Trình độ công nghệ, trang thiết bị

Một phần của tài liệu Phát triển doanh nghiệp bán lẻ Việt nam trong điều kiện cạnh tranh (Trang 34 - 35)

1 TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG HIỆN NAY CỦA CÁC DOANH NGHIỆP BÁN LẺ VIỆT NAM

1.1.5 Trình độ công nghệ, trang thiết bị

Để có thể thành công trong một nền kinh tế cạnh tranh cao độ như hiện nay, các doanh nghiệp phải thường xuyên thay đổi công nghệ, máy móc, thiết bị, các phương pháp, bí quyết sản xuất. Sự đi đầu về công nghệ được coi là một lợi thế cạnh tranh rất lớn, tạo nên nhiều giá trị lớn khác cho một doanh nghiệp trên thương trường. Thế nhưng hầu hết công nghệ đang được sử dụng ở Việt Nam hiện nay được đánh giá là lạc hậu. Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới WEF, chỉ số xếp hạng về trình độ công nghệ của Việt Nam là rất thấp, xếp thứ 92/125 nền kinh tế trên thế giới, và đang có chiều hướng đi xuống. Các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam với quy mô hạn hẹp cũng không nằm ngoài thực trạng đó. Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, các doanh nghiệp bán lẻ hiện nay đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới, và đến 70 - 80% công nghệ là ngoại nhập.

Trong ba giai đoạn của phát triển công nghệ là tiếp thu công nghệ, làm chủ công nghệ và sáng tạo công nghệ, thì hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ nước ta mới chỉ dừng lại ở giai đoạn tiếp thu công nghệ một cách thụ động thông qua nhập khẩu máy móc, thiết bị. Thậm chí những máy móc kỹ thuật cao, dây chuyền tiên tiến thì mới chỉ được đầu tư ở mức cầm chừng. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước của các doanh nghiệp đang ở giai đoạn tìm tòi và sáng tạo công nghệ mới. Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam thực sự chưa chủ động trong quá trình này, chưa đầu tư

http://svnckh.com.vn 35

nghiên cứu phần mềm công nghệ cũng như bí quyết công nghệ để học hỏi, sáng tạo.

Thế giới hội nhập đang và sẽ chứng kiến những tiến bộ thực sự có ý nghĩa về công nghệ thông tin và phát triển cơ cấu thông tin quốc gia, về công nghệ vật liệu mới. Hầu hết các doanh nghiệp thành công trên thế giới đều ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử như một vũ khí để phát triển sản phẩm, quan hệ với đối tác, khách hàng, tăng hiệu quả kinh doanh. Năm 2003, ở Nhật Bản, số doanh nghiệp bán lẻ sử dụng Internet vào hoạt động kinh doanh và mức ứng dụng rất chuyên nghiệp chiếm tới 86,2%; ở Australia năm 2004, 71% các doanh nghiệp bán lẻ sử dụng Internet vào hoạt động và 23% có website riêng. Thế nhưng thực trạng sử dụng Internet nội bộ và ứng dụng thương mại điện tử vào kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ nước ta còn thấp và chưa hiệu quả. Hầu hết các doanh nghiệp đều có trang thiết bị máy vi tính và lắp đặt hệ thống Internet, tuy nhiên các doanh nghiệp chưa tận dụng hết các chức năng của Internet trong quản lý, đào tạo phục vụ công tác phân phối sản phẩm. Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, hơn 60 đến 70% các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam chưa sử dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực quản lý, thương mại điện tử, kỹ năng bán lẻ và xây dựng thương hiệu và khoảng 20% đơn vị mới xây dựng web đơn giản với nội dung nghèo nàn. Các website mà doanh nghiệp tạo nên chỉ mới dừng lại ở việc quảng bá tên và dịch vụ, ít có sự cập nhật thông tin, thực hiện các giao dịch trực tuyến. Có thể nói, hệ thống công nghệ và việc ứng dụng thương mại điện tử ở các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam chỉ ở mức khởi đầu trong tương quan của các đối thủ ở các nước phát triển. Tóm lại, những yếu kém về ứng dụng công nghệ vào dịch vụ phân phối đã làm hạn chế rất lớn khả năng cạnh tranh và phát triển của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam.

Một phần của tài liệu Phát triển doanh nghiệp bán lẻ Việt nam trong điều kiện cạnh tranh (Trang 34 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)