Thị trường vốn quốc tế.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG VỀ HAI NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ TRONG NƯỚC VÀ NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TRONG VIỆC THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ VIỆT NAM (Trang 38 - 40)

Để tạo đà cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững nhằm mục tiêu công nghiệp hoá hiện đại hoá, nhà nước rất coi trọng việc huy động mọi nguồn vốn. Một trong số đó là nguồn huy động qua thị trường vốn. Trong bối cảnh nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) đang ngày càng bị thu hẹp dần và dự kiến đến năm 2010 sẽ “biến mất” khỏi cơ cấu vốn vay, thì trái phiếu sẽ trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển.

Kết quả giao dịch trái phiếu Chính phủ Việt Nam ngay lần chào bán đầu tiên trên thị trường vốn quốc tế ngày 27/10/2005 là “khá hời”. Đây là bước đi "khai phá" đầy thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận vào thị trường vốn quốc tế. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhận định rằng: “hiếm thấy lần phát hành trái phiếu Chính Phủ đầu tiên nào thu được thành công như của Việt Nam”. Số lượng nhà đầu tư đặt mua trái phiếu lên tới trên 255 nhà đầu tư lớn (so với 150 nhà đầu tư mua trái phiếu của Chính phủ Indonesia đầu tháng 10/2005). 750 triệu USD trái phiếu đã được bán hết với lãi suất danh nghĩa là 6,875%/năm; trong đó các nhà đầu tư châu Á nắm giữ 38%, châu Âu 32% và Mỹ là 30%. Trong số các nhà đầu tư này, các quỹ đầu tư tài chính là đối tượng quan tâm nhiều nhất đến trái phiếu của Việt Nam (chiếm tới 52%), còn lại là ngân hàng (25%), các công ty bảo hiểm (17%) và các tổ chức tài chính khác (7%).

Việc các tổ chức quốc tế nâng hạng mức tín nhiệm của Việt Nam là một thuận lợi mới để Việt Nam có thể vươn ra thị trường vốn quốc tế. Năm 2006, Việt Nam phát hành 500 triệu USD trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế. Sự kiện Deutsche Bank - một ngân hàng uy tín của Đức - có một cuộc giao dịch rất thành công với Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu, trong đó người mua hầu hết là các nhà đầu tư nước ngoài đã tạo ra một tiền đề đầy triển vọng cho các công ty Việt Nam vươn ra thị trường vốn nước ngoài.

Trong năm 2007, phát hành trái phiếu Chính phủ khoảng 1 tỷ USD với thời hạn 15 và 20 năm để cho vay lại đối với một số dự án quan trọng như: Dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất, Dự án mua tàu vận tải của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và Dự án thủy điện Xê ca mản 3 của Tổng công ty Sông Đà.

d.Kiều hối

Một trong những nguồn thu hút ngoại tệ hiệu quả và dồi dào nhất của Việt Nam hiện nay, là kiều hối.Nếu lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trên 1 tỷ USD vào cuối thập niên 90, thì sang năm 2000 con số đó đã tăng lên 2 tỷ USD. Lượng kiều hối tiếp tục đổ về nước trong những năm tiếp theo và đạt con số 2,6 tỷ USD vào năm 2003, tăng lên 3,2 tỷ USD năm 2004 và 3,8 tỷ USD trong năm 2005, năm 2006 là 5.2 tỷ USD. Con số tưởng chừng như nhỏ nhoi này lại có ý nghĩa rất lớn. Cả tỷ đô la được chuyển vào Việt Nam mà người thụ hưởng hầu như không phải mất một đồng chi phí nào; cũng có nghĩa, Việt Nam không "tốn" đồng nào để có được vài tỷ đô la hàng năm.

Kiều hối là nguồn vốn bên ngoài quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Ngoài lượng tiền chính thức được chuyển qua các ngân hàng, một lượng tiền khác được cho là đi theo các cơ chế không chính thức. Trong năm 2003, lượng kiều hối thống kê được đóng góp vốn cho nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn lượng ODA đăng ký tới 1 tỷ USD. Lượng kiều hối của Việt kiều năm 2004 được ước tính trang trải tới 62% thâm hụt thương mại dự toán. Năm 2003, kiều hối về Việt Nam tương đương với khoảng 7,4% GDP, bằng 160% đầu tư trực tiếp nước ngoài và 13% xuất khẩu hàng hoá.

Trong 16 năm qua, tổng lượng kiều hối gửi về nước ta đạt trên 29,4 tỉ USD, bằng trên 70% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tính từ năm 1988, cao gấp rưỡi lượng vốn ODA được giải ngân tính từ năm 1993. Năm 2007, lượng kiều hối chuyển về nước tăng mạnh (ước đạt trên 6tỷ USD), gấp nhiều lần vốn ODA, cao hơn cả số vốn FDI thực tế chuyển vào thực hiện tại Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 7 trên thế giới và thứ 4 ở châu Á về kiều hối.Đây là nguồn lực tài chính lớn cho đất nước, cho các gia đình, đặc biệt làm giảm mạnh thâm hụt cán cân vãng lai, thậm chí là thặng dư cán cân vãng lai của Việt Nam và kiều hối bù lại cho thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu mà nhập siêu được ước tính cả năm 2007 lên tới 9 tỷ USD.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG VỀ HAI NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ TRONG NƯỚC VÀ NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TRONG VIỆC THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ VIỆT NAM (Trang 38 - 40)