Để mở một cuộc điều tra, chúng ta cần xác định mục tiêu của cuộc điều tra. Mục tiêu đó dựa trên mục đích nghiên cứu. Có thể có nhiều mục tiêu trong một cuộc điều tra, Biết được mục tiêu điều tra, ta mới đưa ra được các câu hỏi điều tra, do vậy xác định các mục tiêu điều tra là rất quan trọng. Các câu hỏi cần phải sát với mục tiêu điều tra, không nên đưa ra các câu hỏi thừa hoặc trùng lặp, không có ý nghĩa với mục tiêu điều tra.
Các câu hỏi điều tra được chia thành một số loại khác nhau tùy theo mục đích của cuộc điều tra, sẽ được trình bày chi tiết hơn ở mục 3.1.2. Mỗi câu hỏi có một số tùy chọn trả lời, các tùy chọn này phải phân biệt rõ ràng nhau trong mỗi câu hỏi. Các câu hỏi khác nhau có thể có số tùy chọn trả lời là khác nhau. Ngoài các câu hỏi có sẵn các tùy chọn, còn có thể một số câu hỏi mở, các câu hỏi này thường không mang mục đích thống kê mà chỉ mang tính tham khảo. Ví dụ, trong điều tra dân số, một câu hỏi mở có thể được đặt ra: “Theo bạn, phải có những chính sách gì để giảm gia tăng dân số ở nước ta”. Các câu hỏi này sẽ được trả lời tùy theo ý kiến của từng người. Máy tính chỉ xử lý được các câu hỏi có các tùy chọn, các câu hỏi mở sẽ không được xử lý. Tuy vậy, trong phiếu trả lời vẫn phải có các vùng dành cho phần trả lời các câu hỏi mở.
Sau khi điều tra, kết quả điều tra sẽ được phân tích, từ đó đưa ra các báo cáo thống kê cần thiết. Các báo cáo này được sinh ra dựa trên kết quả điều tra và sự phân loại các câu hỏi điều tra.