Thứ nhất: Đối với các chỉ tiêu tài chính
Hệ thống chỉ tiêu tài chính được áp dụng tại Chi nhánh NHCT Ba Đình còn chưa đầy đủ , chưa phản ánh được cơ bản tình hình tài chính của doanh nghiệp. Ngoài ra, còn nhiều chỉ tiêu không rõ ràng. Do đó, cần bổ sung các chỉ tiêu quan trọng sau:
- Đối với nhóm chỉ tiêu thanh khoản: Cần bổ sung thêm chỉ tiêu khả năng thanh toán tức thời, khả năng thanh toán dài hạn.
- Đối với chỉ tiêu hoạt động: Cần bổ sung thêm vòng quay vốn lưu động - Đối với nhóm chỉ tiêu cân nợ: Cần phải bóc tách hệ số nợ sâu hơn, cụ thể là: cần phải phân biệt nợ ngắn hạn và nợ dài hạn theo từng nhóm ngành như: Tỷ trọng nợ dài hạn cao hơn nợ ngắn hạn là điều hợp lý đối với ngành xây dựng nhưng sẽ là không hợp lý đối với ngành thương mại- dịch vụ ...Việc phân loại như vậy mới xác định được mức độ hợp lý và an toàn của các hệ số nợ.
Ngoài ra, chỉ tiêu “nợ quá hạn” cần phải quy định thống nhất trong toàn hệ thống ngân hàng, nên áp dụng theo hướng phù hợp với xu hướng chung trên thế giới hiện nay bằng cách xác định nợ quá hạn theo điều 7/QĐ493. Tuy nhiên để làm được điều đó, đòi hỏi Chi nhánh NHCT Ba Đình phải xây dựng cho mình một hệ thỗng XHTD nội bộ từ đó ứng dụng kết quả xếp hạng vào phân loại nợ theo mức độ rủi ro của xếp hạng.
- Đối với nhóm chỉ tiêu thu nhập: Việc tính toán các chỉ tiêu dựa trên Tổng thu nhập trước thuế là không chính xác vì Lợi nhuận sau thuế mới thực chất phản ánh chính xác kết quả kinh doanh cuối cùng của doanh nghiệp. Do đó, cần phải thay thế bằng các chỉ tiêu tính trên lợi nhuận sau thuế để xác định chính xác hơn kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, cụ thể như: Lợi nhuận sau thuế/Doanh thu thuần (ROS); Lợi nhuận sau thuế/Tổng tài sản (ROA); Lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu (ROE).
Mặt khác, trong điều kiện khủng hoảng hiện nay, tình hình sản xuất kinh doanh giảm sút hay thua lỗ là điều khó tránh khỏi. Trong khi đó, nhiều thang điểm giá trị chuẩn để so sánh, chấm điểm còn quá cao so với thực tế của các doanh nghiệp mới thành lập, hay mới chia tách, sát nhập. Vì vậy, việc xếp hạng các đối tượng này không nên quá chú trọng vào các chỉ tiêu tài chính mà nên đánh giá có chiều sâu về các chỉ tiêu phi tài chính, đặc biệt là khả năng kinh nghiệm của Ban lãnh đạo doanh nghiệp.
Thứ hai: Đối với các chỉ tiêu phi tài chính
Đây là những chỉ tiêu mang tính định tính rất cao nên độ chính xác của kết quả chấm điểm chủ yếu phụ thuộc vào nhận định, đánh giá chủ quan của Cán bộ chấm điểm. Do đó, cần hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu phi tài chính này theo hướng tập trung vào chiều sâu của mỗi tiêu chí hơn.
- Hoàn thiện các chỉ tiêu lưu chuyển tiền tệ
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là báo cáo được xem là quan trọng nhất trong các báo cáo tài chính, nó mang lại nguồn thông tin quan trọng phục vụ đắc lực cho việc đánh giá và nhận định của Cán bộ chấm điểm trong công tác xếp hạng khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay Chi nhánh mới áp dụng 5 chỉ tiêu theo tiêu chí lưu chuyển tiền tệ mà trong số đó nên bỏ hai chỉ tiêu không mang tính chất phi tài chính, do đó để tận dụng được nguồn thông tin do Báo cáo lưu chuyển tiền tệ mang lại nên bổ sung thêm ba chỉ tiêu sau:
+ Chỉ tiêu: Lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh/ Tổng lưu chuyển thuần
Chỉ tiêu này cho biết khả năng tạo tiền từ hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp. Đây là nguồn tiền được dùng để trang trải chủ yếu cho hoạt động đầu tư dài hạn và trả nợ vay của doanh nghiệp.
+ Chỉ tiêu: Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư/Tổng lưu chuyển tiền thuần
Đây là chỉ tiêu cho thấy khả năng tạo tiền từ từ các khoản đầu tư của doanh nghiệp (Đầu tư chứng khoán, đầu tư bất động sản, cho thuê dài hạn tài sản cố định…). Khi hệ số này cao tức dòng tiền vào từ hoạt động đầu tư chiểm tỷ trọng cao. Nếu chưa có kế hoạch tái đầu tư, doanh nghiệp sẽ dùng nguồn tiền này để ưu tiên thanh toán các khoản nợ đến hạn, nợ dài hạn …Sau đó, doanh nghiệp sẽ điều tiết vốn cho hoạt động kinh doanh chính để giảm các
khoản vay ngắn hạn. Nhìn chung chỉ tiêu này, đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp khá tốt.
+ Chỉ tiêu: Dòng tiền ra để trả cổ tức/ Dòng tiền ròng từ hoạt động kinh doanh
Chỉ tiêu này nên được tính đối với các công ty cổ phần. Nó cho biết việc sử dụng dòng tiền thu được từ hoạt động kinh doanh để trả cổ tức cho các cổ đông của doanh nghiệp. Điều này đáng quan tâm trong trường hợp một số công ty có chính sách duy trì đều đặn mức trả cổ tức mặc dù phải đi vay trong điều kiện dòng tiền tạo ra từ hoạt động kinh doanh không đủ. Do đó, hệ số này luôn phải cân nhắc trong việc tính toán nhu cầu vốn thực sự của doanh nghiệp trong từng giai đoạn chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.