm nhiệm vụ theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường thế giới, thông tin cho Chính phủ, các bộ, ngành, các doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh xuất khẩu… để kịp thời xử lý những tình huống phức tạp nảy sinh; dự báo chính xác được cung - cầu hàng hoá trên thị trường thế giới ở từng thời điểm nhất định; thương lượng với các tổ chức quốc tế, quốc gia nhằm loại bỏ những hàng rào kỹ thuật và phi thuế quan bất hợp lý đối với hàng xuất khẩu của nước ta. Cơ quan này cũng sẽ tiến hành nghiên cứu có hệ thống các thị trường truyền thống, các thị trường mới, thị trường tiêu thụ nội địa… kịp thời cung cấp thông tin tin cậy cho các doanh nghiệp và các cơ quan QLNN, khuyến khích phát triển các hoạt động thông tin tiếp thị ở các doanh nghiệp.
- Trên cơ sở phân tích kỹ tình hình và quan hệ buôn bán trên thị trường thế giới, cần
xây dựng đối sách với từng thị trường cụ thể. Bộ Thương mại và các bộ, ngành liên quan cần tiến hành nhiều đoàn khảo sát các thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Đông Âu, châu Phi – các thị trường truyền thống hoặc các thị trường mới cần thâm nhập - để tìm kiếm cơ hội thâm nhập, mở rộng thị trường đối với từng loại hàng hoá xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác thương mại.
- Thực hiện phương châm đa dạng hoá, đa phương hoá thị trường và đối tác. Theo hướng này, cần duy trì và mở rộng xuất khẩu thuỷ sản sang các thị trường sẵn có, đồng thời có những biện pháp phù hợp để thâm nhập các thị trường mới, chú trọng các thị trường có khả năng và dung lượng lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, đồng thời tìm cách thâm nhập và gia tăng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường Nga, Trung Quốc, châu Phi, Mỹ la-tinh; mở rộng các hình thức buôn bán biên mậu với Trung Quốc.
- Hiệp hội sản xuất kinh doanh và xuất khẩu hàng hoá Việt Nam cần hướng dẫn và tổ chức các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và xuất khẩu hàng hoá tham gia tích cực vào thực hiện chương trình phát triển xuất khẩu đến năm 2005; thường xuyên kết hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức tốt thông tin thị trường, giới thiệu khách hàng cho doanh nghiệp, tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu thành lập văn phòng đại diện tại các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, EU để làm đầu mối giao dịch và xúc tiến thương mại.
- Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cần nâng cao khả năng nhận biết và đối phó với những rào cản phi thuế quan của thị trường bên ngoài. Muốn vậy, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ nhu cầu tiêu dùng của từng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn thực phầm, tiêu chuẩn kỹ thuật cho hàng hoá xuất khẩu, tiêu chuẩn về nhãn mác hàng hoá… Các doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau và cần có sự giúp đỡ tích cực của các hiệp hội khác để có
thể nâng cao khả năng nhận biết và đối phó với những hàng rào phi thuế quan kiểu mới này. Về lâu dài, cần nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ doanh nghiệp có trình độ và hiểu biết để bảo vệ hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam và đối phó với các rào cản của nước ngoài.
Để mở rộng thị trường, các doanh nghiệp cần tham gia tích cực vào các hội chợ triễn lãm, mở các văn phòng đại diện ở nước ngoài, tiếp cận với hệ thống các siêu thị để giới thiệu hàng hoá Việt Nam, nhất là những mặt hàng đạt chất lượng cao. Nhà nước cần trợ giúp các doanh nghiệp đổi mới công nghệ; hiện đại hoá sản xuất; tạo nên các mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao hơn; trợ giá hoặc miễn thuế trong một số năm đầu cho các sản phẩm thâm nhập thị trường mới; kịp thời thay đổi chính sách phù hợp khi có sự thay đổi về luật pháp của các nước nhập khẩu hoặc có những biến động lớn về thị trường.
- Khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết giữa các thành phần kinh tế, các loại hình đơn vị sản xuất kinh doanh cả theo chiều dọc (từ tạo nguồn nguyên liệu đến chế biến xuất khẩu) lẫn chiều ngang (phối hợp mở rộng thị trường), nhằm giảm sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường trong nước và tạo sức mạnh cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.